Posts Tagged With: friendly

Goodfellas

GOODFELLAS, Joe Pesci, Robert De Niro, Ray Liotta, 1990 FILM STILL

Goodfellas, Joe Pesci, Robert De Niro, Ray Liotta, 1990

Goodfellas có cái tên tiếng Việt rất hay – Hảo bằng hữu (hoặc hảo chiến hữu). Và phim cũng hay như thế, với câu chuyện non bằng hữu thoáng địch thù.

Sẽ không khó để tìm một bài review chi tiết hay ho về Goodfellas, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, bởi phim đã rất nổi tiếng trong những bảng xếp hạng phim hay mọi thời đại. Nổi tiếng một phần cũng bởi nó là bộ phim năm ấy bị Oscar hắt hủi. Những thứ gì quá hay mà bị hắt hủi thì sức sống trong lòng người ta sẽ càng mãnh liệt, bởi khán giả muốn yêu bù cho khoảng hụt hẫng mà mấy anh Viện Hàn Lâm Mẽo nỡ tâm chấm tạch.

Viết bài này tôi không có ý định chi tiết lại câu chuyện ngoài đời của phim, hay là nhắc đến đạo diễn tài danh lẫn những diễn viên tài hoa. Tôi chỉ muốn nhắc đến Goodfellas với cách thức miêu tả sống động và đầy diễm lệ, một vẻ diễm lệ ngang tàng khó có thể nào quên. Câu chuyện bạo lực giang hồ được dựng nên mê hoặc xen vào đó một chút ướt át, lại châm thêm tí tàn lửa mỉa mai. Hay là tự trào cho chút tình chiến hữu vụt rơi? Continue reading

Categories: English movies | Tags: , | Leave a comment

Ernest et Célestine

ernestetcelestine

Ernest et Célestine là một phim lãng mạn.

Bạn bè tình cờ.

Tri kỷ ngẫu nhiên.

Hay nghệ sĩ mang bản chất cô độc?

Bởi nghệ thuật chẳng dành số đông, nên những người mang tâm hồn nghệ sỹ thường cô lẻ với bầy đàn. Họ lạc loài như cô chuột yêu vẽ thì lại bị bắt làm thợ mài răng, như một chú gấu yêu đàn thì lại bị bắt đi làm thợ phán xử. Vì lạc loài, nên tìm đến nương tựa vào nhau ngắm xuân về tuyết tan? Xuân về tuyết tan hay lòng tan buồn đơn lẻ?

Continue reading

Categories: French movies | Tags: | Leave a comment

Monga – Phố đèn đỏ cũ, tình giang hồ xưa

Monga (Mãnh Giá xưa, Vạn Hoa ngày nay) là khu phố cổ nhất xứ Đài Bắc, là nơi hội tụ nhiều nhất bản sắc của một Đài Bắc cổ, cũng như là nơi tồn dư nhiều hủ tính thời quá vãng còn lưu đến ngày nay. Trên khu đất ấy là nơi khai sinh lập địa nên địa bàn làm ăn sầm uất. Vì thế nó là nơi mà những thế lực đảng phái cát cứ để án ngữ nên những lãnh địa riêng. Và phim được dựng lên từ những dữ liệu lịch sử ấy, để tạo nên những thước phim in lên một thời tuổi trẻ của những Người trong giang hồ.

Giang hồ là cái gọi mà bây giờ thường được nói tếu táo như yếu tố hài khoa trương nghiêng về kiếm hiệp nhiều hơn là ý nghĩa mà hai từ này miêu tả. Giang hồ ngày xưa khác, nó là một yếu tố thực đến tàn nhẫn, và đến rợn người. Người trong giang hồ-với ngày xưa vì thế cũng chẳng phải là một câu nói chơi cho vui của bọn nhóc hỉ mũi chưa sạch ngày nay. Ngày xưa, khi mà xã hội vẫn còn sự phân biệt ngặt nghèo cái xuất thân thì một khi thân phận đã nhuốm màu giang hồ sẽ chẳng dễ gì quẩy gánh lặng lặng quên đi nó. Và ngày xưa cho đến ngày nay, nếu là giang hồ thực sự thì chúng ta đều biết một khi đã sa chân vô sẽ khó mà rút chân về. Vì thế, giang hồ thường gắn liền với định mệnh, với những dèm pha của thế thái tình đời, và với những bi kịch của những mảnh đời đã trót tự do phiêu lưu vào mảnh đất bị gông cùm bởi luật-giang-hồ.

Phim Monga 2010 được dựng trên cơ sở định mệnh ấy, cái định mệnh giang hồ gắn chặt với cuộc đời những chàng thanh niên đã chọn bước đi trên con đường không bình yên trong những năm 80 của thế kỷ trước. Bởi con đường ấy được nhuộm bởi máu giang hồ nhuốm màu tranh giành và hận thù tung hoành trong những âm mưu lẫn thủ đoạn thâm hiểm nhất.
Continue reading

Categories: Chinese movies | Tags: , , | 19 Comments

Quỷ luyến hiệp tình – Kiếm hiệp thơ

Như đã hứa, tôi trở lại với Sở Lưu Hương, ngay tắp lự sau bài viết Đào hoa truyền kỳ.

Nghe cái tên Quỷ luyến hiệp tình thấy chút ma quái. Công nhận anh Cổ Long đặt tựa hay, bay bay và mang mang để người đọc phiêu phiêu. Cái tựa trong truyện Cổ Long cũng như nội dung truyện mang đậm tính thơ. Chúng như một cơn gió nhè nhẹ lướt thướt qua cảm quan của khán giả, để rồi khiến người ta vương mang. Ờ thì hôm nay tôi nói về tính thơ trong truyện Cổ Long một chút.

Trước tiên phải nói tính thơ trong truyện Cổ Long chính là … thủ phạm khiến bao bận phim chuyển thể chả ra mô tê gì đấy. Thơ, tức là không thể diễn xuôi mà vẫn giữ lấy cái hồn túy của tác phẩm được. Phải chăng thơ đơn giản là chút ngơ ngơ, thoáng đơ đơ, tí bơ bơ và … quơ quơ nên sơ sơ? Hay thơ là đời lơ khơ nên tất cả kết lại bằng chút bơ vơ…? Trời ơi, thơ là thơ, là phơ phơ để được mơ mơ giữa cuộc đời, tôi diễn tả bằng cách nào cái tình thơ lơ tơ mơ đây! Diễn tả làm sao cái sự thi vị của những cảm xúc thấp thoáng ẩn hiện để rồi chúng cô độc lang thang trong trái tim của chúng ta đây. Thôi, không diễn tả nữa, ai hiểu sao thì tùy, diễn dịch tiếp đây.
Continue reading

Categories: Books, Chinese dramas | Tags: , , , | 4 Comments

Intouchables – Nghệ thuật của sự giản dị

Khó có thể miêu tả trọn vẹn sự giản dị. Bởi giản dị là một giá trị chân phương chỉ để cảm nhận chứ chẳng phải để vẽ vời. Và khó là bởi đối với tôi, tôi sợ mình đánh mất đi bản chất của sự giản dị khi miêu tả về nó, vì tôi biết giọng văn và trãi nghiệm của bản thân không đủ giản dị để viết về sự giản dị-thật sự. Nhưng bởi vì muốn viết về Intouchables, một bộ phim được biểu đạt vô cùng giản dị kể về những con người dường như đứng bên rìa xã hội hòa nhập với nhau, nên tôi vẫn cứ viết về sự giản đị như cách tôi vốn dĩ cảm nhận…

Tuy nói Intouchables giản dị, nhưng vẫn xin lưu ý bạn đọc rằng phim mang trong mình một tư tưởng nhân văn có chiều sâu chứ không phải là một bộ phim viết về những cảm giác đơn giản – nho nhỏ, dễ thương, đơn thuần mà văn học hiện nay thường nhắc đến như một sự giản dị gì đó. Bởi vì sao? Vì nội dung phim miêu tả về tình người và cách con người đối diện, hòa nhập với cuộc sống trong nghịch cảnh. Tư tưởng không đơn giản đúng không? Một ông da trắng gọi là tương đối già, góa vợ nhưng giàu có sống một cuộc đời bị toàn thân bất toại. Ông sống cuộc đời tương đối là hàn lâm – êm đềm và tĩnh lặng thưởng thức nghệ thuật hội họa và âm nhạc giao hưởng. Ngược lại một thanh niên da màu bình thường (aka đủ 2 tay, 2 chân) nhưng sống lông bông, vô tích sự chẳng kiếm được cắc nào cho mẹ nó với lũ em đóng tiền thuê nhà. Phim kể về quá trình tương tác giữa hai con người ấy khi họ tìm kiếm phần khiếm khuyết của bản thân đã bị quên lãng trong cuộc đời. Kể như vậy để nói rằng nội dung của Intouchables không hề đơn giản, nhưng toàn bộ phim lại giản dị đến bất ngờ. Bởi phim được dàn dựng giản dị nhưng sắc nét, và bởi vì phim hướng đến những giá trị giản dị – một thứ gì đó đơn sơ sâu lắng đọng lại trong tâm hồn.
Continue reading

Categories: French movies | Tags: , , , | Leave a comment

Padam Padam – Ru lại hy vọng

Đã bao giờ bạn nghe nhắc đến chủ nghĩa khắc kỷ chưa? Bài viết gần đây nhất về một phim Nhật tôi có nhắc đến chủ nghĩa khắc kỷ và thế là tự nhiên chủ nghĩa khắc kỷ lại len lỏi vào tôi, nhắc tôi nhớ đến thời bản thân ghiền văn Ernest Hemingway như thế nào. Và hôm nay với hy vọng chủ nghĩa khắc kỷ đến được gần mọi người hơn một chút thì tôi muốn giới thiệu phim Padam Padam của biên kịch Noh Hee-kyung. Chủ nghĩa khắc kỷ không xa lạ gì với các nền nghệ thuật cổ điển, đặc biệt là văn học phương Tây, nhưng nó rất ít khi xuất hiện ở xứ sở phim Hàn lắm mộng mơ. Để xem được Padam Padam có lẽ bản thân người xem cũng cần khắc kỷ một chút để hai bên phim và người chạm vào nhau ấm áp hơn, để bớt đi sự khô khốc của hiện thực lắm chông gai.

Padam Padam kể về câu chuyện cuộc đời của Yang Kang-chil, người thanh niên bị gài tội giết người sau 16 năm tù tội đằng đẵng bắt đầu lại cuộc đời. Bắt đầu lại cuộc đời từ những nỗi đau chất chồng trái tim, vì bản thân và vì người thân. Và còn hơn thế nữa, hơn cả những nỗi đau khi người thanh niên ấy bị ung thư gan nên chỉ còn sống được vài tháng. Cả thân thể và tâm hồn chàng thanh niên ấy đều chứa những vết thương sâu hoắn, những vết thương cấu xé tâm can của một con người bị chúa trời đặt giữa lằn ranh thương đau. Nhưng Padam Padam không phải là một phim tìm kiếm ý nghĩa sự sống như nhiều phim thường gắn cái mác này, Padam Padam chỉ là một phim đi tìm tình thương giữa những con người với nhau, một phim hàn gắn những vết thương lòng in hằn trong thâm tâm những tâm hồn đau đáu vì bất lực với sự bất công của cuộc đời. Với một chủ đề nặng đô như thế nhưng phim không chảy vào dòng chảy bi lụy của dòng melodrama Hàn, phim có nước mắt đủ để người xem cảm nhận sự bất lực của nhân vật trước oan nghiệt cuộc đời, nhưng cũng tạo đủ nụ cười trong hạnh phúc để vừa đủ khiến trái tim khán giả thổn thức.
Continue reading

Categories: Korean dramas | Tags: , , , | 5 Comments

Shiroi Kyoto 2003 – Bạch Cự Tháp, chóp bu và những chiếc bóng

Phần giới thiệu:

Phim ảnh có nhiều loại, có hạng chẳng đáng ba xu, nhưng cũng có loại khi xem phải khiến người xem nghiêng mình nể phục. Nể phục không phải vì nó hào nhoáng hay hài hước quá với những tràng cười giải trí, mà nể phục vì phim phản ánh lại được hiện thực với những góc nhìn đầy gai góc về cuộc đời và về giá trị nhân bản mà phim gởi gắm ở những sự sống. Shiroi Kyoto là dạng phim khiến người xem phải nghiêng mình nể phục nó vì góc nhìn trực diện, không khoan nhượng về những thứ được cho là thánh thiện trên cuộc đời này, mà ở đây là vấn đề y đức.

Shiroi Kyoto là một phim chuyên nghành y khoa, nhưng phim bàn sâu sát nhất là về y đức, một vấn đề dễ liên hệ hơn rất nhiều so với những kiến thức chuyên khoa chán ngán mà chẳng ai muốn hiểu, ngoại trừ dân y. Chính vì thế phim miêu tả thế giới y khoa thông qua cuộc sống của những bác sỹ trong một bệnh viện hàng đầu tại Nhật Bản, nơi người ta chính trị hóa y trường một cách nhuần nhuyễn, thâm sâu như những cơn sóng ngầm cuốn xoáy bất cứ ai đi sai đường. Thế giới y khoa ấy cũng là thế giới mà lợi ích cục bộ luôn được ưu tiên hàng đầu thay vì những khẩu hiệu sáo ngữ thường được giăng lên không biết ngượng ngùng. Thế giới ấy là một thế giới trông bình lặng nhưng tàn nhẫn đến khốc liệt nếu bạn chạm vào những tử huyệt của nó, và nó sẽ tỏa đi những vòi bạch tuột để thanh lý những yếu tố ngoại biên. Lợi ích chung ở đâu ư, ở trong mơ ước mà thôi! Đừng hy vọng hão huyền vào lợi ích chung được gion giỏn rao ở những bản tin hay bài thuyết giảng, lợi ích chung chỉ đến cùng nguyên lý Bàn tay vô hình mà thôi, nơi người ta vừa làm lợi cho mình, nhưng cũng vừa làm lợi cho đời. Shiroi Kyoto miêu tả lại nguyên lý Bàn tay vô hình trong thế giới y khoa một cách sắc sảo và thâm trầm từ góc nhìn của những tác gia, nhà làm phim có tầm nhìn và có đủ hiểu biết những vấn đề tâm lý chuyên sâu.

Điểm đặc sắc nhất ở Shiroi Kyoto là sự tinh giản nhưng cực kỳ chặt chẽ. Những áng tâm lý được phim miêu tả chân thực, sâu sát với vị thế những nhân vật được đặt vào. Shiroi Kyoto là một dạng phim tâm lý cân não nhân vật trong phim cũng như người xem ở ngoài, đòi hỏi người xem một cách thưởng thức nghiêm túc trong không gian căng thẳng với mâu thuẩn mang tính chất bất đặng đừng. Những mâu thuẩn trong phim tiệm cận sự hoàn hảo nên chẳng thể bắt bẻ được, phim không có một đoạn thừa thãi nào, không có một đoạn trình diễn nào. Mà tình tiết trong phim chuyển động tịnh tiến và khép kín vòng tuần hoàn với những nút thắt ngày càng cao hơn, chặt hơn để đưa đến cảm giác cân não chẳng thể dứt ra được-cảm giác thuyết phục người xem tuyệt đối trong dòng phim tâm lý mà không cần đến một yếu tố hù dọa người xem như những bí mật động trời, cái chết cận kề để người xem lo sợ như movie Vô gián đạo đã thực hiện rất thành công trong dòng phim tâm lý tội phạm. Shiroi Kyoto vượt lên những thể loại ấy, khi đề cập đến một vấn đề mang tính nhân văn bằng góc nhìn nhân bản, một điều mà rất hiếm phim nào có thể diễn đạt được. Phim để lại những câu hỏi hóc búa và những thực tại đẹp một cách oan nghiệt trái ngang về số phận, về con người và về ước mơ khiến người xem thắc thỏm nghĩ về bản thân, về gia đình và sự nghiệp.

Bản phối đầy đủ bài Tomorrow sử dụng trong phim ở link này, bản phối nguyên gốc của Takashi Kako ở link này.

Như đã nói phim có một phong cách tinh giản, nhưng không chỉ ở nội dung mà còn ở cách dàn dựng với những góc quay sắc lạnh trầm ngâm và những ca khúc không lời với bài thánh ca Amazing Grace như khúc chiêu hồn thăm thẳm đi vào cảm nhận của người xem. Diễn xuất của diễn viên thể hiện đầy đủ góc khuất trong tính cách nhân vật với độ chân thật cực kỳ cao, không hề lên gân, không hề thiếu đi ánh mắt thấu hiểu cho thấy sự già nghề của dàn diễn viên am hiểu đầy đủ tâm lý con người, thứ được tác gia và biên kịch gởi gắm vào từng nhân vật. Chính vì điều đó tạo nên sự cầu thị chân thật hiện diện trong từng thước phim khiến người xem đắm mình trong không gian ấy. Shiroi Kyoto là một phim cực kỳ gần gũi mà cũng cực kỳ xa cách khi nói về những vấn đề đời thường với cách kể chuyện tuần tự mà không hề thiếu đi tính hấp dẫn của dòng điện ảnh tâm lý. Vấn đề đắt địa nhất mà Shiroi Kyoto đạt được là sự đa chiều và tầm nhìn cao phù hợp với một bộ phim có nội dung sâu khiến phim cân bằng gần như tuyệt đối, miêu tả những thái cực đối lập nhau để người xem khó có thể bắt bẻ. Một phim được đầu tư công phu bởi đài Fuji TV nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập đài nên gần như không khiếm khuyết khi người xem hòa vào vào cuộc đời những nhân vật, cũng như lý tưởng của họ và những cuộc chiến cân não giữa những con người học thức thật sự được dựng lên phim.

Xem phim để cảm nhận nét thâm trầm, nét hóc hiểm của những hệ tâm lý đặt trên tòa tháp đỉnh cao, tòa tháp lồng lộng giữa những cơn gió vô hình của lòng người, để thẩm thấu một chút sự cao sâu của lòng người, để thấm nhuần những cái giá phải trả cho những mong ước giản đơn mà cao vút, và để khâm phục sự đanh thép trong cách nhìn nhận và phân tích vấn đề mang đầy tính hiện thực nhưng nhân bản ghi khắc vào sâu thẳm trái tim người xem. Một drama Nhật hay nhất theo cảm nhận của tôi, như những bụi tuyết kim cương long lanh giữa trời đông giá lạnh để rồi trở thành ánh sáng lấp lánh qua đôi mắt người xem.
Continue reading

Categories: Japanese dorama | Tags: , , , , | 2 Comments

Shut up flower boy band

Tôi không thích rock, nhưng rất hay xem những phim về nhạc rock, bởi tôi thích những con nguời nổi loạn với thứ âm nhạc sôi nổi này. Chính vì thế tôi cũng thích Shut up flower boy band, một phim nói về ban nhạc rock vị thành niên với không gian âm nhạc tuổi trẻ khuấy động, trong thời điểm mùa xuân này.

Flower boy band có nhiều khuyết điểm trong dàn dựng như quay phim còn chưa nhuần nhuyễn, cốt truyện còn chưa thông suốt. Nhưng quan trọng hơn những điều ấy là tuổi trẻ đã in được chiếc bóng qua từng thước phim, thứ thường không có trong phim Hàn thời kỳ này. Bộ phim Hàn gần đây nhất mà tôi thích là Fermentation Family, một phim đề cao giá trị gia đình khi miêu tả những con người vô gia đình xây đắp gia đình cho nhau. Còn ở Flower boy band thì những nhân vật trong phim tách mình ra dòng chảy gia đình để hòa nhập vào những mối quan hệ bạn bè. Đối với tôi, tình bạn cũng là một gia đình-khi người ta trẻ. Vì tuổi trẻ là tuổi đi rong để tìm kiếm trãi nghiệm, để rồi khi lớn hơn một chút thì họ sẽ biết cách tìm về với giá trị gia đình.

Continue reading

Categories: Korean dramas | Tags: , , | 5 Comments

Blog at WordPress.com.