Posts Tagged With: law

Partner

Là một drama hiếm hoi đi theo chủ đề luật pháp với những phiên tố tụng của Hàn Quốc, tuy nhiên phim không thoát khỏi sở đoản muôn thửa của Hàn Quốc là xây dựng kịch bản không đến nơi đến chốn. Tôi không phủ định Partner là một phim dở nếu xét theo khía cạnh luật pháp, nhưng không chỉ có vậy, bởi Partner có những ưu điểm riêng của nó khi đi vào cuộc sống của con người với ảnh hưởng ăn sâu bởi nghề nghiệp của họ, đây là ưu điểm đáng nói nhất của phim.

Có hai vấn đề trọng tâm khi khai thác chủ đề nghề nghiệp là công việc và con người. Một biên kịch giỏi sẽ biết xây dựng và phân phối hai yếu tố trên một cách thích hợp nhằm bật lên ý tưởng xuyên suốt của tác phẩm. Nhưng rất tiếc Partner không có một biên kịch đủ tài năng để nêm gia vị logic vào thị trường đam mê kịch tính bất chấp tính hợp lý như Hàn Quốc. Và dĩ nhiên thảm họa phải đến đã đến, tòa án được biên kịch biến thành một sân khấu diễn tuồng chèo và diễn viên buộc phải biến thành nghệ sỹ khua môi múa mép.

Nếu ví von, những vụ án trong phim được biên kịch và đạo diễn nhào nặng thành một nồi lẩu thập cẩm vô nguyên tắc theo chiều hướng gia tăng kịch tính dần khiến phim đi vào ngõ cụt. Những tập đầu của phim liên quan đến những câu chuyện đời thường dễ thương và gần gũi bao nhiêu thì cách đẩy kịch tính lên về cuối phim khiến cảm giác vụng về và nghiệp dư phủ vây không khí phim bấy nhiêu. Cách phim tham lam tạo tâm lý gần gũi với đa số khán giả khiến những lổ hỗng trong phim trở nên kệch cỡm bởi sự vô lý không đáng có.

Tuy nhiên bù đắp phần nào cho môi trường kịch tính áp chế phim là những tính cách con người trong phim được miêu tả tương đối gần gũi, dù tính cách nhân vật giảm dần đều để ngu hóa tạo kịch tính nửa vời. Non nửa phim là những tương tác thú vị giữa cặp nhân vật chính, yếu tố thu hút nhất của phim đối với tôi. Phim kể chuyện về tương tác giữa người đồng nghiệp mới với cũ. Cách phim tạo nhân vật nữ như một bà thím góa chồng với đứa con bảy tuổi là một điểm nhấn đối với phim Hàn. Tôi thường chán ngán với câu chuyện tình yêu oan gia nhí nhảnh mà cãi nhau vì những vấn đề nhạt nhẽo và vô duyên trong hằng sa số phim Hàn nên câu chuyện tình bạn-tình yêu đơn giản trong Partner thú vị hơn hẳn. Cách phim xây dựng tính độc lập cũng như tính chừng mực khiến bầu không khí bớt lãng duyên như những phim Hàn khác.

Cách đối thoại, hành động của các nhân vật trong phim không được biên kịch xây dựng lố bịch giống trò hề vô bổ mà được xây dựng tương đối thống nhất từ đầu đến cuối phim với cả ưu điểm và khuyết điểm. Đặc biệt tương tác giữa cặp đôi chính duyên dáng và tự nhiên cứu vãn cả không khí phim. Cách đối diện của nhân vật nữ với nhân vật nam đúng kiểu đối diện của bà thím cần có, xem nhân vật nam như một đứa con nít lớn xác đã xác lập không khí của phim không sa vào mớ lãng mạn ăn sâu vào phim Hàn. Tình bạn-tình yêu trong phim của những người trưởng thành tiến triển theo cách trưởng thành, nhẹ nhàng và dứt điểm hợp lý.

Nhân vật nam của Lee Dong-wook tự nhiên cũng như tửng vừa đủ để tôi cảm thấy thú vị. Cách phát triển tính cách nhân vật nếu lơ qua tính logic thì phù hợp với mạch phim cùng những cao trào. Lee Dong-wook diễn tự nhiên khiến nhiều lúc tôi quên đi tính kịch của câu chuyện. Xét trên một quan điểm khác, kết cấu kịch bản kịch tính vừa phải nếu khán giả yêu cầu tính kịch khiến phim đủ hấp dẫn để người xem tò mò câu chuyện diễn tiến thế nào. Cách ráp cảnh bước đầu thực hiện được yêu cầu của hành trình đi ngược cần thiết đối với dòng phim trọng cách thức hành động này. Ý tưởng của phim hướng đến sự công bằng và mục đích lý thuyết của nghề luật sư nên chưa đi sâu vào vấn đề, chỉ đáp ứng được mục đích giới thiệu sơ nét về môi trường luật của Hàn Quốc mà thôi.

Partner có thể không phải là một phim hay nhưng là một món lạ đối với phim Hàn, dù vị chưa tới nhưng nếu bạn chán ăn món ăn tình yêu đậm đặc tràn lan thì nó là món ăn thích hợp vì tính vừa phải của câu chuyện là lạ khi so sánh với vị dramatic trường kỳ.

Ngoài ra phim rất thích hợp với những ai thích diễn viên Lee Dong-wook, nhân vật nhẹ nhàng nhưng có chiều sâu, cách triển khai tính cách nhân vật cũng như cách diễn đa dạng và hợp lý của Lee Dong-wook sẽ không khiến những người yêu thích thất vọng. Tôi có tật là lựa xem phim truyền hình Hàn theo diễn viên yêu thích để đảm bảo hứng thú xem trọn vẹn nên đôi lúc bắt gặp những phim không hay mà vẫn cứ thích. Partner là một trong số đó, vế công việc được thực hiện không tốt nhưng vế con người được thực hiện tương đối đủ để tôi không xếp phim vào dạng nhảm-dở một cách toàn diện. Cuộc đời vốn không hoàn hảo, chỉ mong sau mỗi phim xem xong đều nhận ra một điểm gì đó hay ho ở phim là không tiếc thời gian.

Categories: Korean dramas | Tags: , , | 13 Comments

Soredemo Boku wa Yattenai

Soredemo Boku wa Yattenai

Soredemo Boku wa Yattenai là một phim có chủ đề luật pháp. Nội dung phim nói về một vụ án quấy rối tình dục trên xe điện tại Nhật. Phim để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi vì tính hiện thực thấm đẫm trong từng thước phim. Trong phim chỉ có hiện thực về một thực trạng xã hội nhức nhối của Nhật Bản hiện nay. Và chính thực trạng nhức nhối đó lại đẻ ra những vấn đề con rắc rối với những hệ lụy lớn đối với những người trong cuộc.

Vấn đề then chốt trong phim là tội quấy rối tình dục là một tội không lớn. Chính vì tội không lớn nhưng xảy ra trên diện rộng và xảy ra thường xuyên nên gần như vấn đề điều tra được thực hiện qua loa đại khái, xét xử cũng qua loa đại khái với những định kiến ăn sâu trong hệ tư tưởng của những nhân viên nắm cán cân công lý. Đối với luật pháp thì tội càng nhỏ càng dễ phán xét vì có sẵn các nguyên tắc phán xét sẵn có và hậu quả cũng không cần cân nhắc nhiều.

Như tôi đã nhận xét, vấn đề được tôi đánh giá cao nhất ở phim là tính hiện thực đậm nét của nó. Phim nêu ra một hiện thực xã hội được xếp tầng bởi sự vị kỷ từ cao đến thấp. Niềm tin trong thế giới kiểm soát niềm tin lại là một phần tử nhỏ nhoi đối với những con người vô tình trôi vào vòng lao lý. Sự thật được phản ánh qua hình ảnh của nó thông qua lăng kính của mỗi cá nhân chứ không phải bản chất của sự thật. Mọi sự thật đều được khám phá dựa trên suy luận, mà suy luận luôn có lỗ hổng vì suy luận dẫn đến hiện thực đã trải qua một hoặc nhiều công đoạn phản chiếu hình ảnh của sự thật. Continue reading

Categories: Japanese movies | Tags: , , | 1 Comment

Blog at WordPress.com.