Âm hưởng Beethoven trong Nodame Cantabile và Beethoven Virus

Bài viết lạm bàn một chút về ý tưởng trong hai bộ phim cùng có chủ đề nhạc cổ điển, Nodame Cantabile của Nhật Bản và Beethoven Virus của Hàn Quốc. Tôi không có ý định so sánh hai bộ phim, vì công việc đó đã được nhiều người thực hiện, và vì cả hai phim chỉ có mỗi điểm chung là nói về nhạc cổ điển chứ  nội dung ý tưởng khác biệt khá xa , dẫn đến cách thể hiện cũng khác biệt nên khó so sánh một cách toàn diện. Bài viết chỉ  bàn đến ý tưởng của hai phim là chính, mặc nhiên chính cách thể hiện đã phác họa nên hồn ý tưởng. Như tôi từng đề cập trong bài viết về Nodame Cantabile rằng bản nhạc giao hưởng hồn tính trong Nodame Cantabile là Symphony No.9 mang tên Niềm vui của Beethoven.  Còn Beethoven Virus dựng trên ý tưởng của Symphony No.5 mang tên Định Mệnh của cùng tác giả. Bản giao hưởng chủ đề này đủ khác nhau để vẽ nên hai thế giới ý tưởng khác nhau. Bài viết này bàn sâu về hồn âm nhạc trong mỗi tác phẩm.

Có thể khẳng định ngay Nodame Cantabile có một hậu thuẩn vững chắc do được dựng từ manga, mà mangaka Nhật là bậc thầy trong sáng tạo và logic, nên Nodame Cantabile có được hàm lượng âm nhạc rất cao. Nodame Cantabile biết chắc lọc ý tưởng để vẽ sơ đồ phim logic nhưng ẩn chứa chất ngẫu hứng của Tự do, của Niềm vui và chất lãng mạn hài hòa cao độ nội tâm với tinh thần trong cuộc cách mạng của chính bản thân mỗi con người. Bộ phim có cấu trúc đan cài cân xứng  như chính bản nhạc giao hưởng số 9 mà nó chọn làm chủ đề, với những chương thức ngân lên những âm thanh hòa quyện cuộn trào. Mở đầu trên nền tremolo mờ ảo và mơ hồ như một màn sương giăng đầy dấu hỏi trong cảm nhận khán giả về những con người trên khuông nhạc cuộc đời, miêu tả thấp thoáng và lần tìm tuyến mạch ẩn giấu xây dựng nên những phản đề trữ tình, phá bỏ tính tạo hình của mâu thuẩn để tạo nên những điểm tuyệt đối mơ màng tột độ dẫn lối tìm về hài hòa. Nodame và Chiaki tuyệt đối là thế nhưng những đường vẽ ẩn phá cách phác họa một mảng khối trong đam mê và cuộc sống của họ.

Nodame Cantabile phá bỏ gần như những mô phạm xây dựng nên kết cấu truyền thống của mâu thuẩn, tình tiết phim lao nhanh và dồn dập như vũ bão trong tuyến tình cảm cũng như đam mê âm nhạc. Nodame Cantabile tràn đầy phóng túng, cực kỳ thơ mộng nhưng cũng không kém phần đam mê dạt dào. Mọi tình tiết đuổi bắt dồn dập nhưng vẫn đầy tiết chế bởi được khống chế hài hòa, không để nhích đi quá xa khuôn khổ của những lát cắt phiên giữa của phim. Chuyển tiếp phim nhịp nhàng và tự nhiên đến nỗi dường như phim phá cách nhưng không hề vỡ, dường như càng phá thì những đường nét của thế giới cứ lần lượt hiện ra, rõ dần và thư thả mài vào nhau trên chất liệu thô nhám lúc đầu được xây đắp một cách vô trật tự. Nodame Cantabile được dựng nên bởi những nghệ sỹ bậc thầy và chuyên nghiệp khiến người ta ngỡ ngàng trước cách thức xây dựng hào hoa của mình. Ngay cả những đoạn ngắt, luân chuyển cũng đầy đặn và biến tấu chặt chẽ khiến nhịp thở của câu chuyện thẩn tha tạo bước đệm nhịp nhàng thấy bỏ lơ đấy, nhưng lại khẽ nhắc đến những ý tứ được đề cập từ ban đầu. Khoảng tập 5 đến tập 7 của  Nodame có kết cấu như vậy, như một bước đệm dài ngân thư thả lại câu chuyện được khai mào ấn tượng ban đầu, dẫn về đoạn cuối chuyển biến những giai điệu lạc nhịp quay trở về chủ đề lúc bắt đầu ấn tượng.

Phần cuối của phim là sự quay về một cách mộc mạc nhưng cao điểm nhất khi để nhân vật trước những khoảng im lặng để đam mê dậy sóng ập vào, để niềm vui khoan khoái ngân vang. Chủ đề chính là đam mê biến hóa từng lớp, từng lớp những đoạn chen như lột xác dần nhưng cuối cùng trở về cái nguyên thủy của đam mê, của niềm vui hân hoan phơi phới tuổi trẻ cuộn trào tưng bừng thế giới. Đoạn cuối để tuổi trẻ kinh qua những trở ngại mà tìm ra sứ mệnh của mình hòa nhịp vào thế giới lý tưởng, thế giới của đam mê tỏa ánh hào quang soi rọi tuổi trẻ lên đỉnh cao chinh phục giấc mơ và khao khát thật sự  trong tâm hồn. Cuộc cách mạng đối với bản thân mỗi nhân vật, mà ở đây là Nodame và Chiaki là giải phóng khỏi những tù túng mà vươn vai lớn lên, tự do và cương định đi tìm khoảng trời riêng đầy đam mê và hạnh phúc. Tuổi trẻ bất tử vì tuổi trẻ luôn khao khát chinh phục những giá trị bất tử chế ngự trong mỗi con người, để cuộc sống thăng hoa và khao khát vươn tới đến cuối cùng trong cái cuối cùng-không phải là cuối cùng. Nodame Cantabile được xây dựng điêu luyện bởi ngòi bút thẩm thấu âm nhạc cổ điển cũng như ý tưởng của bản giao hưởng chủ đề đưa phim đi vào trọng tâm ý tưởng sáng tạo như một nghệ sỹ của tư duy, tạo nên tác phẩm của mình một cách ngẫu hứng cài vào nhau những giá trị tinh túy về đam mê, bức phá những giá trị đó lên đến đỉnh của lãng mạn, lên đến đỉnh của phóng túng chinh phục sự vô thứ tự của cấu trúc, thiên biến vạn hóa mà xoa đều bức tranh không gian vào mặt phẳng nhằm phóng trở lại cảm thụ của khán giả.

Nodame Cantabile có cấu trúc hoàn chỉnh, ý tượng sáng tạo một cách chỉnh chu nên khó có thể bắt bẻ. Tuy nhiên nếu có thể bắt bẻ có lẽ sẽ là vì sao phim hay-một cách không thể bắt bẻ như vậy, để khán giả một là xuýt xoa, hai là cảm thấy xa cách vì một tác phẩm sáng tạo phi khuôn khổ nên khó liên hệ. Nodame Cantabile là một tác phẩm có không khí bắng nhắng, ngẫu hứng và quan trọng nhất là phim để căn bản nội dung tự tỏa nên giá trị từ những hệ thức tư tưởng, không pha thêm gia vị sâu sắc và chiêm nghiệm trong câu chuyện của thế giới trẻ trung hân hoan niềm vui. Vì vậy nội dung phim khó nắm bắt khi không có những điểm dẫn chỉ điểm ý tưởng câu chuyện, kết cấu tự nhiên luân chuyển vào nhau kín đáo và ý nhị ẩn chứa nội dung hàm súc tinh gọn. Nếu ai đó cần một nội dung và cách thể hiện gần gũi, dễ hiểu hơn với những điểm chỉ dẫn thì có lẽ Beethoven Virus sẽ là một lựa chọn thích hợp.

Beethoven Virus cũng là một phim viết về đam mê, nhưng không phải là quá trình tìm kiếm đam mê như Nodame Cantabile, mà là hành trình tìm lại đam mê của lứa tuổi đã đi qua tuổi trẻ. Beethoven Virus chọn Symphony No.5 Định Mệnh làm chủ đề, một bản cũng nổi tiếng không kém Symphony No.9. Biên kịch Beethoven Virus thật sự đã tự làm khó mình khi chọn chủ đề là bản nhạc đầy những cung giằng xé của cuộc sống và số phận, nhưng lại sử dụng để viết về đam mê của những con người đã lỡ thời vận. Bởi nội dung của Bản giao hưởng định mệnh diễn tả sâu sắc và sinh động cuộc đấu tranh giữa con người với số mệnh, thay vì một cuộc cách mạng của đam mê như Nodame Cantabile. Tôi mới không muốn so sánh hai con đường có hai đích đến khác nhau là vì vậy. Ví von thì một bên là cuộc đấu tranh nội tâm của đam mê, và một bên là cuộc đấu trang ngoại vi của đam mê và cuộc sống. Ý tưởng của  Beethoven Virus như thế là tôi cố hiểu theo chỉ dẫn của biên kịch Hàn, chứ không phải liên hệ ý tưởng với Bản giao hưởng Định Mệnh. Biên kịch Beethoven Virus dẫn câu chuyện đi theo tiết tấu bên ngoài của bản nhạc nhiều hơn phần hồn nội dung ẩn chứa bên trong giai điệu.

Cái gọi là số mệnh của Beethoven Virus theo quan điểm của tôi thì không phải là số mệnh, mà là cuộc sống thường nhật-tượng trưng cho sợi dây trói buộc đam mê.  Trên quan điểm đó, Beethoven Virus sử dụng Symphony No.9 hơi lạc chủ đề, nói nhẹ hơn là nội dung của phim không tới được đỉnh điểm của ý tưởng của bản nhạc. Bản giao hưởng Định Mệnh ngân lên 4 tiếng vọng gõ cửa số mệnh, đôi lúc ghê rợn, cuồng bạo như muốn hủy diệt, đôi lúc yếu ớt, dai dẳng như không thể diệt vong. Cuộc sống của con người được miêu tả giằng co căng thẳng giữa ý chí và số phận. Thắng thua dường như bất phân, số mệnh và ý chí đẩy lùi số phận đuổi bắt nhau, đến cuối cùng khi ý chí có chút thành tựu thì cái gọi là số phận vẫn luôn luẩn quất chực chờ thời cơ nhào bổ trở lại. Bản giao hưởng Định Mệnh khắc nghiệt, nhưng vì thế miêu tả lại cuộc sống lại đẹp hơn bao giờ hết, tươi sáng và êm đềm trong nét nghiệt ngã của số mệnh, mong manh nhưng thoát ý và vấn vương khiến người ta trân trọng cảm giác được sống. Đoạn này lan man về ý tứ  của Symphony No.5^^.

Trở lại với  Beethoven Virus. Phim liên hệ với tiết tấu nhiều hơn là sử dụng ý tứ  của bản nhạc. Beethoven Virus có nét mạnh mẽ, đôi lúc ghê rợn^^, đôi lúc êm dịu, dai dẳng để miêu tả đam mê và quá trình tìm lại đam mê. Tính cách nhân vật trong phim tuyệt đối nhưng không ngẫu hứng nên trở nên cứng nhắc đôi phần. Tôi thích câu chuyện đi tìm lại đam mê của những thành viên dàn nhạc trong phim nhất, nhưng có lẽ do ảnh hưởng của tính tự thể hiện quá cao của phim Hàn nên Beethoven Virus đưa quá nhiều vấn đề vào dòng chảy. Một nhạc trưởng tài năng nghiêm tính cực đoan, một cô gái dần mất khả năng nghe đam mê chơi violon, một chàng cảnh sát bỏ việc để tìm kiếm đam mê chơi đàn, và một dàn nhạc có nhiều gánh nặng cơm áo gạo tiền. Mỗi yếu tố tôi nêu trên đều đã có thể đủ dữ liệu để dựng thành những bộ phim riêng biệt, do cố công nhồi vào toàn phim một số lượng lớn vấn đề có quá nhiều mâu thuẩn nên không khí phim nặng nề là khó tránh khỏi. Không khí phim không được tiết chế nên sa vào dòng chảy kịch tính thiếu tự nhiên. Phần ý tưởng của phim viết về cuộc đấu tranh giữa đam mê và cuộc sống không hề thiếu sức nặng, và tôi thích vì nó có tính thực tiễn và chiêm nghiệm ẩn trong đó. Nhưng kết cấu đan cài thiếu dứt khoát, phức hợp đến mức rắc rối cùng câu chuyện tình yêu tay ba ”yếu đuối” được cài vào khiến phim không thoáng, đôi chỗ ”vụn”, và không thoát ý để nâng ý tưởng ban đầu lên bệ đỡ vững chắc. Ý tưởng đắt nhất về cuộc đấu tranh giữa đam mê và cuộc sống trở nên mờ nhạt hơn do chỉ xuất hiện thấp thoáng, nhường đất cho câu chuyện xuôi vào thoái trào do non bản lĩnh tiết chế để giữ câu chuyện thăng bằng như ý định của biên kịch.

Tôi có phần thích Beethoven Virus ở câu chuyện dàn nhạc tứ phía tung vào nhau với niềm đam mê trở lại ở cái tuổi đã lỡ nhịp, và đánh giá phần đó là phần kịch bản khá nhất. Tuy nhiên ba nhân vật chính không để lại ấn tượng tự nhiên do được biên kịch đánh bóng có phần quá tay, vì thế ấn tượng thì nhớ nhưng không cảm nhận trọn vẹn. Kim Myung-min diễn rất tốt đã giữ tôi lại xem hết Beethoven Virus, nhưng ấn tượng về cách diễn điêu luyện nhiều hơn cảm tình với tính cách nhân vật, Beethoven vì vậy có giá trị diễn xuất nhiều hơn giá trị tổng thể. Nhân vật chính trong Beethoven Virus dẫn đến con đường độc hành hơn là con đường tìm lại một chốn dừng chân. Không khí mà Beethoven Virus xây dựng không thật sự thích hợp với con đường mà phim đi-như một hành trình tạt ngang để rồi đi tiếp trong cuộc đời đối với những tài năng cô độc.

Beethoven Virus không hoàn chỉnh như Nodame Cantabile, mà chỉ là một mảng nhỏ của đam mê được lồng ghép vào cuộc sống, mảnh đam mê đấy chỉ loáng thoáng xuất hiện nên không dậy sóng đam mê đủ cháy bỏng. Nhưng Beethoven Virus phù hợp với khán giả thích miêu tả nhiều hơn về cuộc sống và tâm lý nhân vật thay vì hòa mình vào nhạc giao hưởng như Nodame Cantabile. Trong Beethoven Virus, nhạc giao hưởng chỉ là một công cụ được sử dụng để miêu tả về con người. Còn trong Nodame Cantabile, âm nhạc là một phần của mỗi nhân vật, và là một nhân vật lớn nhất bao hàm đam mê, lý tưởng hài hòa với nhau để tạo nên một phim về nhạc giao hưởng hoàn chỉnh và tinh gọn. Nodame Cantabile hoàn thành sứ mệnh là một phim nói về âm nhạc chất lượng, xoáy sâu vào đề tài mình muốn chinh phục để chinh phục đỉnh cao, nên thích hợp với khán giả thích đắm mình vào cảm xúc âm nhạc thăng hoa niềm vui và hạnh phúc được quyện vào từng nốt nhạc, như quyện vào tuổi trẻ. Beethoven Virus chưa nâng được tầm lên để trở thành một bộ phim đỉnh cao, vẫn chỉ loay hoay trong mê trận những phim luẩn quẩn xử lý đề tài chung chung và thiếu sáng tạo. Tuy nhiên Beethoven Virus là một phim tầm trung xem được, có ý tưởng và sự khác biệt nhất định. Do đứng bên cạnh đề tài của một  Nodame Cantabile đỉnh cao nên thường bị nhầm tưởng là một phim không đạt yêu cầu mà thôi. Rất hiếm những phm như drama Nodame Cantabile khi biến hóa nhạc là phim, mà nhạc cũng là người để mỗi con người quyện vào giai điệu phi biên giới để tiến gần đến cảm nhận của nhau chỉ bằng cảm xúc âm nhạc, đơn giản chỉ là cảm xúc âm nhạc mơn man niềm đam mê. Một phim khó có thể lặp lại, khi ngay cả chính nó lặp lại câu chuyện của mình trong movie cũng không hoàn thiện như ban đầu.

Categories: Japanese dorama, Korean dramas | Tags: , , | 10 Comments

Post navigation

10 thoughts on “Âm hưởng Beethoven trong Nodame Cantabile và Beethoven Virus

  1. May quá, lâu lâu mới có một bài mà Marduk có thể nhảy vô comment được.

    Thật là may cho Marduk là coi Beethoven Virus trước Nodame Cantabile ^^. Vì vậy cảm xúc dành cho Beethoven Virus rất nhiều, dù sau đó thì hoàn toàn ngã gục trước Nodame. Nhưng phải thừa nhận một điều rằng, tình cảm dành cho BV phần lớn đến từ Kim Myung Min còn NC là đến từ toàn thể bộ phim, trừ nhân vật đóng vai nhạc trưởng bị hóa trang thành người nước ngoài một cách nửa mùa ^^. Cả hai bộ phim đều làm Marduk nhớ về The sound of Music của những năm 50, dù nội dung chẳng liên quan gì hết.

    Đúng là Nodame bắt được tiết tấu của Symphony No9, trong sáng tươi vui và mãnh liệt. Nhưng bản nhạc này ít được sử dụng trong phần trình diễn của ban nhạc Chiaki, Marduk nhớ phần kết ban nhạc chơi là Symphony số7 hay 5 chứ không phải bản số 9. Ngược lại, Beethoven Virus có phần serious và kịch tính hơn, nhưng bản Symphony No9 được xài không dưới 3 lần làm Marduk nghĩ đây mới chính là nhạc chủ đề của bộ phim. Thực ra bản số 9 tuy có tên là Niềm vui, nhưng nó cũng có nhiều giai thoại khá là định mệnh. Hầu như những nhạc sĩ nào sau khi sáng tác tới bản số 9 đều chết. Số 9 gần như là số tử của các nhạc sĩ và riêng bản số 8 của Beethoven có 2 đặc điểm nổi bật là ông sáng tác bản này sau khi đã bị điếc và bản symphony đầu tiên sử dụng dàn hợp xướng như một loại nhạc cụ. Hai đặc điểm này thì BV chỉ khai thác được 1 là câu chuyện bị điếc của Doo Roo Mi, cô gái chơi violin. Marduk cảm thấy tác giả của BV không lấy âm nhạc của Beethoven làm chủ đề, mà lấy câu chuyện về cuộc đời ông ấy ra làm chủ đề thì đúng hơn. Nhân vật Kang Mae của Beethoven Virus được xây dựng từ nguyên mẫu của một nhạc trưởng người Đức nổi tiếng khắc nghiệt là Herbert von Karajan và ông ấy cũng chỉ huy bản Symphony No9 của Beethoven dài hơn 1 tiếng cùng với dàn nhạc Berlin Phil. Nói chung thì Marduk nghĩ 2 phim này ko có nhiều điểm chung để so sánh dù đều nói về nhạc cổ điển. NC lấy nhạc cổ điển làm chất liệu còn BV xây dựng trên tinh thần của các nhạc sĩ sáng tác âm nhạc cổ điển ^^

    Nodame kết cấu tốt hơn, chặt chẽ ít thừa thãi, dù Maduk không ưa xì tai bắng nhắng của phim Nhật nhưng phim này Marduk ưa LOL. Nodame bay bổng tự do trên nền tảng của sự lao động miệt mài đầy kỷ luật. Diễn viên trong NC diễn xuất quá tốt, đặc biệt là Juri, không biết làm sao cô ấy chơi được piano với cái thần thái và những ngón tay điêu luyện như vậy. BV Marduk thấy cũng khá hay nhưng hơi bội thực vì tác giả quá tham lam, đưa hết bao nhiêu vấn đề, và thậm chí cả rao giảng đạo đức nữa. Jang Geun Suk diễn chán, Lee Ji Ah cũng chán nốt chỉ có Kim Myung Min là nổi bật lên. Một điều Marduk thích trong BV mà Ohanami đã nói, đó là sự đơn độc trên hành trình chứ không phải tìm kiếm chốn bình yên. Sự cô độc là một phần lựa chọn của những con người có tài năng và Marduk thích cái kết như vậy. Dù đúng là cả bộ phim đang có xu hướng đưa đến một trạm dừng nên cái kết gây ra không biết bao nhiêu là hụt hẫng.

    Hihi, nói nhiều quá, vì đây là 2 bộ phim mà Marduk thích và bác Kim là người đã kéo Marduk quay lại coi phim Hàn sau bao nhiêu năm chán chường với ung thư và nước mắt ^^

  2. NH

    Cảm ơn Marduk về phần Beethoven Virus, đúng là Beethoven Virus dựng từ cuộc sống của Beethoven nhiều hơn âm nhạc của ông. ^^ Hôm qua bạn NH viết bài này khi bạn ấy đang say^^, chẳng biết nổi hứng sao lại mở đĩa Beethoven lên, và thế là cứ tuôn một tràng như thế này, nhớ mỗi nhạc của Beethoven chứ chẳng nhớ gì về ông nên Beethoven Virus bị vùi dập như thế đó, đôi chỗ nhầm lẫn.

    May nhờ Marduk bổ sung ý, vì chủ đề của Beethoven Virus gắn liền với đời sống nhiều hơn. Thích câu này: ”Marduk cảm thấy tác giả của BV không lấy âm nhạc của Beethoven làm chủ đề, mà lấy câu chuyện về cuộc đời ông ấy ra làm chủ đề thì đúng hơn”. Đúng quá! Và NH cũng thích sự đơn độc, rất thích nhưng không thể khen được vì thiếu thống nhất. Không khí của phim nó không được như Nodame.

    Khi xem BV, NH cảm nhận phim tham quá nên dường như không trọn vẹn, nếu phim lược đi tuyến nhân vật của Jang Keun-suk hoặc Lee Ji-ah hoặc cả 2 thì có lẽ đã hay hơn, cả tuyến trẻ lẫn tuyến già đều muốn thể hiện nên tạo nên tam giác bất đối xứng, nó cứ bấp bênh thế nào. Tiếc là NH chẳng nhớ gì lắm về mấy màn trình diễn trong BV, NH thấy nó kịch nên không để tâm lắm, và cảm nhận thì BV cũng không chú trọng đến nội dung trình diễn như Nodame chú trọng.

    Trong Nodame thì NH nhớ cảm nhận của NH là Symphony No9 xuất hiện rất ít, nhưng là cái thần thái để lại thì quá tuyệt nên đóng đinh cảm nhận của NH. Juri quả thật diễn quá tốt, bắt được cái thần của nhân vật nên nhân vật có hồn thật sự. Thường thì NH sẽ đánh giá cao nội dung viết về con người hơn là viết về cái gì đó như Nodame, nhưng Nodame đỉnh quá chẳng bắt bẻ được. Đành phải xếp xó quan điểm của mình.^^

  3. Chạy qua cười với Ohanami một cái, nháy mắt với Marduk một cái rồi lại chạy đi ^^

    À, quên nữa là mong Ohanami cứ tiếp tục viết bài khi đang say nhé, đọc cũng muốn say theo cơ ^^ Thích lắm ấy.

    Thôi, lại đi đây, đang vội ^^

  4. Vào đây chào Ohanami một tiếng. Tiện chào Marduk và ss Ginko nữa. Vườn nho của ss ginko nhiều bạn quá, Irina đọc loạt còm chưa kịp nhớ tên hết các bạn nên ko chào đích danh được hí hí.

    Irina ko xem BV vì thích Nodame quá. Nhắc đến Nodame lại nhớ gương mặt đáng yêu của Juri rồi ^^ Yêu !!!!!!!!!

  5. Hoa sao

    XIn hỏi các bạn am hiểu âm nhạc cổ điển, bản giao hưởng biểu diễn ở tập 5 của Beethoven VIrus có tên là gì nhi? Mình giờ mới xem, nhưng ko biết bản đó tên gì, kết đoạn độc tấu của bà dì quá cơ.
    Thanks!

    • NH

      Mình không lưu BV nên không rõ đoạn nhạc đó là đoạn nhạc nào nữa. Khi nào có dịp mình sẽ hỏi fan BV hộ bạn vậy nha. ^^

  6. Hoa sao

    Cảm ơn bạn rất nhiều.
    Nhưng nếu bạn có thể nghe mà biết được đoạn nhạc ấy tên gì thì mình sẽ gửi link cho bạn

    Bạn xem từ phút 6:50” nhé.
    Thanks again.

  7. Hoa sao

    Cảm ơn bạn rất nhiều.

  8. Cho mình hỏi bản sonata piano mà Yuki ( người đạt giải nhì )chơi trong tập 10 ở vòng chung kết trong phim Nodame tên gì vậy. Mình thấy giai điệu quen quen mà ko nhớ

Leave a comment

Blog at WordPress.com.