Japanese animes

Gosick

GOSICK

 Thế giới vừa mới kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế Chiến II. Thế nên tôi muốn viết đôi chút về chiến tranh. Nhưng thay vì review các tác phẩm chính kịch nhiều mất mát đau buồn thì tôi muốn nhắc đến một bộ anime mà tôi yêu thích, vừa lãng mạn nhưng vẫn phảng phất toát lên một cách lặng lẽ sự tàn khốc của con người trong lòng cuộc đại chiến.

 Gosick được dựng trên nền huyền ảo phi thực trong một vương quốc giả định ở Âu châu. Nơi đấy có một giống nòi người Sói lùn vô cùng thông minh, và nữ chính Victorique là cá thể lạc loài của dòng giống ấy khi cô bị cha ruột bắt nhốt tại thư viện của học viện St Marguerite để chờ thời cơ lợi dụng cô trong nghiệp binh gia sau này. Tình cờ, cô gặp được chàng sinh viên Kujo đến từ đất nước Nhật Bản xa xôi. Trong khi cô nàng quá thông minh, phá án thần sầu không cần đến hiện trường làm chi như bà đầm Marple trong tiểu thuyết trinh thám Agatha Christie thì cậu chàng cù lần dễ bảo bấy nhiêu. Chính điều đó khiến câu chuyện rơi vào thế giới lãng mạn tạo nhiều thích thú cho độc giả. Chuyện tình cảm của hai cô cậu trong thế giới lặng lẽ của thư viện Marguerite với những viên kẹo ngọt xen giữa những tình tiết vụ án rùng rợn đều khiến không gian nơi ấy nửa huyền ảo mà nửa lại trẻ con ngây ngô trong sáng dễ gần.

 Anime luôn huyền ảo lạ lùng đối với tôi. Huyền ảo đến độ nhiều khi tôi cảm nhận không đâu huyền ảo như thế giới anime. Gosick là một ví dụ điển hình thể hiện rõ nét sự huyền ảo ấy. Thế giới ấy vừa có sự lãng mạn ngọt ngào, mà cũng vừa có được chất hiện thực “treo” lơ lửng vừa đủ để người xem không thể thoát rời khỏi hiện thực. Sự huyền ảo hài hòa đó khiến tôi bị thuyết phục, bởi sự vừa vặn để người xem thích thú mà không quên đi thế giới bên ngoài cảm quan của mình. Hiện thực vẫn ở đâu đấy, như không gian chiến tranh tang tóc vẫn cứ chực chờ đổ ảo vào khung cảnh yên ả nơi thư viện hai cô cậu ở bên nhau – gói ghém lại những bình yên trong kỷ niệm thong dong rảo bước ngắm nghía đối phương vào trong veo ánh mắt hoạt họa. Continue reading

Categories: Japanese animes | Tags: | Leave a comment

The Wind rises

TheWind-Rises1

Ước mơ có phải là phép màu?

Có lẽ không. Bởi vì ước mơ còn là hiện thực nữa kia. Ước mơ vẽ nên tương lai gợn sóng biển mây trời, hay ước mơ thôi thúc khao khát chinh phục đỉnh cao.

Với The Wind rises, Mizayaki đã viết nên thế giới ước mơ đầy khác biệt so với nhiều tác phẩm khác của ông. Một ước mơ mang màu sắc hiện thực đậm nét giữa hoàn cảnh trước và trong Thế chiến thứ II, nơi mà hỗn mang chiến loạn để con người lạc vào sự hoang mang. Đi qua ước mơ, mà cũng là đi qua cuộc chiến để cảm nhận sự thăng hoa và lụi tàn, và để cảm nhận sự thay đổi của thời gian.

Continue reading

Categories: Japanese animes | Tags: | Leave a comment

The Tale of the Princess Kaguya

The_Tale_of_Princess_Kaguya-384141472-large

Phải nói rằng rất khó review một tác phẩm mà điểm ấn tượng nhất của nó nghiêng hoàn toàn về mặt hình ảnh như với The Tale of the Princess Kaguya. Sẽ chẳng thể nói đến quá nhiều về nội dung, vốn được dựng lên gần như y nguyên với câu chuyện cổ Nàng tiên trong ống tre, bởi nội dung này vốn đã quen thuộc. Mà lại quá khó để phân tích những điểm tinh tế trong bút họa của Isao Takahata ở bộ phim này, vì để bàn luận đến điều ấy sẽ dẫn chúng ta đi qua góc nhìn hội họa nhiều hơn góc nhìn điện ảnh cần có. Vì thế, tôi muốn review The Tale of the Princess Kaguya bằng tình yêu, tình yêu đủ để Isao Takahata đã dành 14 năm miệt mài để đem đến cho khán giả hiện đại một câu chuyện cổ đúng nghĩa, bằng cả nội dung lẫn hình thức đều đã thu lại vẹn nguyên quá khứ kết tinh nên giá trị truyền thống của Nhật Bản. Continue reading

Categories: Isao Takahata | Tags: , | 1 Comment

Fruits Basket – Sau khi tuyết tan là mùa xuân…

Fruits.Basket.full.152692

Tự dưng tôi muốn viết về những thứ trong trẻo. Muốn viết về điều gì đó sáng sủa và nhiều ngây ngô như để ru lòng vào những điều đẹp đẽ.

Tôi đã quá tuổi để mê hoạt hình. Và hoạt hình bây giờ đối với tôi thường là những mảnh ghép ký ức lồng ghép khi xem phim, và đôi lúc tôi yêu những ký ức ấy hơn cả bản thân những cuốn phim hoạt hình tôi xem. Nhưng quan trọng gì nhỉ? Yêu thì cứ yêu thôi, để mặc kệ bản thân được dịu dàng chìm đắm vào nét đẹp du dương yêu thương. Continue reading

Categories: Japanese animes | Tags: | Leave a comment

5cm/s – Tình rơi giữa lúc ta nhận ra quá khứ đang rơi…

5cms

Tình yêu, tuổi trẻ và quá khứ là những vòng luẩn quẩn.

Có những hoài vọng mãi đẹp khi chỉ là hoài vọng.

Nó choáng ngợp tâm trí của người ta bằng tất cả cảm giác vương vấn, chập chờn mênh mang hư mộng. Để rồi dừng lại chất đầy những viễn tưởng xa xăm. Những viễn tưởng làm lòng người u hoài đắm lòng vào nhớ nhung.

Câu chuyện trong 5cm/s là ba đoạn cắt của của cuộc đời những cô cậu thanh niên còn rất trẻ, từ lúc họ trẻ cho đến khi lớn. Những cô cậu bắt đầu biết thương mến từ độ mười hai, mười ba tuổi. Tôi ít thích tình thơ, nhưng tôi lại cảm động rất nhiều bởi lát cắt tình thơ5cm/s. Tôi thích cả cách chia ly, hội ngộ để rồi lại chia ly như trong phim. Thích sự hết lòng của những cô cậu tí tuổi đầu đã bắt đầu biết nhớ nhau chân thành. Điều đó khiến tôi bỏ được lấn cấn về tuổi tác để hòa nhập vào cảm giác yêu lần đầu của lứa tuổi mới lớn. Chuyển trường, gặp nhau, để rồi một người lại chuyển trường nên xa nhau với một lời ước hẹn “năm sau lại cùng ngắm hoa anh đào rơi”. Hoa anh đào rơi chầm chậm, cô tịch lắc lư từng cm trong từng phần trăm giây. Nhịp điệu rơi của hoa anh đào như khiến thời gian ngưng lại, như khiến lòng người cũng ngưng trôi để cảm nhận đầy đủ nhất vẻ mong manh của tương ngộ. Thật chậm, nhưng cũng thật đẹp trong cõi nhung nhớ.

Continue reading

Categories: Japanese animes | Tags: , | 3 Comments

Hotarubi no mori e- Tình yêu đâu cần vĩnh cửu…

hotarubi

Viết mà không hay thì không nên viết.

Bởi dạo này cảm xúc của tôi tụt hết trơn hết trọi rồi. Chẳng có mấy phim có thể kéo lên cả.

Tôi khó tính, dĩ nhiên.

Nhưng lúc tôi khó tính, tôi thấy tôi viết đầy cảm xúc.

Dạo này tôi dễ tính, dễ đến trớt quớt, thấy mọi việc êm xuôi thì không có cảm xúc để có thể tự cảm thấy có thể viết về một cái gì đó khiến chính mình rung động.

Thế nên mới nói, khó tính chính là để đủ đầy cảm nhận của mình.

.

Tình yêu. Tôi thích viết về tình yêu, thích những tình yêu mong manh tựa hồ sương khói, có mà như không, không mà như chẳng thể nào quên.

Không cần nhiều nước mắt, cũng chẳng cần khắc cốt ghi tâm, chẳng cần phải vĩnh cửu bên nhau bạc đầu thề hẹn. Tình yêu với tôi chỉ là khoảnh khắc. Có thể là những lúc rực rỡ nhất, nhưng cũng có thể là những lúc hoang phế lụi tàn. Tình yêu với tôi là hiện tại, là lúc mà tôi được chìm đắm vào không gian nồng nàn, hay là lúc tôi nhớ đến quắt quay cảm giác nồng nàn đã xa. Bởi vì tình yêu với tôi là tất cả những gì tôi có, tất cả những gì tôi mong mỏi và được toại nguyện.

Tôi sợ tương lai, sợ những dự cảm chia ly treo bên khung trời như chiếc chuông gió tính tang nhắc nhở. Kinh nghiệm cho tôi biết rằng chẳng có gì có thể nồng nàn mãi mãi, dầu có bên cạnh nhau cả đời cũng chẳng thể níu kéo đắm say vĩnh viễn. Cho nên nếu phải xa nhau thì cũng chẳng có gì để phải nuối tiếc khổ đau. Đến thì cứ đến, và đi thì phải đi. Tình yêu như một ca khúc rung động đó rồi nhạt phai đó. Như con thằn lằn đứng im trên bờ tường để rồi xoáy đuôi trườn đi mà thôi. Nơi đó, bờ tường úa màu vùi thời gian vào nỗi nhớ lặng im. Continue reading

Categories: Japanese animes | Tags: | 4 Comments

Hotaru no haka – Setsuko-chan, có còn ở đó không em?

Hotaru no haka là một anime buồn viết về chiến tranh thế giới thứ hai. Phim dậy sóng cùng My neighbor Totoro tạo nên danh tiếng lẫy lừng cho hãng phim Ghibli. Nếu Totoro là một câu chuyện tình thương màu nắng đầy ngẫu hứng do Hayao Miyazaki tạo nên thì Hotaru no haka là một câu chuyện tình thương màu mưa lắng đọng mà Isao Takahata bất ngờ mang lại cho khán giả của vương quốc anime. Hataru no haka mang phong cách hiện thực đặc trưng của Isao Takahata, nếu không nói là tác phẩm mang nặng tính hiện thực nhất trong số những tác phẩm mà ông đã tạo nên, hiện thực đến trần trụi về cuộc sống của con người trong cuộc đại chiến thế giới, nơi không có phép màu và mơ ước, chỉ có sự cùng quẫn của những kiếp người trong bế tắc thời cuộc mà thôi. SeitaSetsuko khi lạc cha xa mẹ là những số phận lạc loài giữa dòng đời xuôi ngược, chúng mong manh phả thứ ánh sáng lập lòe như những cánh đom đóm phát quang giữa đêm tối lịch sử, hay đêm tối của lòng người?

Hotaru no haka miêu tả lại những cái chết được báo trước, những cái chết khi lâm vào cuộc chiến. Hai đứa trẻ chỉ có đôi ngày được ấm lòng trong vòng tay người mẹ, ấm lòng được cùng mẹ trú ẩn bom rơi trên đỉnh đầu, để có được chút bình yên để anh trai cõng em gái đi trú ẩn bên cạnh mẹ. Nhưng với chiến tranh thì những ngày ấm lòng ấy cũng chóng tan khi mẹ em bị thương nặng trên đường chạy nạn, cái điểm tựa bình yên bỗng dưng rời bỏ hai cá thể bé nhỏ để hai em bơ vơ khi chưa đủ sức để độc lập đương đầu với cuộc đời, nhưng buộc phải đương đầu với nó.
Continue reading

Categories: Isao Takahata | Tags: , , | 2 Comments

My neighbor the Yamadas: Áng haiku của phim hoạt hình

Một bộ phim lạ lùng, độc đáo, tinh gọn nhưng ý tứ miên man bất tận là điều tôi có thể nói về My neighbor the Yamadas. Phim như những áng thơ haiku dập dìu đưa nguời xem vào một thế giới hiện thực nhưng bình yên đầy thần tiên, thế giới của gia đình gần gũi, vụn vặt nhưng lại đẹp một cách chân thật nhất, đẹp như nỗi nhớ và đẹp như niềm hạnh phúc được có gia đình.

Đi theo dòng slice of life với một phong cách cực kỳ tinh giản nhưng sắc sảo, Isao Takahata vẽ lên những khuôn hình và lời thoại ngọt ngào một cách bảng lảng dẫn dắt người xem đi theo lối hài hước đậm chất Nhật Bản, kiểu ngọt ngào lịm dần vào tâm hồn thay vì vung tay múa chân đập bàn đập ghế khoái trá nhan nhản như hiện nay. Không khí gia đình gần gũi đến chẳng thể nào gần gũi hơn nhưng qua con mắt của Isao Takahata lại hiện lên lênh đênh trong vẻ mênh mông thấp thoáng cái tình dung dị linh thiêng ngào ngạt trong tâm thức con người. Câu chuyện bao gồm nhiều mảng khối của cuộc sống lắp ráp lại, không tô hồng hay tô đen thế giới người lớn hay thế giới con nít, mà là nơi thời gian của nguời lớn hòa quyện vào không gian của trẻ con chập chùng bay qua tất cả ý niệm, xóa nhòa ý thức để người xem chiêm nghiệm chính mình. Tính trào phúng được viết nên khoan khoái, khen mình khen đời nhưng cũng tự giễu nguời giễu mình khi sinh ra trong kiếp già, kiếp trẻ, kiếp nhân sinh.
Continue reading

Categories: Isao Takahata | Tags: , , , | Leave a comment

Blog at WordPress.com.