Japanese dorama

JIN – Lãng du cùng thời gian

Ở thời này, nhạc thì phải xập xình, phim ảnh thì phải khoa trương. Chỉ cần khán giả hắt hơi xổ mũi một tí thôi là các nhà sản xuất rượt theo thị hiếu lau nước mũi muốn đứt hơi. Phim phỏng là phải có anh kia đẹp trai, chị kia đẹp gái hôn hôn hít hít cho cân môi xứng lưỡi, để vừa lòng để khán giả mơ mộng, hay phải có anh hùng bắn súng đòi công lý, giết chết cái hạng tham nhũng đè dân đen vào nợ vào nần để người ta khoan khoái hy vọng mà sống tiếp.

Không có ai có quyền trách cứ, chứ đừng nói là lên lớp dạy đời nhu cầu giải trí đó, vì đời ai cũng bình đẳng nên nhu cầu giải trí cũng chẳng cần phân cấp sang hèn, cũng cùng một loại mua vui để thư giãn sau ngày làm việc mệt nhọc mà thôi. Người ta đầu tất mặt tối đối diện với cơm áo gạo tiền, với người yêu hay tay chồng lười nhác đêu đểu xem Euro suốt ngày bắt hầu hạ và khoắn đồ đi cúng nhà cái thì thời gian đâu mà ngồi xem phim cho nặng đầu. Văn hóa mỗi thời đều thể hiện trực diện nhất hiện thực xã hội, như bao đời nay vẫn vậy. Ca dao tục ngữ ngày xưa cũng là dạng văn hóa bình dân để người ta mơ người ta mộng, người ta tán tỉnh thề hẹn nhau, Hồng Lâu Mộng trứ danh cũng diễm tình như bao tác phẩm ngôn tình ngày nay đấy, Romeo & Juliet cũng bi thương như bao tác phẩm bi lụy ngày này đó mà, chỉ là gắn bó với nhu cầu giải trí qua thời gian, lưu lại lên lão làng giờ thành kinh điển rồi bao người suy tôn thôi.

Nhưng nếu ai đó thảnh thơi đầu óc một chút thì cũng nhìn ngang liếc dọc để tìm kiếm chút thi thơ, hay hơn nữa là chút trừu tượng của cái gọi là nghệ thuật, đỉnh của văn hóa. Không hẳn đầu óc lúc nào cũng thảnh thơi mới thưởng thức được nghệ thuật, chỉ cần lâu lâu để đầu óc thoát ra khỏi xô bồ và thảnh thơi ngắm không gian lãng đãng sương bay thấm chút hơi lạnh của nghệ thuật thôi. Đời cũng phải có cái này, cái kia để gió thoảng, mây bay thêm hương, thêm vị cho đời thêm mặn mòi, thêm dư âm nhớ thương và dư hương vấn vương.
Continue reading

Categories: Japanese dorama | Tags: , , , | 4 Comments

Suna no utsuwa 2004 – Con tàu không thể lênh đênh

Bởi nó là con tàu cát, con tàu của tuổi thơ vời vợi nỗi hoang mang,

con tàu cát bay theo gió, theo sóng hoang tàn tịch liêu.

Suna no utsuwa là một bản giao hưởng mang tên số phận, nơi con người đuổi bắt chính mình trong trái ngang. Số phận là trò chơi cút bắt mà cho dù bạn trốn thật kỹ thì sau những nhịp đếm năm mười vẫn sẽ tìm đến với bạn, dù bạn muốn hay không, dù bạn thay đổi nó như thế nào, nó luôn đúng bằng cách mà bạn ngỡ đã tránh được trong trạng thái tuyệt nhiên và ảo ảnh.

Phim viết về tâm lý tội phạm, chứ không đơn thuần là phim điều tra phá án. Bạn không phải mắc công đoán già đoán non thủ phạm khi xem, nhưng bạn sẽ bất ngờ với động cơ gây án của thủ phạm, một con người cố đào thải quá khứ nhưng vẫn bị quá khứ bủa vây trong niềm hoang mang và cô độc. Qúa khứ là một phạm trù tâm lý, chúng đeo đuổi những người bỏ rơi, trong khi bỏ mặc những người cố níu lại. Qúa khứ chờn vờn và ám ảnh, mãi miết như những con sóng miên man bờ cát dài, liệu có ngừng nghỉ bao giờ không?

Những cảnh quay trong phim khắc họa kịch bản bằng những toàn cảnh chênh vênh chập chùng. Khung cảnh như tranh như họa ấy khoét vào sâu hoắn nỗi đau mà cậu bé Hideo gánh trên vai, nỗi đau cô độc trong sự lãnh cảm của số phận. Hideo có một quá khứ lang bạt cùng cha suốt 3 năm, từ 7 tuổi đến 10 tuổi. Cậu bé lang bạt để trốn chạy số phận được sinh ra bởi cha-có số phận lạc loài giữa biển đời. Hideo lăn lộn cuộc đời để chạy trốn, để giấu nhẹm và thay tên đổi họ số phận, nhưng đến một ngày số phận vẫn giăng ngược lại đời cậu, nơi mà Hideo-mãi mãi vẫn chỉ là một cậu bé mà thôi, thì cậu lại ngây thơ dẫm lên vết xe đổ của cung đường mòn cha cậu đã đi qua. Hideo nào biết số phận điệp trùng nên dù có lãng tránh như thế nào chăng nữa cậu cũng không thể thoát khỏi nó, thoát khỏi sự trái ngang.

Continue reading

Categories: Japanese dorama | Tags: , | Leave a comment

Shiroi Kyoto 2003 – Bạch Cự Tháp, chóp bu và những chiếc bóng

Phần giới thiệu:

Phim ảnh có nhiều loại, có hạng chẳng đáng ba xu, nhưng cũng có loại khi xem phải khiến người xem nghiêng mình nể phục. Nể phục không phải vì nó hào nhoáng hay hài hước quá với những tràng cười giải trí, mà nể phục vì phim phản ánh lại được hiện thực với những góc nhìn đầy gai góc về cuộc đời và về giá trị nhân bản mà phim gởi gắm ở những sự sống. Shiroi Kyoto là dạng phim khiến người xem phải nghiêng mình nể phục nó vì góc nhìn trực diện, không khoan nhượng về những thứ được cho là thánh thiện trên cuộc đời này, mà ở đây là vấn đề y đức.

Shiroi Kyoto là một phim chuyên nghành y khoa, nhưng phim bàn sâu sát nhất là về y đức, một vấn đề dễ liên hệ hơn rất nhiều so với những kiến thức chuyên khoa chán ngán mà chẳng ai muốn hiểu, ngoại trừ dân y. Chính vì thế phim miêu tả thế giới y khoa thông qua cuộc sống của những bác sỹ trong một bệnh viện hàng đầu tại Nhật Bản, nơi người ta chính trị hóa y trường một cách nhuần nhuyễn, thâm sâu như những cơn sóng ngầm cuốn xoáy bất cứ ai đi sai đường. Thế giới y khoa ấy cũng là thế giới mà lợi ích cục bộ luôn được ưu tiên hàng đầu thay vì những khẩu hiệu sáo ngữ thường được giăng lên không biết ngượng ngùng. Thế giới ấy là một thế giới trông bình lặng nhưng tàn nhẫn đến khốc liệt nếu bạn chạm vào những tử huyệt của nó, và nó sẽ tỏa đi những vòi bạch tuột để thanh lý những yếu tố ngoại biên. Lợi ích chung ở đâu ư, ở trong mơ ước mà thôi! Đừng hy vọng hão huyền vào lợi ích chung được gion giỏn rao ở những bản tin hay bài thuyết giảng, lợi ích chung chỉ đến cùng nguyên lý Bàn tay vô hình mà thôi, nơi người ta vừa làm lợi cho mình, nhưng cũng vừa làm lợi cho đời. Shiroi Kyoto miêu tả lại nguyên lý Bàn tay vô hình trong thế giới y khoa một cách sắc sảo và thâm trầm từ góc nhìn của những tác gia, nhà làm phim có tầm nhìn và có đủ hiểu biết những vấn đề tâm lý chuyên sâu.

Điểm đặc sắc nhất ở Shiroi Kyoto là sự tinh giản nhưng cực kỳ chặt chẽ. Những áng tâm lý được phim miêu tả chân thực, sâu sát với vị thế những nhân vật được đặt vào. Shiroi Kyoto là một dạng phim tâm lý cân não nhân vật trong phim cũng như người xem ở ngoài, đòi hỏi người xem một cách thưởng thức nghiêm túc trong không gian căng thẳng với mâu thuẩn mang tính chất bất đặng đừng. Những mâu thuẩn trong phim tiệm cận sự hoàn hảo nên chẳng thể bắt bẻ được, phim không có một đoạn thừa thãi nào, không có một đoạn trình diễn nào. Mà tình tiết trong phim chuyển động tịnh tiến và khép kín vòng tuần hoàn với những nút thắt ngày càng cao hơn, chặt hơn để đưa đến cảm giác cân não chẳng thể dứt ra được-cảm giác thuyết phục người xem tuyệt đối trong dòng phim tâm lý mà không cần đến một yếu tố hù dọa người xem như những bí mật động trời, cái chết cận kề để người xem lo sợ như movie Vô gián đạo đã thực hiện rất thành công trong dòng phim tâm lý tội phạm. Shiroi Kyoto vượt lên những thể loại ấy, khi đề cập đến một vấn đề mang tính nhân văn bằng góc nhìn nhân bản, một điều mà rất hiếm phim nào có thể diễn đạt được. Phim để lại những câu hỏi hóc búa và những thực tại đẹp một cách oan nghiệt trái ngang về số phận, về con người và về ước mơ khiến người xem thắc thỏm nghĩ về bản thân, về gia đình và sự nghiệp.

Bản phối đầy đủ bài Tomorrow sử dụng trong phim ở link này, bản phối nguyên gốc của Takashi Kako ở link này.

Như đã nói phim có một phong cách tinh giản, nhưng không chỉ ở nội dung mà còn ở cách dàn dựng với những góc quay sắc lạnh trầm ngâm và những ca khúc không lời với bài thánh ca Amazing Grace như khúc chiêu hồn thăm thẳm đi vào cảm nhận của người xem. Diễn xuất của diễn viên thể hiện đầy đủ góc khuất trong tính cách nhân vật với độ chân thật cực kỳ cao, không hề lên gân, không hề thiếu đi ánh mắt thấu hiểu cho thấy sự già nghề của dàn diễn viên am hiểu đầy đủ tâm lý con người, thứ được tác gia và biên kịch gởi gắm vào từng nhân vật. Chính vì điều đó tạo nên sự cầu thị chân thật hiện diện trong từng thước phim khiến người xem đắm mình trong không gian ấy. Shiroi Kyoto là một phim cực kỳ gần gũi mà cũng cực kỳ xa cách khi nói về những vấn đề đời thường với cách kể chuyện tuần tự mà không hề thiếu đi tính hấp dẫn của dòng điện ảnh tâm lý. Vấn đề đắt địa nhất mà Shiroi Kyoto đạt được là sự đa chiều và tầm nhìn cao phù hợp với một bộ phim có nội dung sâu khiến phim cân bằng gần như tuyệt đối, miêu tả những thái cực đối lập nhau để người xem khó có thể bắt bẻ. Một phim được đầu tư công phu bởi đài Fuji TV nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập đài nên gần như không khiếm khuyết khi người xem hòa vào vào cuộc đời những nhân vật, cũng như lý tưởng của họ và những cuộc chiến cân não giữa những con người học thức thật sự được dựng lên phim.

Xem phim để cảm nhận nét thâm trầm, nét hóc hiểm của những hệ tâm lý đặt trên tòa tháp đỉnh cao, tòa tháp lồng lộng giữa những cơn gió vô hình của lòng người, để thẩm thấu một chút sự cao sâu của lòng người, để thấm nhuần những cái giá phải trả cho những mong ước giản đơn mà cao vút, và để khâm phục sự đanh thép trong cách nhìn nhận và phân tích vấn đề mang đầy tính hiện thực nhưng nhân bản ghi khắc vào sâu thẳm trái tim người xem. Một drama Nhật hay nhất theo cảm nhận của tôi, như những bụi tuyết kim cương long lanh giữa trời đông giá lạnh để rồi trở thành ánh sáng lấp lánh qua đôi mắt người xem.
Continue reading

Categories: Japanese dorama | Tags: , , , , | 2 Comments

Âm hưởng Beethoven trong Nodame Cantabile và Beethoven Virus

Bài viết lạm bàn một chút về ý tưởng trong hai bộ phim cùng có chủ đề nhạc cổ điển, Nodame Cantabile của Nhật Bản và Beethoven Virus của Hàn Quốc. Tôi không có ý định so sánh hai bộ phim, vì công việc đó đã được nhiều người thực hiện, và vì cả hai phim chỉ có mỗi điểm chung là nói về nhạc cổ điển chứ  nội dung ý tưởng khác biệt khá xa , dẫn đến cách thể hiện cũng khác biệt nên khó so sánh một cách toàn diện. Bài viết chỉ  bàn đến ý tưởng của hai phim là chính, mặc nhiên chính cách thể hiện đã phác họa nên hồn ý tưởng. Như tôi từng đề cập trong bài viết về Nodame Cantabile rằng bản nhạc giao hưởng hồn tính trong Nodame Cantabile là Symphony No.9 mang tên Niềm vui của Beethoven.  Còn Beethoven Virus dựng trên ý tưởng của Symphony No.5 mang tên Định Mệnh của cùng tác giả. Bản giao hưởng chủ đề này đủ khác nhau để vẽ nên hai thế giới ý tưởng khác nhau. Bài viết này bàn sâu về hồn âm nhạc trong mỗi tác phẩm.

Có thể khẳng định ngay Nodame Cantabile có một hậu thuẩn vững chắc do được dựng từ manga, mà mangaka Nhật là bậc thầy trong sáng tạo và logic, nên Nodame Cantabile có được hàm lượng âm nhạc rất cao. Nodame Cantabile biết chắc lọc ý tưởng để vẽ sơ đồ phim logic nhưng ẩn chứa chất ngẫu hứng của Tự do, của Niềm vui và chất lãng mạn hài hòa cao độ nội tâm với tinh thần trong cuộc cách mạng của chính bản thân mỗi con người. Bộ phim có cấu trúc đan cài cân xứng  như chính bản nhạc giao hưởng số 9 mà nó chọn làm chủ đề, với những chương thức ngân lên những âm thanh hòa quyện cuộn trào. Mở đầu trên nền tremolo mờ ảo và mơ hồ như một màn sương giăng đầy dấu hỏi trong cảm nhận khán giả về những con người trên khuông nhạc cuộc đời, miêu tả thấp thoáng và lần tìm tuyến mạch ẩn giấu xây dựng nên những phản đề trữ tình, phá bỏ tính tạo hình của mâu thuẩn để tạo nên những điểm tuyệt đối mơ màng tột độ dẫn lối tìm về hài hòa. Nodame và Chiaki tuyệt đối là thế nhưng những đường vẽ ẩn phá cách phác họa một mảng khối trong đam mê và cuộc sống của họ. Continue reading

Categories: Japanese dorama, Korean dramas | Tags: , , | 10 Comments

Hồn tính lãng mạn trong Nodame Cantabile

Lạc vào thế giới của Nodame Cantabile là lúc bạn lạc vào những phút ngẫu hứng mang đậm chất manga của Nhật.
Nơi đó có những giấc mơ được vẽ lên ngẫu hứng.
Nơi đó có những tính cách quái dị và ngẫu hứng.
Toàn bộ không gian của phim được phát họa bởi sự ngẫu hứng.
Ngẫu hứng từ những ánh nhìn ngây thơ đến… khùng khùng,
Ngẫu hứng từ những lời nói ngây ngô đến mức phì cười,
Ngẫu hứng với tình cảm vu vơ mà tưởng như nặng đến hàng tấn.
Ngẫu hứng với những cảm tình ẩn giấu nhẹ nhàng thóang bay….
Ngẫu hứng với những giấc mơ dang dở và những khao khát đam mê…
Hai con người tưởng như đứng trên hai thái cực đã ngẫu hứng bên nhau…
Luật bù trừ  ngẫu hứng…
Lực tương tác ngẫu hứng,
Niềm vui cũng ngẫu hứng, và nỗi buồn càng ngẫu hứng….
đến rồi đi, ngẫu hứng, đi rồi đến…
xây rồi phá, xây lại phá tiếp vì tuổi trẻ ngu ngơ đi qua cái tôi đầy ngẫu hứng tự định…


Cảm nhận dựa trên bản live action, không liên quan gì đến manga cũng như không bàn đến special và movie Nodame Cantabile.

Lãng mạn ở đây không đồng nghĩa với ủy mị và ướt át mà người ta thường gán như hai đặc tính kèm theo khi nhắc đến nó. Hồn tính lãng mạn là sự bay bỗng phá vỡ các quy ước thông thường để tạo nên sóng tư tưởng dạt dào xô nghiêng những mặc định từ trước. Nhận định Nodame Cantabile lãng mạn trên cơ sở đó, khi bộ phim đã thổi làn gió tuổi trẻ phơi phới chạm vào tâm hồn của khán giả, thôi thúc họ nhớ đến ước mơ của mình và để mơ ước như cánh diều no gió hãnh diện trước bầu trời. Nodame Cantabile lãng mạn khi nhắc về thế giới của những thanh niên trẻ trong cuộc hành trình đi tìm kiếm bản thân. Chính điều đó khiến Nodame Cantabile trở thành một bộ phim đẹp dành cho những khán giả yêu tuổi trẻ lãng mạn.

Nodame Cantabile được dựng từ manga cùng tên, vì thế mang đậm tính manga hóa trong nội dung và cách thể hiện. Mà manga vốn dĩ có chút cường điệu nhí nhố, có chút khập khiễng dễ thương nên Nodame Cantabile cũng thế, có tính chất ngẫu hứng tửng tửng của sự chân thành. Chính yếu tố lãng mạn đã vẽ hồn cho tính cách nhân vật trong Nodame Cantabile phát triển, những tính cách được đơn giản bằng cách cường điệu và cách điệu hóa những mảng khối nổi bật. Trong Nodame Cantabile tính lãng mạn thể hiện ở sự tuyệt đối trong tính cách nhân vật ban đầu, sự tuyệt đối đi theo một lý tưởng riêng với những tính cách độc đáo và khác lạ. Đặt một chàng trai tưởng như hoàn hảo bên cạnh một cô gái đầy khiếm khuyết, hay gởi một cá thể nguyên tắc vào một đại thể hỗn độn vô trật tự. Cách tạo hoàn cảnh để những giá trị thâm nhập lẫn nhau chính là kết cấu đầy lãng mạn của Nodame Cantabile, để những con người tìm kiếm được chính bản thân qua tương tác với thế giới xung quanh. Continue reading

Categories: Japanese dorama | Tags: , ,

Sora kara furu ichioku no hoshi: điểm vỡ bên lỗ đen tâm thức chơi vơi

Sora kara furu ichioku no hoshi

Sora kara furu ichioku no hoshi (Sora Kara) là một drama trinh thám Nhật đặc sắc mà tôi từng được xem. Một tác phẩm trinh thám hay đầu tiên cần cách xử lý tình tiết hợp lý và hơn nữa là thông minh. Nhìn chung vấn đề nhân văn không phải là yếu tố chủ chốt để đánh giá một tác phẩm trinh thám hay hay không. Tính nhân văn trong tác phẩm trinh thám là một thứ xa xỉ phẩm nếu đặt không đúng không gian và thời gian sẽ trở nên lý thuyết suông vụng về, thậm chí là kệch cỡm. Nhân văn quá mức trong những tình huống nguy cấp liên quan đến sự an nguy của tính mạng chỉ là một sự giả tạo mà người cầm bút không dám đối diện với mặt ác trong tâm thức của mình.

Sora Kara không chỉ hay ở cách đặt vấn đề đắt giá với những twist lắt léo thông minh mà còn hay ở tính nhân bản được thể hiện đủ chất lạnh của hiện thực ngang trái nhưng vẫn âm ỉ những hơi ấm nhỏ tụ về trong cái se sắt vô cảm. Cốt truyện mơ hồ chạng vạng khi ánh sáng và bóng tối nhập nhẹm quấn nhau tạo nên thứ ánh sáng lay lắt trong lòng con người. Những con người trong Sora Kara đi trong nỗi cô đơn của mình bằng cách đi qua nỗi cô đơn của người khác. Họ đi qua hy vọng để chìm vào thất vọng, nhưng lại tiếp tục đi qua thất vọng để phải hoài vọng về hy vọng đã từng bị chính mình giẫm chân giết chết.

Continue reading

Categories: Japanese dorama | Tags: , | 10 Comments

Tiger and Dragon: Phiêu trong rakugo

Hổ và Rồng

Thông tin:

  • Tên tiếng Nhật: タイガー&ドラゴン
  • Tên tiếng Anh: Tiger & Dragon
  • Thể laoị: Renzoku, Comedy
  • Số tập: 1 special + 11
  • Ratings: 15.5 (SP), 12.78
  • Đài chiếu: TBS
  • Năm: 2005
  • Thời gian: Thứ sáu22:00
  • Bài hát mở đầu: Tiger & Dragon bởi Crazy Ken Band
  • Bài hát cuối phim: UTAO-UTAO bởi V6

    Review

Tôi không phải là một khán giả coi trọng phim hài nói riêng, hài kịch nói chung. Tôi vẫn thường nhận xét hài kịch thường không sâu bằng chính kịch. Tới bây giờ tôi vân giữ quan niệm đó dù biết có ngoại lệ và nhận xét của tôi chỉ đúng trên số lớn mà thôi. Hổ và Rồng là một phim hài tôi tự lấy làm minh chứng cho sự thiếu sót trong nhận xét của mình.

Đây là một phim thuộc trường phái hài ngông mang đậm tính cách Nhật. Với một phim hài ngông thì hạt nhân bên trong cần hội tụ đủ sức công phá vào suy nghĩ của khán giả sau lớp sơn nhí nhố mà nó mang. Hổ và Rồng có một hạt nhân như thế.

Với một phim hài ngông, cách thể hiện của nó cần mang đủ chất ngông nhằm mang lại tiếng cười nhưng vẫn phải khiến khán giả động não tư duy sau khi xem xong về nội dung của nó. Hổ và Rồng có được cách thể hiện như thế.

Với một phim hài về đề tài hài kịch truyền thống thuyết phục, phim phải bao hàm mang lại hài kịch truyền thống mà nó tự gánh vào vai của mình, không khoa giáo, không lên lớp thời đại. Hổ và Rồng truyền tải trọn vẹn Rakugo và cuộc sống của những rakugoka trong thời đại hiện nay. Hơn thế nữa, mang trong mình một loại hình văn hóa dân gian nhiều sáng tạo như rakugo, bộ phim truyền hình về raguko phải thổi sinh khí sáng tạo hơn cả những câu chuyện mà nó kể lại, áp vào thực tế mà không gò ép. Hổ và Rồng đã làm được. Continue reading

Categories: Japanese dorama | Tags: , | 8 Comments

Byakuyakou (Bạch Dạ Hành): Ánh sáng ám ảnh.

Byakuyakou.

Bài viết có chứa spoiler.

….

Đêm trắng và cuộc hành trình trên con đường vô định của hai con người.

Con đường thời gian 15 năm trốn chạy định mệnh oan nghiệt khởi đầu từ một lỗi lầm.

Liệu rằng thời gian có thể gột rửa được mùi máu còn trên bàn tay của trẻ thơ.

Liệu rằng thời gian có thể lau đi những dòng nước mắt lăn dài trên nỗi đau của hai tâm hồn thơ trẻ.

…15 năm có đủ để kết thúc nỗi đau in hằn trong ánh mắt 11 tuổi đã thôi trong sáng.

Hay 15 năm chỉ để kết thúc cho một khởi đầu….

Hội tụ trong Bạch dạ hành là những thước phim đẹp.

Đẹp nao lòng với những nụ cười trong thứ ánh sáng huyền hoặc của tâm hồn thơ trẻ.

Lung linh và dịu vợi trong ánh sáng của đêm trăng với hoa sen giấy nở trắng mặt nước.

Sự cảm thông và thấu hiểu nỗi đau đến tột cùng và mơ ước đơn giản trinh nguyên…

Tình yêu đến với nhau và tụ về trong tâm điểm thương nhớ để hình thành sức mạnh tột cùng nhưng cũng là yêu điểm tử huyệt để những đứa trẻ phải thôi trong sáng.

Cảm nhận rõ nhất của tôi khi xem phim này là một niềm trăn trở cho những sai lầm và cách con người đối mặt với sai lầm.

Cảm nhận thật rõ tình yêu và sức mạnh hai mặt của nó điều khiển con người như thế nào và dẫn dắt con người ta đi về đâu.

Đúng sai và sự công bằng trong cán cân công lý như mờ dần trước tình yêu bất tử, chỉ còn ánh mắt hoài vọng xa xăm.

Còn lại những nỗi hối tiếc muộn màng cho những quyết định chớp nhoáng,

Còn lại sự nhút nhát lao theo số phận với dòng đời đưa đẩy con người lấn sâu vào bóng tối tội ác.

Ánh sáng là điều mà các nhân vật trong phim hoài vọng sao mơ hồ và ảo ảnh đến thế.

Họ  ám ảnh ánh sáng đó để chính thứ ánh sáng đó ám ảnh họ và ẩn trong nỗi đau cũng như  hạnh phúc.

Tội ác và tình yêu đan xen với nhau tạo thành những vật vô hình vô ảnh in vào tâm trí người xem.

Máu và tinh trùng quyện vào nhau tạo thành những tội ác ám ảnh con người trong cả giấc mơ.

Nước mắt và nụ cười tan vào nhau để tạo thành tình yêu ám ảnh con người trong cuộc đời nhiều giông bão.

Họ chỉ từng thật sự hạnh phúc không vướng bận trong những khoảnh khắc trân quý ngắn ngủi của tuổi 11.

và hạnh phúc của cả hai dường như bất ngờ và may mắn chỉ đến một lần và ra đi.

Để rồi cả hai đi kiếm tìm niềm hạnh phúc ảo ảnh được vun đắp bằng sự ích kỷ và hy sinh mù quáng.

Điểm dừng của đau khổ liệu có hiện lên khi 15 năm kết thúc và khao khát cùng nhau nắm tay đi trong mặt trời một lần nữa.

Bộ phim được dựng từ  tiểu thuyết  bestselling cùng tên của tiểu thuyết gia Higashino Keigo với cách làm khắc họa và đặc tả tâm lý nhân vật tinh tế nhưng không cường điệu đã để lại những suy nghĩ miên man cho người xem. Bạn có thể xem thêm thông tin về phim tại trang dramawiki.  Cốt truyện hợp lý và đột phá , diễn biến gay cấn, diễn xuất tròn vai, một vài nhân vật đạt được sự tinh tế, dàn dựng chắc tay và hình tượng nghệ thuật đắt giá đã tạo nên những ”money shot” với vẻ đẹp sâu sắc về hạnh phúc mà khó có thể lặp lại.

Hạnh phúc nào cho những tâm hồn cô đơn….? Continue reading

Categories: Japanese dorama | Tags: , | 7 Comments

Blog at WordPress.com.