Posts Tagged With: ngôn tình

Drama Hàn và sự bành trướng của phong cách ngôn tình

Lâu lắm rồi tôi không đọc tiểu thuyết nên gần chỉ biết xu hướng văn học qua những bài viết nghiên cứu mà thôi. Tôi có biết tiểu thuyết ngôn tình đã, đang sốt với sức ảnh hưởng rất mạnh nhưng chỉ đọc qua quýt vài trang phân tích cho biết chứ không để tâm. Nhưng dạo gần đây sau khi nhận thấy mình đang lạc quẻ vì dấn thân vào dạng drama fan-service Hàn mới nhận ra chất ngôn tình đang dần xâm lấn màn ảnh nhỏ Hàn. Vì vậy viết bài này để tạm biệt thể loại drama ngôn tình đang gây sốt tại đây, từ nay về sau sẽ hạn chế tối đa xem và đề cập đến những phim dạng này.
Continue reading

Categories: Korean dramas | Tags: , | 15 Comments

Review Secret Garden

Kim Joo-won- Hyun Bin

Secret Garden, hiện tượng của năm 2010, là phim hay nhất Hàn Quốc 2010 theo đánh giá của tôi khi xem đến tập 14. Tôi vẫn giữ đánh giá đó cho đến khi xem xong tập 20 vì Secret Garden đã đi trọn con đường mà nó định hướng đi với mục đích giải trí.

Trước khi phim lên sóng, biên kịch Kim Eun-sook trả lời phỏng vấn sẽ viết Secret Garden để tạo niềm vui cho khán giả trong những ngày cuối tuần, và đến tập 20 cô ấy đã giữ đúng lời hứa của mình, còn hơn thế khi tạo nên chất mơ mộng bay ngút trời trong cảm nhận của đa số khán giả, thành công quá đỗi với mục đích đặt ra. Với một tác phẩm có định hướng thị trường rõ rệt như Secret Garden thì nó đã thành công khi xây dựng cốt truyện đơn giản, có chiều rộng nhưng thiếu chiều sâu là điều có thể chấp nhận. Tôi có thể hiểu lý do biên kịch Kim muốn tạo dấu ấn thị trường mạnh mẽ ở Secret Garden là do cú va vấp về rating của City Hall năm 2009 khiến cô ấy không toại nguyện tham vọng của mình.

Chính mục đích về một bộ phim mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả đã bó buộc một đoạn kết happy ending khiến cô ấy đặt được vấn đề đặc sắc nhưng giải quyết vấn đề không thể triệt để, có thể là chưa tới với một quan điểm đánh giá khắc khe hơn. Đặt vấn đề luôn dễ hơn giải quyết vấn đề, biên kịch Kim là một trong những biên kịch đặt vấn đề ấn tượng bậc nhất trong phim Hàn với Secret Garden, một nhân vật nam tửng tửng tưng tưng với chứng bệnh nhà giàu: yêu mình thái quá lạc vào khu vườn tình yêu lãng mạn do phép màu mang tới, một chút cổ tích như mong ước trong tiềm thức của mỗi con người bình thường, biên kịch Kim đã đánh đúng vào tâm lý mơ mộng thường thấy của con người, mà cụ thể là những khán giả xem phim Hàn.

Secret Garden chỉ đơn giản ”phức tạp hóa” câu chuyện cổ tích theo một cách chi tiết hóa vấn đề mà thôi. Một hoàng tử tượng trưng và một cô Lọ Lem tượng trưng, cách biệt đẳng cấp, (hay nói trắng theo ngôn ngữ xã hội xưa là cách biệt giai cấp) yêu nhau, hoàng tử yêu cô Lọ lem với một lý do nào đấy. Nội dung của Secret Garden đơn giản là thế, đặt hoàn cảnh, tính cách cho Hoàng Tử và Lọ Lem, đặt lý do để Hoàng tử yêu Lọ Lem và ngược lại khiến Lọ Lem yêu hoàng tử xây nên câu chuyện tình yêu diễm tình trong mác hài hước của nó. Thực chất Secret Garden chỉ thế mà thôi, rượu cũ bình mới, một chiếc bình họa tiết chằng chịt che giấu nội dung. Secret Garden đã khiến rất nhiều khán giả yêu chiếc bình đấy bằng hàng loạt hook mà biên kịch khéo léo đặt ra để câu chuyện đi đường vòng vèo một hồi dài hơn 16 tập để các nhân vật tìm đến tình yêu, chỉ đơn giản là tìm đến tình yêu.

Cổ tích được nhiều người thích nên Secret Garden cũng được nhiều người yêu thích là điều hiển nhiên, và người ta thích nội dung đơn giản yêu nhau đến được với nhau trong sự dung hòa khác biệt một cách tuyệt đối. Tình yêu trong Secret Garden có sức mạnh tuyệt đối hơn cả trong chuyện cổ tích, tình yêu trong Secret Garden được cường hóa có thể hô phong hoán vũ, khuynh đảo số mệnh lẫn sinh mạng của những nhân vật ở trong phim và là liệu pháp giải quyết mọi vấn đề nó đặt ra. Ai bảo phép hoán đổi linh hồn là phép màu chứ, thực chất phép màu ấy chỉ là hiện thân cho phép màu tình yêu mà thôi, phép màu hoán đổi lẫn việc hàm ơn mà biên kịch tránh không cho xuất hiện ở 13 năm trước thì cũng được sử dụng ở 13 năm sau. Ngay ở sự hàm ơn này tôi vẫn nhận thấy nó rất ”cổ” và thường được chuyện cổ tích sử dụng để mang đến tình yêu, có thể khác nhau ở hình thức hàm ơn trực tiếp hay hàm ơn gián tiếp mà thôi.

Tôi hiểu tình yêu là không thể hiểu được và tình yêu có lý do riêng khác nhau rất bí ẩn. Tôi không phân tích một điều gì khi không thể hiểu hết vấn đề đó, tôi chấp nhận lý thuyết tình yêu đơn giản là tình yêu, tình yêu đơn giản chân thành cũng là tình yêu, tình yêu phức tạp hết nghĩa cũng là tình yêu. Tuy nhiên tôi biết rằng yêu nhau chưa hẵng đến được với nhau. Secret Garden đã mặc định nội dung của nó vào tính chất duy mỹ tình yêu như vô vàn phim Hàn, cũng như hàng ngàn câu chuyện cổ tích có hậu khi không đưa được tình yêu đi vào con đường trãi nghiệm để lắng đọng lại ở một mức độ sâu hơn.

Tình yêu trong Secret Garden bất vẹn toàn vì thiếu sự trãi nghiệm lâu dài của hai con người yêu nhau. Biên kịch đã lùi một bước khi xây dựng tính cách nhân vật và cách họ yêu trong những tập đầu, Kim Joo-won trúng tiếng sét ái tình nhưng vẫn cực kỳ thực tế biết rằng không thể yêu hết lòng, nhưng sau đó biên kịch để Kim Joo-won cuốn vào tình yêu mà quên đi chất thực tế thật sự trong con người cậu. Chính vì thế biên kịch đã không mở rộng được nhân vật Kim Joo-won lên tầm cao hơn, biên kịch bế tắc Kim Joo-won ở mâu thuẩn đẳng cấp vị thân mà không đưa Kim Joo-won đến với những mâu thuẩn vị thân khác dựa trên sự khác biệt suy nghĩ giữa cậu với người cậu yêu, những mâu thuẩn tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ một chút nào, tôi cứ tự hỏi biên kịch và đạo diễn chăm chút đến nghề thế thân của nhân vật La-im như vậy có quá thừa không khi nó không có sức nặng gì ngoài một vụ tai nạn. Kim Joo-won hoàn toàn có thể vị thân khi suy nghĩ về nghề thế thân nguy hiểm của La-im để lấy cớ tự chia tay mối tình đó, như thế Kim Joo-won với tư tưởng vị thân, yêu nhưng không muốn đau khổ để tâm lý nhân vật kế tiếp 4 tập đầu của một Kim Joo-won yêu nhưng không muốn từ bỏ khác biệt đẳng cấp, tình tiết này sẽ đẩy sức nặng nội tại của nghề thế thân được nâng lên.

Nếu biên kịch Kim sử dụng các mâu thuẩn nội tại để đẩy tình tiết phim lên thì Secret Garden đã hay hơn, chắc hẳn như thế thay vì là một vụ tai nạn được dàn dựng vô cùng vụng. Biên kịch đã để Kim Joo-won lùi một bước trước mâu thuẩn đẳng cấp thì tại sao không để Kim Joo-won vị thân lùi thêm một bước trên khía cạnh khác. Mâu thuẩn đầu tiên được phép màu giúp đỡ, thì hãy để mâu thuẩn sau do chính họ khám phá thông qua phép màu được trao tặng sẽ đắt hơn. Trên đây chỉ là một ví dụ để chỉ rằng Secret Garden bế tắc trong mâu thuẩn nó đặt ra, cái mâu thuẩn mà biên kịch không giải quyết phải nhờ đến sự can thiệp đến phép màu. Biên kịch để bị cuốn vào mâu thuẩn ban đầu nên không giải quyết triệt để mâu thuẩn khiến mâu thuẩn lửng lơ , lại không mở rộng mâu thuẩn để mờ hóa mâu thuẩn đẳng cấp vốn không dễ giải quyết nên nội dung phim rất lưng chừng.

Điểm yếu của kịch bản ở Secret Garden khi đã đi vào nhiều tình tiết tạo kịch tính nhưng không tạo được sự phát triển nội tâm của nhân vật thực sự, những cảnh đấy có thừa nhưng lại thiếu, không cho khán giả nhận ra rằng họ cần người kia thật sự như những cảnh tương tư đi dạo trong những tập đầu. Các nhân vật giáp mặt nhau nói về tình yêu quá nhiều mà thiếu đi những lúc một mình chìm trong cảm xúc tình yêu, biên kịch đưa được cảm xúc khi hai nhân vật bên nhau nhưng không viết nên những tình tiết hậu cảm xúc sau những cảnh bên nhau, họ bên nhau quá nhiều nên những tình tiết bên nhau không đắt, một số cảnh tôi nhận xét thừa thãi là vì vậy. Cảm xúc mà biên kịch tạo dựng không đủ để đưa cảm xúc của nhân vật thực hơn để có thể biến cảm xúc của nhân vật tự nhiên áp đảo đi cái nền cổ tích của mình.

Secret Garden thiếu cảm xúc thật sự nhưng đứng trên phương diện cấu trúc, tính cách nhân vật và đường dây phát triển tình tiết biên kịch Kim đã hoàn thành hợp lý khi giải quyết twist , tuy khá màu mè với phong cách hài kịch, cùng đó cấu trúc đối xứng được nghiên cứu kỹ lưỡng trong cách tạo tính cách nhân vật khi đặt một nhân vật ấn tượng bên một nhân vật không ấn tượng, đặt một bên nổi và một bên chìm nhằm thành lập happy ending, nếu cả hai nhân vật cùng ấn tượng sẽ rất khó thành lập happy ending, tôi đánh giá khá tốt về tính cách nhân vật vì nó phù hợp với mục đích đề ra. Có nhiều người nhận xét nhân vật La-im không ấn tượng, đó chính là một cái khó cho diễn xuất của Ha Ji-won làm sao để biến nhân vật không ấn tượng thành nhân vật của mình tạo ấn tượng. Nhân vật kim Joo-won có tính cách thú vị, tuy nhiên như nhận xét chỉ thú vị chứ khá bế tắc để biên kịch thành lập tình tiết lãng mạn hài hước nên tâm lý nhân vật về sau thiếu mâu thuẩn nội tâm như ban đầu.  Tính cách La-im cũng vậy, tính cách hợp lý nhưng những tập cuối không đào sâu được tâm lý nhân vật thực hơn. Tôi không yêu cầu Secret Garden có tính hiện thực toàn cục, mà yêu cầu biên kịch xây dựng tâm lý nhân vật thực hơn nữa, 4 tập cuối tâm lý nhân vật La-im thật sự bế tắc và hoàn toàn chững lại không được như đoạn giữa, đoạn mà khi đó tâm lý nhân vật La-im được xây dựng tốt nhất. Tôi đánh giá rất cao cấu trúc trong tính cách nhân vật Kim Joo-won, hợp lý và khoa học, tuy nhiên do môi trường xung quanh được xây dựng bế tắc và nội tại tích cách chưa được đào sâu nên không phát triển sâu hơn nữa là một điều vô cùng đáng tiếc, nhưng Kim Joo-won với môi trường xung quanh như thế vẫn hợp lý và tôi chấp nhận tính cách Kim Joo-won ở mức độ ấy, không phát triển nhưng không bị thoái trào như hằng sa số nhân vật ấn tượng ban đầu của phim Hàn.

Tôi cũng đánh giá cao các hook mà biên kịch cài vào tình tiết phim khiến phim tạo được sự hồi hộp từ khán giả, tuy rằng các hook khá đơn giản  và nội hàm các hook không có sức nặng thật sự. Nhưng điểm tôi không thích nhất ở Secret Garden là về mặt dàn dựng và hình ảnh trọng hình thức một cách gượng ép, những cảnh được sắp đặt màu mè hoa hòe hoa sói xem nhiều khi khiến tôi cứ phải thốt ”sến” quá, nó khiến cảm xúc của tôi vốn đã lửng lơ trở nên chưng hửng khi không được tiết chế lại để xóa nhòa đi nội dung cổ tích và đi vào thực chất hơn thay vì cứ cố tình khiến hoạt cảnh lung linh. Quay phim nhìn chung là ổn nhưng không đẹp, đặc biệt có một cảnh quay thật sự vô duyên, cảnh quay với góc máy chếch lên quay lúc Kim Joo-won đi vào bệnh viện, tôi ngỡ ngàng vì không nghĩ một đạo diễn lâu năm lại xử lý lỗi như thế, cách quay chếch lên như thế không thích hợp để khán giả cảm nhận tâm lý nhân vật Kim Joo-won lúc đấy, tâm lý Kim Joo-won lúc đấy khán giả sẽ nhìn với góc quay ngang hàng hoặc hướng xuống để thể hiện tâm lý đau khổ trong đơn giản và bất lực của Joo-won, góc quay chếch lên như thế chỉ thích hợp để xử lý tâm lý nhân vật với nội tâm bất lực giằng xé có nguyên nhân nội tại chứ không phải nguyên nhân khách quan và cần được xử lý rất hạn chế. Nhìn chung cách thể hiện của phim càng về sau càng màu mè hơn nên càng chán hơn nữa. Tuy nhiên diễn xuất là điểm mạnh trong phim, các nhân vật ít nhất tròn vai, Hyun Bin hóa thân rất tốt vào vai diễn ăn khách bậc nhất Kim Joo-won, vừa trẻ con, vừa tinh quái nhưng cũng rất tình tứ và nội tâm. Kiểu diễn hài rất tỉnh của Hyun Bin thuyết phục được nhiều người là hợp lý. Diễn viên phụ diễn tròn vai, nhân vật phụ được tôi bỏ qua không phân tích vì dấu ấn liên hệ với nội dung câu chuyện hai nhân vật chính khá rời rạc, cùng đó mọi tính cách đều không đặc sắc (trừ Oscar có tính cách dễ thương) để biên kịch có thể gia giảm sức nặng của họ tác động đến cặp chính nhằm thành lập happy ending, tôi cho đó là các tính cách có thể có nên hợp lý nhưng không ấn tượng.

Nhìn chung Secret Garden hội đủ để trở thành một hiện tượng, nổi tiếng với nội dung tương đối hợp lý và cách thể hiện trên trung bình. Tuy nhiên Secret Garden cũng tuân theo quy luật mặc định của thị trường nghệ thuật, chưa vượt qua cái mác phim ăn khách là phim thiếu độ sâu trãi nghiệm thật sự, độ sâu mà Secret Garden đạt được rất đơn giản và bề ngoài. Tuy nhiên tôi nhận thấy rằng Secret Garden xứng đáng với sự thành công của nó bây giờ khi chọn con đường hợp gu đa số khán giả để đi đến trái tim họ, một tác phẩm đi đến được trái tim khán giả là một tác phẩm thành công và có giá trị nhất định. Đối với khán giả của dòng phim hài thì Secret Garden quả thật là một món ăn hợp khẩu vị khi dung hòa được chất hài hước, lãng mạn cũng như có độ sâu nhất định, và đặc biệt diễn biến tâm lý nhân vật hợp lý. Secret Garden là một bộ phim dành cho khán giả thích tình yêu lãng mạn cũng như thích tính chất cổ tích có hậu, và là một phim hài giải trí có những tính cách nhân vật thú vị thể hiện qua lời thoại sắc, cay và ngọt, tuy kém thực một chút.

Categories: Korean dramas | Tags: , | 5 Comments

[Secret Garden] Kim Joo-won và Ma Hye-ri: sự khác lạ mang dấu ấn trẻ thơ

Kim Joo-won và Ma Hye-ri

Tôi có sự liên tưởng giữa hai nhân vật này qua cách nhìn cuộc sống phảng phất nét trẻ con co cụm trong suy nghĩ của mình về thế giới. Sự trẻ con ở đây không phải là sự ngây thơ, thánh thiện mà thông thường các phim Hàn thường đề cao. Sự trẻ con của các nhân vật ở đây là vấn đề đề cao cái tôi của mình như một cách chứng tỏ bản thân và dùng sự đề cao cái tôi ấy để chống chọi lại với sự lẻ loi do chưa thông suốt mọi góc nhìn về cuộc đời.

Kim Joo-won trong Secret Garden cũng như nhân vật Ma Hye-ri trong Prosecutor Princess đều khiến tôi phải dành thời gian hơn một tập để hiểu suy nghĩ mà biên kịch gởi gắm. Trong con người hai nhân vật đó thiếu đi tính bất cần thường có trong hoàn cảnh họ được đặt vào. Hai nhân vật đều có cách sống khác biệt so với mọi người xung quanh nhưng không phải họ không hiểu sự việc mà là vì tư tưởng vị thân theo quan điểm sống hướng thiện (không phải thánh thiện). Hai nhân vật này đều sống theo nguyên tắc riêng được hình thành trong quá trình phát triển nhân cách trước đó thể hiện ở cách đối xử với những người khác nhau trong xã hội. Họ không tốt với bất cứ ai mà đối xử với những con người khác nhau bằng cách khác nhau.

Mỗi con người đều có một suy nghĩ khiến mình hãnh diện với chính bản thân mình. Tôi tin ai cũng vậy. Tuy nhiên cách chúng ta thể hiện ra khác nhau vì suy nghĩ giấu kín hay thẳng thắn nhìn nhận với người khác hay không. Ở cả hai nhân vật nhân vật Hye-ri và Joo-won họ hài lòng với cuộc sống họ đang có, hiểu vị thế mình đang ở đâu cùng đó thể hiện mình muốn gì và không muốn gì. Với Hye-ri là một đôi giày hàng hiệu hiếm có, với Joo-won là bộ đồ thủ công từ Italy. Tuy nhiên với sự khác biệt giới tính ở cách thể hiện cái tôi của mỗi nhân vật với nhau.

Ma Hye-ri là nữ, nhân vật này có những nhu cầu hãnh diện theo cách của phụ nữ (đôi lúc ngây thơ hơi quá một chút). Hye-ri chứng tỏ chất tự do trong cái tôi của mình ở công sở với thời trang, với cách nghĩ về công viêc còn non nớt chưa biết cách hòa nhập với môi trường xung quanh, đặc biệt là môi trường viện kiểm sát quy cũ. Tuy nhiên với Joo-won, cách đặt hoàn cảnh làm việc ít mâu thuẩn hơn, Joo-won là một ông chủ thành công và có tính tình khó chiều. Joo-won hiểu người khác hơn Hye-ri trên phương diện mục đích. Joo-won tinh ý hơn Hye-ri vụng về. Nhưng cách đối diện với sở thích và tình cảm giữa hai nhân vật khá giống nhau: không ngại bày tỏ mong muốn của mình, không chần chừ hành động theo ý muốn thể hiện nguyện vọng của bản thân. Joo-won muốn che chở cho cô gái mình có cảm tình một cách chân thành nhưng ngây ngô không biết rằng cô gái ấy có muốn như vậy hay không! Joo-won suy nghĩ về người khác với những cơ sở đánh giá của bản thân và suy nghĩ theo hệ quy chiếu trong môi trường sống của cậu với những tòa nhà hoành tráng, với sự coi trọng bản thân được đề cao mà chưa biết rằng với một con người họ cần một mái nhà che nắng che sương cho dù có cũ kỹ, và cậu không hiểu rằng có những hoàn cảnh mà con người có thể quên sự coi trọng bản thân vì miếng cơm manh áo. Hệ quy chiếu mà Joo-won vịn vào làm nền tảng là một cuộc sống có nhu cầu chứng tỏ mình hơn nhu cầu sinh lý đơn thuần. Joo-won không hiểu toàn diện cuộc sống của mọi người và đây chính là khoảng trống mà biên kịch Kim Eun-sook tạo nên một Joo-won bất hoàn thiện để chờ đợi được lấp đầy bằng sự chuyển đổi linh hồn ở phía sau.

Đặc điểm tâm lý khác biệt nhất ở hai nhân vật Ma Hye-ri và Kim Joo-won là nỗi cô độc mà Kim Joo-won cảm nhận. Ở cả hai nhân vật đều có sự lạc lõng với môi trường nhất định nhưng Hye-ri không cô đơn vì cô có một người mẹ thân thuộc và hiểu cô đủ để cô có thể tâm sự những điều thầm kín. Kim Joo-won cho đến tập 2 vẫn cô độc đi trên con đường riêng của mình mà không có bạn bè tri kỷ hay hình bóng người thân nào cả. Tựu lại điểm khác biệt trên có thể ví von như Ma hye-ri vẫn là một nàng ”công chúa” trong khi Kim Joo-won đã là một ”ông hoàng”.

Biên kịch Kim Eun-sook rất khéo léo khi bằng cách đưa Joo-won vào tính cách ít bạn, không tâm giao khiến Joo-won cô đơn muốn người khác ghi nhớ mình bằng một dấu ấn cô độc do chính mình tạo nên đã khiến nhân vật Joo-won có nhiều tiềm năng phát triển sâu trong hệ tâm lý cần một sự giải tỏa để cái tôi hòa nhập vào môi trường xung quanh. Với một con người khi cần được chú ý luôn được chú ý như Joo-won thì người nào không chú ý đến cậu mới khiến cậu chú ý là lẽ thường hợp lý. Tuy nhiên cách để chàng trai chinh phục cô gái bằng sự chân thành thẳng thắn tự cao trẻ con là một yếu tố kích thích nhiều trí tò mò khán giả với những tình huống hài hước.

Với suy nghĩ cá nhân, cũng như nhân vật Ma Hye-ri, với Kim Joo-won tôi cũng cần một khoảng thời gian mới cảm nhận đủ để có thể hiểu nhân vật. Khi hiểu được lại có một lực thôi thúc khám phá sâu hơn về nhân vật này. Như tôi nhận xét trong bài review ep 1 của phim, tôi có một chút thất vọng vì nhân vật Joo-won thiếu đi tính bất cần mà tôi vô cùng yêu thích. Nhưng tôi hy vọng biên kịch sẽ sắp xếp các tình tiết nhỏ hợp lý lắp ráp lại với nhau tạo thành tập hợp tính cách độc đáo nhưng tự nhiên, để dù như bây giờ tôi vẫn chưa thích tính cách Joo-won nhưng tôi muốn xem phim để cảm nhận thông qua các tình tiết gây cười để khám phá mảng tâm lý nhân vật được biên kịch Kim Eun-sook chăm chút đầu tư và được thổi hồn thông qua diễn xuất tự nhiên của Hyun Bin.

Tôi hy vọng phim sẽ dẫn được đến tình huống sau khi hai người đổi hồn cho nhau và họ sẽ cảm nhận mỗi cuộc đời đều chứa đựng màu sắc của nó khiến họ lưỡng lự chọn lựa cuộc sống trước và sau khi đổi hồn thật tự nhiên chứ không đi vào lối mòn dàn trãi mãi một vấn đề phải đổi hồn lại cho bằng được với những tình tiết cliché.

Categories: Korean dramas | Tags: , | 8 Comments

Review Secret Garden Ep1

Secret Garden

Rating AGB ep1: Nation 17.2%, Seoul: 18.3%

Ấn tượng đầu tiên về ep1 Secret Garden là cảm giác nhẹ nhàng với chất lãng mạn của biên kịch Kim Eun-sook. Các tình tiết hợp lý tuy không ấn tượng thực hiện nhiệm vụ dàn trãi nội dung preview. Tuy nhiên tốc độ tình tiết đi khá nhanh là một điểm mạnh lôi cuốn người xem nhằm giới thiệu tính cách nhân vật chỉ trong một tập. Có thể nhận thấy thời điểm mà biên kịch Kim Eun-sook chọn để mở cánh cổng của Secret Garden là một thời điểm bình lặng bằng một cách thức cũng khá bình lặng.

Tính cách nhân vật được xây dựng hợp lý ghi dấu ấn với người xem. Tuy nhiên nhân vật có đôi chút khác biệt so với hình dung của tôi trước đó. Nhân vật của Ha Ji-won (La-im) khá ổn, mạnh mẽ, nóng nảy nhưng hiểu chuyện. Nhưng tôi không thích diễn xuất của Ha Ji-won trong tập này vì lối diễn khá cương cuả cô với nhiều động tác trợn mắt không thật cần thiết. Bù vào đó các màn hành động trong phim được thực hiện tốt, là điểm cuốn hút riêng trong diễn xuất của Ha Ji-won. Nhân vật của Hyun Bin mang đến cho tôi một chút thất vọng vì tuy hợp lý nhưng không cuốn hút. Tính cách của Joo-won được xây dựng khá bình thường, thiếu chất quái gở, bất cần và bạt mạng với một câu chuyện không thật sự có sức nặng phải hành động như thế. Chất lạc lõng trong con người Joo-won được thể hiện khá rõ thông qua cách cư xử mang một chút tính trẻ con nên không gây tò mò về tâm lý nhân vật nhiều. Diễn xuất của Hyun Bin trong vai Joo-won được tôi đánh giá là ổn. Nhân vật tạo được nhiều dấu ấn nhất trong tập này là Oscar cuả Yong Sang-hyun cả về tính cách lẫn diễn xuất. Oscar một ngôi sao chuộng vẻ hào nhoáng và những thú chơi nhà giàu. Diễn xuất của Yong Sang-hyun thể hiện đặc sắc nét tính cách này bằng động tác hình thể và cách phát âm nhả chữ luyến láy. Đặc biệt ở dấu ấn của Yoon Sang-hyun là hát hay hơn tôi tưởng. Lee Philip khá mờ nhạt với lối diễn xuất thiếu tự nhiên và nhân vật không có nhiều điều để nhớ.

Những điểm đặc sắc trong tập 1 của Secret Garden chính là các màn hành động của Ha Ji-won. Các màn hành động đáp ứng tốt chuẩn so với phim truyền hình. Kỹ thuật đồ họa vi tính tuy chưa hoàn thiện vì thiếu chân thực nhưng khá đẹp mắt. Hoạt cảnh và một số cảnh nội thất khá ấn tượng với không gian được xây dựng tạo cảm giác ba chiều thênh thang. Tính chất bay bỗng trong hoạt cảnh hỗ trợ thêm tính lãng mạn át hài hước ở nội dung tập đầu. Tuy nhiên một số tình tiết hài hước và lời thoại linh hoạt mang nét riêng của biên kịch Kim Eun-sook cũng là một dấu ấn khác cuả phim. Nhạc phim dịu dàng và lãng mạn.

Với tập 1 khai triển phân nửa nội dung preview trước đó thì yếu tố hấp dẫn của câu chuyện với tình tiết tráo đổi linh hồn sẽ nằm ở tập 2. Tập 1 chỉ mở ra một nửa cánh cổng của Secret Garden nhưng chính phần giới thiệu nhân vật nhẹ nhàng không quá ấn tượng có thể khiến bộ phim đi lên con dốc thắt nút câu chuyện một cách chậm hơn nhưng chắc hơn, tránh trường hợp gãy gánh giữa đường vì gánh nặng nội dung được đặt ra. Đây là một con đường tốt để Secret Garden mở dần những bí mật của mình với cách tình tiết bất ngờ và hài hước sau khi đã thể hiện tròn nội dung preview và gói gọn những bí ẩn trong những tập phim tới. Phần hài hước của câu chuyện sẽ được tung trong tập phim ngày mai. Tôi đặt hy vọng vào việc tạo ấn tượng bằng các tình tiết hài hước thông minh và bất ngờ vào các tập phim đó.

Categories: Korean dramas | Tags: , | 3 Comments

Create a free website or blog at WordPress.com.