Blue Valentine: Khi tình yêu có tuổi

Blue Valentine vương màu xanh lặng lẽ của tình yêu.

Nếu ví tình yêu trong thời gian bắt đầu bằng màu xanh mơn mởn, thì có thể ví tình yêu khi đã có tuổi bằng màu xanh thăm thẳm trong cuộc sống. Tình yêu không phải là hằng số mà là biến số thay đổi theo thời gian với những xáo trộn trong mỗi con người đi qua nó. Tình yêu không tự động đến nên cũng không tự động đi, khi một thứ tình yêu này chết đi thì một thứ tình yêu khác lại được sinh ra từ những giá trị mà tình yêu đã chết đi mang lại. Vì thế tình yêu cũng tuân theo những định luật phức tạp và đôi khi khắc nghiệt của dòng thời gian-thử thách lớn nhất mà tình yêu phải đi qua nếu muốn tựu thành.

Blue Valentine kể về một mảnh ghép nhỏ trong muôn triệu mảnh ghép về tình yêu-hôn nhân và con đường mà chúng đi qua thời gian với những giá trị mặc nhiên cần phải đi qua. Phim mang lên khuôn hình hình ảnh một gia đình nhỏ với một người vợ, một người chồng, và một đứa con. Không có nhiều kịch tính trong các tình tiết như chính cuộc sống đời thường vậy, phim chỉ kể lại những mâu thuẩn nhỏ về lối sống giữa hai vợ chồng. Nhịp phim chầm chậm trôi qua như cuộc sống hằng ngày trôi qua, nhẹ nhàng và đôi khi tẻ nhạt nhưng chân thực như chính cuộc sống của đại đa số con người sống trên thế giới này. Một vài phút ráng ngủ nướng trên giường bị phá tan hay một bữa ăn dang dở và đạm bạc không chỉnh tề, một lần làm tình lãng mạn không thành hay nỗi nhớ về khoảng thời gian bắt đầu đầy bay bỗng và yêu thương. Tất cả tình tiết trong phim rất nhỏ, nhỏ đến nỗi có thể nhiều người gán cho nó tính chất nhỏ nhặt không đáng kể. Đôi lúc tôi cũng nghĩ thế với lý thuyết ”rồi cũng sẽ qua”, và đúng là  xác suất ”rồi sẽ qua” là khá cao…

Nhưng để nhận định được ‘’tất cả rồi sẽ qua’’ chúng ta cần có góc nhìn khách quan từ ngoài nhìn vào, còn người trong cuộc không có được nhãn quan thần kỳ ấy khi mọi khó chịu, đè nén, bực bội cứ chực chờ đổ xô vào khiến góc nhìn của họ duy ý chí hơn. Khi tình yêu có tuổi chính là lúc người ta đặt câu hỏi về sự tồn tại của thứ tình yêu họ đang sở hữu, khi ấy tình yêu được đặt lên bàn cân giữa những ràng buộc và tự do, sự tự do mà đã một lần người ta từ chối để chọn tình yêu-hôn nhân. Và giờ đây khi người ta đã có tình yêu, người ta lại mất đi tự do, thứ tự do mong ước được thỏa lòng chạy vào lòng nó lại một lần nữa.

Muôn vàn câu hỏi được đặt ra trong cuộc sống chung đụng của một đôi nam nữ-hay cụ thể hơn là một cặp vợ chồng, muôn vàn trăn trở nảy sinh trong cõi lòng của mỗi con người trong cuộc sống ràng buộc chung giữa hai người tỏ đường đi lối về của nhau. Ở Blue Valentine đó là câu hỏi về sự chịu đựng hay chấp nhận lối sống của người mình yêu. Tất cả tưởng chừng đơn giản nhưng cảm xúc của mỗi con người trong những hoàn cảnh mong manh ấy lại là một mảng đa sắc phức tạp và đầy rối rắm khi vừa muốn giữ lại vừa muốn buông tay để không hiểu mình đang từ bỏ nỗi đau hay đang rời bỏ hạnh phúc. Người vợ trong phim đặt câu hỏi cho chính cuộc đời mình rằng người chồng cao thượng yêu vợ, yêu con? có thật sự phù hợp với mong muốn của cô. Tại sao lại đặt câu hỏi có cần thiết có một người chồng yêu vợ, yêu con hay không? Có nhiều người sẽ thắc mắc vì chẳng phải một người vợ cần chẳng phải là một chồng yêu mình và yêu con. Tuy nhiên, phải chăng cái mà một người vợ cần là thế…? Blue Valentine đặt câu hỏi hóc búa khi phân tích tâm lý của người vợ đặc sắc và đa chiều, phản lại lý thuyết đơn thuần chỉ là lý thuyết với tính chất duy mỹ và áp đặt.

Một người vợ cần một người chồng yêu thương gia đình ư, tất nhiên là cần nhưng đây chỉ là một trong số những điều kiện cần để xây dựng nên một gia đình chứ không phải là điều kiện đủ để hòa hợp gia đình đi suốt đến trăm năm. Có những thứ mà một người phụ nữ cần hơn cả tình yêu, đó là sự chia sẻ về cuộc sống của người chồng. Người chồng yêu thương gia đình theo cách mà người chồng muốn hay cách gia đình và người vợ cần? Một cặp vợ chồng nhưng hai lối suy nghĩ khác biệt nên chẳng thể tìm được điểm chung để bước đi thật dễ chịu bên nhau, họ đi qua cuộc sống của nhau bằng sự lơ là hay sự bực bội phải va vấp vào nhau nhưng không thể thay đổi nhau để cùng tiến đến một sự hòa hợp nào đó trong cuộc đời. Nếu có ai đó nói rằng có thể mặc kệ nhau và sống tiếp tục, tôi đồng ý rằng có thể nhưng khi đó mỗi người trong cuộc sống ấy đều đi theo lý tưởng riêng của mình và tình yêu lúc ấy trở nên nhợt nhạt đến nỗi chỉ còn là vô hình chỉ chờ một lúc nào đó sẽ mất hút trong không trung mà thôi. Nếu sự mặc kệ đó xảy ra thì cuộc sống chung trở nên không biến động nhưng chắc chắn chẳng phải bình yên vì nền tảng chấp nhận tích cực chẳng bao giờ xảy ra để cuộc sống hôn nhân được duy trì, tất cả lúc ấy sẽ đi về tan vỡ vô hình khó có thể níu kéo.

Và  tình yêu có tuổi khi người ta đã đối diện gián tiếp bằng cách chịu đựng rồi lại can đảm đối diện trực diện đấu tranh với những hục hặc trong cuộc sống hôn nhân. Khi tình yêu có tuổi là lúc tình yêu có cả chịu đựng lẫn chấp nhận lẫn nhau, lưng chừng nhưng lại tuyệt đối trong nền tảng lưng chừng ấy. Tình yêu của cặp vợ chồng trong phim như thế, có tình yêu giữa hai bên nhưng thiếu đi sự hòa hợp và thấu hiểu về nhau, đặc biệt ở người chồng khi đặt cách yêu duy chiều để tác động lên gia đình mà quên rằng cuộc sống luôn muôn vàn thay đổi.

Khi tình yêu có tuổi là khi tình yêu ấy có khả năng thay đổi và dám thay đổi bản thân để đi qua thời gian, hiểu rằng đôi lúc mỗi con người sống trong tình yêu không cần tình yêu, không cần một người chồng luôn hài lòng với cuộc sống mà không tiến lên mà cần một người chồng như một bờ vai để nương tựa những lúc mỏi mệt. Điều người vợ trong phim cần là một người chồng trưởng thành biết tính xa một chút, biết thay đổi mình một chút so với ngày xưa sau hơn năm năm chung sống. Khi một giá trị cần phải đi vào hoài niệm để được nâng niu nhưng nó vẫn tồn tại trước mắt thì giá trị ấy trở nên lỗi thời và bị đảo thải là tự nhiên, và cũng tự nhiên sẽ xuất hiện vài cuộc đảo chính tư tưởng để giá trị của tuổi trẻ ấy đi vào khuôn khổ của thời gian khi nó đã không cần thiết. Các tình tiết ở cuối phim thể hiện cuộc đảo chính ấy, mọi thứ dường như vỡ tung khi người vợ nhận thấy cần phải chọn con đường thay đổi để đi tiếp thay vì lưỡng lự chịu đựng như xưa và lựa chọn thay đổi ấy vẽ nên hai con đường để đổi thay: một cuộc ly hôn chia tách hai cuộc sống, hay một cuộc hôn nhân tiếp tục khi người chồng đã dần trở nên hiểu vợ mình muốn gì và đặt câu hỏi về sự thay đổi để dung hòa cuộc sống hôn nhân lại.

Mọi mâu thuẩn của cuộc sống hai vợ chồng trong phim xuất phát từ thực tế rằng một người vợ luôn có tuổi và một người chồng dường như lúc nào cũng còn trẻ con trong hôn nhân. Khi người vợ lo nghĩ cho ngày hôm nay và cả ngày mai thì người chồng vẫn còn sống chỉ cho mỗi hôm nay mà thôi. Người vợ luôn suy nghĩ từng nấc thang nhỏ nhất thì người chồng luôn tính những bước đi quá rộng và quá dài. Người chồng luôn tin tưởng yêu thương có thể bù đắp thương đau, những khoái lạc có thể hàn gắn vết thương lòng nhưng với người vợ họ không suy nghĩ như thế, người phụ nữ lúc ấy cần một nền tảng chắc chắn hơn để tạo niềm tin đi tiếp vào tương lai chứ không phải là liều thuốc giảm đau tạm thời nên không bằng lòng với suy nghĩ hài lòng của người chồng. Người phụ nữ biết rằng tình yêu chỉ như một chiếc chìa khóa mở cửa không gian cuộc sống mới cho hai con người chứ không phải là cuộc sống ấy. Và khi người phụ nữ, người vợ tìm được một chút niềm tin họ sẽ đối diện với cuộc đời một cách tốt nhất có thể. Đoạn kết  lưng chừng mở của phim mang lại niềm hy vọng ấy.

Sự thay đổi mà Blue Valentine hướng đến mang đến một bức tranh lấm lem giữa đau khổ và hạnh phúc của tình yêu-hôn nhân. Tình yêu-hôn nhân ít hy vọng nhiều thất vọng, ít hạnh phúc nhiều đau khổ, cũng không còn cuồng nhiệt bay bỗng, lại càng không dại cuồng như những khoảnh khắc của thời gian bắt đầu. Tất cả điều đó khiến tình yêu mất đi nhiều thứ mà trong khoảng thời gian bắt đầu nó tỏa sáng lung linh khiến nhiều người mơ ước có nó. Nhưng nó mang lại một giá trị đa chiều hơn, nồng đượm hơn như một mùi vị của thứ rượu được ủ qua thời gian, đắng cay thì nhiều, ngọt ngào chẳng dễ dàng nhận ra vì chỉ có dư vị đọng lại mang đến cảm giác tê lưỡi sau đó và khiến người ta nghiện ngập. Tự do và tình yêu luôn là hai giá trị đối lập nhưng bổ khuyết cho nhau để trói buộc lại tự do như một cách thả tự do bay bỗng theo lý tưởng riêng. Tự do luôn bay cao hơn nữa khi đi vào tận cùng trói buộc để tìm kiếm tự do. Bức tranh lấm lem màu hôn nhân của tình yêu vương sắc xanh thăm thẳm nhưng lại chứa đầy màu xanh non của sự sống kết tinh thành những dãi xanh biền biệt mơ ước về hạnh phúc vô hình ám hồn vào để hạnh phúc thấm đượm khi con người biết lắng nghe và thẩm thấu hơi thở cuộc sống xung quanh.

Chẳng phải những lúc đắng cay nhất cũng chính là lúc hạnh phúc nhất khi thời gian đã đi qua ?

8

Categories: English movies | Tags: , | 4 Comments

Post navigation

4 thoughts on “Blue Valentine: Khi tình yêu có tuổi

  1. Vẫn chưa xem Blue Valentine đấy Ohanami ạ 😦
    Đặt cái tựa đề cho bài viết hay quá, lần nào mình cũng cứ tấm tắc với cách đặt tựa của Ohanami, chưa cần đọc bài viết đã thấy nội dung, lại cô đọng hình ảnh và ý nghĩa.

    Bài này hợp với cái theme này của Ohanami ha?

    • NH

      Thì NH chọn theme này để chuẩn bị viết bài này đó, nhưng gần cả tháng mới có hứng viết lận nên theme lên trước mà bài viết thì giờ mới xong.^^
      Cảm ơn Ginko về lời khen, để khi nào chuẩn bị vốn liếng đủ sẽ qua vườn chê tiếp ^^, thấy Tiny khoái bạn Thần Chết trong 49 days quá chẳng lẽ nhảy vào chê nhân vật đó nhảm nhảm thì mất cả vui nên im luôn, đợt này xem được mỗi tập 1 của 49 days. ^^

  2. jazzy guy

    mới coi xong, càng lúc càng không chán hôn nhân mặc dù chưa lấy dzợ :))

    • jazzy guy

      càng chán chứ ghi dư chữ “không”

Leave a reply to jazzy guy Cancel reply

Blog at WordPress.com.