Posts Tagged With: sci-fi

[SR] Aliens In The Attic

Là một phim giải trí tầm trung của Mỹ, kỹ xảo tầm trung, sáng tạo tầm trung, cốt truyện tầm trung không tạo được ấn tượng mạnh mẽ nhưng để lại dư vị dễ thương và vừa vặn rất đáng yêu. Phim kể về cuộc chiến giữa một đám nhóc 5 đứa với cuộc xâm lăng của những người bé bỏng ngoài hành tinh. Mục đích của cuộc chiến thì to tát nhưng cách thức diễn ra cuộc chiến ngộ nghĩnh, tôi thích cơ sở của sự sáng tạo về cách thức diễn ra cuộc chiến trong nhà và ngoài sân của đám nhóc, cơ sở này hoàn toàn gần gũi và tạo cảm giác chân thực trong sự tưởng tượng của một câu chuyện mang tính chất phi thực.

Tôi cũng thích cách thức phim chi tiết hóa biến các đồ vật trong nhà thành vũ khí chiến đấu như súng khoai tây, thuốc pháo trong chiến trường là gác xép của ngôi nhà. Thoại phim và tình tiết đậm chất hài hước của Mỹ nên mang đến cảm giác tự nhiên và sáng sủa, không nghiêm trọng hóa vấn đề dù mục đích của cuộc chiến cũng là cứu thế giới sống còn nên không khí phim nhẹ nhàng và đáng yêu.

Điểm hay nhất của phim chính là cách phim lồng ghép tính cách của mỗi nhân vật và đặt vào đó tương tác giữa các nhân vật hài hước vừa vặn, phát triển vấn đề một cách thuần túy nhưng ý nghĩa khi đưa mục đích của cuộc chiến thật trở về với cuộc sống hàng ngày. Tôi thích nụ cười của bé gái Hannah do Ashley Boettcher diễn nhất, diễn xuất của các diễn viên còn lại tự nhiên và phù hợp với dòng sci-fi comedy, các màn hành động phát huy được ý nghĩa riêng và được thực hiện chu đáo tạo được sức bật với trí tưởng tượng trẻ tuổi nên hài hước và đáng yêu. Một phim thích hợp và thể hiện tốt tiêu chí giải trí thư  giãn cùng gia đình.

Thật sự thì có lẽ do tư tưởng cổ hủ nên tôi vẫn thích dòng phim sci-fi có mục đích nghiêng về con người, chứ không phải chỉ thuần sci-fi, và Aliens in The Attic có điều đó. Lưu ý cuối cùng là phim vắng bóng tình yêu-tiêu chí đầu tiên tôi chọn xem phim hành động. 6

Categories: English movies | Tags: , | 2 Comments

Review 3 movie có Ko Soo

Cho đến thời điểm 6/2011 Ko Soo đóng 4 phim điện ảnh, chủ yếu là phim hành động, chưa đóng movie tình cảm nào. Tôi không phải fan phim hành động, tôi thích phim trinh thám hơn, tuy nhiên đã xem hết 3 phim có Ko Soo đóng, phim thứ 4 có đề tài chiến tranh chưa chiếu nên chưa xem được.

Ko Soo đóng khá, tuy nhiên diễn xuất trong các movie mà cậu đóng dường như chưa thể hiện hết tài năng mà cậu sở hữu. Ko Soo có ngoại hình ăn ảnh, diễn xuất có chiều sâu nhưng những vai diễn chưa nổi bật, có lẽ do một phần đất dụng võ chưa thật sự phù hợp. Tuy nhiên các vai diễn mà Ko Soo đóng đều tròn vai, và rất ít khi over là điều tôi thích ở cách diễn của Ko Soo.

 SOME (2004)

Đề tài hành động trong cục cảnh sát, Ko Soo đóng vai một viên cảnh sát bị gài tội nội gián. Phim là hành trình đi tìm tên tội phạm nội gián thật sự để minh oan cho bản thân và phá hủy tổ chức tội phạm buôn ma túy. Nhân vật nữ chính có khả năng dự cảm tương lai gần (mường tượng được tương lai gần trước một khoảng thời gian ngắn).

Nội dung phim tương đối ổn, tuy nhiên dựng phim không hấp dẫn. Midpoint bump được dựng hợp lý nhưng không khó đoán, và đặc biệt là thiếu tính bất ngờ do tính lề mề phút chót để diễn của dòng phim hành động. Tuy nhiên điểm thích ở midpoint bump là nó không phản lại dự cảm, vì vậy yếu tố dự cảm trong phim thống nhất và có giá trị xuyên suốt. Chỉ tiếc là đoạn cuối phim không sử dụng dự cảm tiếp để kết phim duyên dáng hơn.

Nhìn chung phim xem được, thống nhất và đơn giản, tuy thiết kế tình tiết câu chuyện không sắc nhưng vừa phải và đặc biệt không sến, không có yêu đương trong phim mà chú trọng đến yếu tố hành động và tình người với người nên có cảm tình với phim. 5

 White night (2009)

Bài review phim ở đây. Trong bài viết này chỉ nhắc đến Ko Soo là chính mà thôi. Phim này không phải mảnh đất thể hiện hết tài năng của Ko Soo. Vai diễn có chiều sâu nhưng cách thể hiện và đoạn kết của phim chú trọng đến nhân vật nữ hơn nên đã hy sinh một phần tâm lý của nhân vật nam chính. Cả hai nam chính, bao gồm nam diễn viên nổi tiếng Han Suk-kyu đóng vai thám tử đều lép vế với diễn xuất của nữ  chính Son Ye-jin.

Phim kể về câu chuyện của chàng trai 11 tuổi trốn tội giết cha trong lúc không kiềm chế được trước hành động đồi bại của người cha. Không chỉ thế, phim còn là hành trình đi sâu vào bóng tối của lương tâm để tìm kiếm hạnh phúc ảo ảnh cho người con gái mà chàng trai yêu thương. Hơn một câu chuyện trinh thám, White night là một câu chuyện viết về sâu thẳm bản ngã của tình yêu và sự phụ thuộc vô tình vào tình yêu vô hình. Hành trình đi vào sâu thẳm bóng tối chính là một phần hành trình đi tìm lại ánh sáng và sự giải tỏa đã bỏ quên nơi thềm quá khứ.

Ko Soo diễn tròn vai, mạnh mẽ và không quá u buồn nên có đôi phần khiến khán giả không thấy được vẻ bơ vơ cô độc của người con trai sống và giết người vì người con gái mình yêu. Tuy nhiên đối với movie đôi khi không cần nhấn quá sâu vào tâm lý nhân vật, sự mạnh mẽ và bạo liệt mà Ko Soo diễn cần thiết cho sự dứt khoát cần có với cách thể hiện súc tích của movie. Phim có nhiều cảnh quay gợi, đôi chỗ yếu tố sex-nghệ thuật được sử dụng không tiết chế. 7

Psychic (2010)

Phim hành động trời ơi đúng kiểu Hàn xẻng. Nội dung hơi vẩn vớ xíu, phim viết về cuộc đấu tranh giữa hai người có siêu năng lực trên hai chiến tuyến. Một người có khả năng dùng mắt điều khiển người khác gây náo loạn, một người có khả năng bất tử. Và từ đầu đến cuối họ đấu tranh theo bản năng sẵn có, hình thức đấu tranh không phát triển lên được chút nào mà cứ lừng khừng mãi ở trạm tàu, mỉa mai là não siêu nhân không đặc biệt như biệt năng của họ.

Twist của phim tệ hết chỗ nói, thiết kế tình huống ẩm ương chán không thể tả, mà đánh đấm cũng chẳng khá khẳm gì. Nội dung phim giống như anh chàng khù khờ mãi cứ khù khờ, không biết khoét vào gót chân Asin nhãn tiền của đối phương, không tận dụng hết mọi khả năng có thể để hủy hoại sức mạnh, nói chung là không sử dụng trí tuệ đấu tranh mà toàn thấy đâm đầu vào chốn dụng võ của đối phương như thiêu thân lao đầu vào chỗ chết để đạo diễn ngồi không rảnh rỗi phô diễn kỹ xảo. Một bộ phim đầu tư  công phu nhưng nội dung nhạt nhẽo chẳng đọng lại gì.

Ko Soo diễn vừa vặn nên vớt vát được phần nào cảm tình với phim, Kang Dong Won diễn cũng khá, tuy nhiên tương tác giữa hai nhân vật chính thiếu lửa. 4

Categories: Korean movies | Tags: , , , | 5 Comments

Paprika-Kẻ trộm giấc mơ

Papurika

Paprika là một câu chuyện điện ảnh biễu diễn giấc mơ. Satoshi Kon thỏa sức thể hiện trí tưởng tượng của mình mang lại hình ảnh độc đáo về giấc mơ của người muốn điều khiển chúng. Mơ tức không phải thực, dĩ nhiên là thế, nhưng mơ phản ánh thế giới thực tại theo cách bù đắp hay bổ khuyết thế giới riêng của vô thức vào ý thức. Và giấc mơ là một phần tất yếu của cuộc sống mỗi người, nơi con người giải tỏa trí tưởng tượng vô giới hạn để bay bỗng thay vì ràng mình trong những giới hạn chằng chéo ngoài đời thực. Tả lại giấc mơ không phải là dễ, vì tả lại sao cho thực như giấc mơ, mà vốn dĩ giấc mơ là trạng thái hư chẳng ai đủ thời lượng để ghi nhớ cặn kẽ được, chỉ là chập chờn in trong tâm trí mà thôi. Tả lại giấc mơ là công việc sử dụng hình ảnh miêu tả lại cảm giác chớp nhoáng đến, rồi chớp nhoáng đi. Giấc mơ vốn dĩ không liên tục một cách lớp lan bao giờ, giấc mơ có những gián đoạn đứt gãy, diễn ra những hành động bất ngờ, chuyển cảnh của giấc mơ cũng vô cùng chớp nhoáng với trật tự đảo lộn, thế giới hỗn mang với những hình ảnh biểu tượng choáng ngợp tâm trí của thế giới thực lưu vào thế giới mơ.

Điểm đặc sắc nhất của Paprika chính là cách thể hiện giấc mơ và chuyển cảnh của giấc mơ được Satoshi Kon biểu diễn chân thật, vô trật tự, bất ngờ và đầy ngẫu hứng tạo được áp lực khi mơ, áp lực đè nén lẫn thỏa vọng với giấc mơ mà mỗi con người trãi nghiệm. Giấc mơ trong Paprika không khó đoán vì yếu tố mà Satoshi Kon chú trọng và tập trung là lý giải để khám phá giấc mơ khi để con người khám phá bản thân và những người xung quanh. Con người trong những tình huống cấp bách, nguy hiểm điệp trùng khám phá và hiểu rõ hơn ý nguyện của bản thân, cũng như suy nghĩ của người khác theo cách thức thú vị: sống thật trong mơ. Dù cho Satoshi Kon có chú trọng biễu diễn giấc mơ với những khuôn hình như thế nào đi nữa thì anh cũng không quên miêu tả lại cuộc sống và cảm xúc thật của mỗi nhân vật trong dư vị ngọt ngào của chữ Tình loáng thoáng. Hành trình tìm kiếm được những giá trị thật sự trong khi mơ là một góc nhỏ được Satoshi Kon chú trọng như đích đến của cuộc hành trình mà anh để khán giả đi cùng, một góc nhỏ vừa vặn đủ để không khoét sâu vào những ám ảnh thực –hư, nhưng cũng không phẳng lỳ chỉ thể hiện được bề mặt câu chuyện đấu đá vì những lý do chỉ có trong mơ. Continue reading

Categories: Kon Satoshi | Tags: , | 4 Comments

Inception: Mơ hay tưởng tượng?

Inception: tưởng tượng chứ không phải mơ.

Đọc preview phim này thấy hấp dẫn quá, đúng ngay chủ đề tôi thích. Vậy mà xem xong thì thất vọng tràn trề. Inception chỉ là một phim giải trí bình thường mà thôi chứ chẳng khá khẳm gì, vẫn phong cách Mỹ hào nhoáng chứ nội dung thì nhạt.

Viết review nó vì muốn quẳng nó vào một góc đây để giải tỏa bức xúc. Bức xúc nhất là vì dành thời gian ít ỏi dạo này sắp xếp xem.

Inception có nội dung ôm đồm đủ thứ, quá trình nhận thức nỗi đau và đối diện với nó được thực hiện màu mè qua một cuộc chơi với giấc mơ hoành tráng bạc triệu. Nhân vật được xây dựng khuôn mẫu, tính cách nhân vật nhạt nhòa chẳng có thời lượng thể hiện qua diễn xuất mà thoại triền miên liên hồi rao mơ là thế này, phải mơ bằng cách nọ, phải thoát ra giấc mơ bằng cách kia. Nói thật mấy lời thoại đó giống như các nhà làm phim dạy khán giả vì nghĩ khán giả không biết mơ! Sách vở thấy ngán.

Một chuyện về thoại, một chuyện về mối liên hệ giữa các nhân vật. Tính cách riêng nhạt thôi cũng còn được đi nhưng mối liên hệ giữa các nhân vật cũng không thấy gì cả, tình bạn chả thấy bao nhiêu, tình yêu cũng không rõ ràng cho lắm. Mục đích hành động của mỗi người là vì cái gì, họ mơ như thế nào, họ mơ ra sao (chứ không phải họ nói họ mơ như thế nào) cũng chẳng thấy dấu ấn gì ngoại trừ nhân vật Cobb. Mà nói thật ký ức của nhân vật Cobb là một vò chỉ rối thôi chứ đâu có ruột đâu, lung tung lên chỉ vì cô vợ mất vì bị chính anh ta truyền dẫn tư tưởng sai lầm mà anh ta không dám đối diện thôi.

Qúa trình chơi với giấc mơ nữa, cũng nhạt. Người khởi nguồn cũng nhạt, người kết thúc (2 người) cũng nhạt. Ngay từ khi bắt đầu lý do của cuộc hành trình dài này tôi đã linh cảm nó chẳng đi về đâu cả rồi, vậy mà đến khi kết thúc bật ngửa luôn vì đúng là nó chẳng đi về đâu. Không có tựu về giá trị gì cả, không có vượt lên gì cả, chỉ có sự lờ mờ, lưng chừng, rũ bỏ, buông xuôi thôi.

Bực nhất là mục đích của phim thì không rõ trong khi phim thể hiện đầy quy tắc, công thức định lượng, định tính để gò bộ phim vào tính hấp dẫn, kịch tính nữa vời. Đặc biệt cách ráp cảnh quay và cân thời gian cực chán: khúc trên cầu chiếc xe ngã xuống mà khoảng 30 phút sau vẫn còn ở đúng vị trí đó nên nói thật biết ngay là chẳng có gì xảy ra. Rồi tùm lum chuyện được sắp xếp thiếu logic nữa: mối liên hệ giữa các tầng trong vô thức không thấy đâu, chẳng thấy tầng nào sâu hơn tầng nào cả: cũng không gian đó, cũng bom nổ đạn bay nhưng chả thấy gì là những nhận thức sâu thật sự khi con người đi sâu vào những giấc mơ. Giấc mơ được mô tả sáng choang hoành tráng ầm ầm đó đâu có độ tối tẹo nào đâu mà cứ nói độ sâu này độ sâu nọ, thuốc ngủ nồng độ cao này nồng độ cao nọ. Thuật thôi miên, thuật làm chủ giấc mơ thì không thể hiện mà thể hiện toàn cái chết với quy luật chết trong mơ thì cũng mất trí nhớ ngoài đời. Ranh giới mơ và thực cứ lạc lõng . Nếu nói cả bộ phim là một giấc mơ dài thì giấc mơ đó chả có gì phải phân tích cả vì nó gắn liền với ám ảnh bề nổi anh hùng, bạo lực của Mỹ thôi. Giấc mơ không khiến khán giả thấy chứ nói gì đến suy nghĩ.

Kịch bản rập khuôn là thế nhưng mấy màn hành động đẹp , lại nhưng mấy cảnh đó cũng vẫn chưa thực lắm, chỉ được mỗi cái hoành tráng thôi. Đoạn lơ lửng chân tay cứng còng chứ đâu có lơ lửng gì đâu. Mất trọng lực mà tay chân dễ điều khiển vậy chỉ có trong phim. Mà nhân vật tôi thích nhất phim này là Authur, mặt sát thủ tửng tửng lạnh lùng nhất phim. Nam chính Leonardo với nữ chính nam phụ còn lại không thích gì cả vì tính cách nhân vật nhạt nhòa lấy đâu ra đất diễn để tôi thích.

Kịch tính phim này cũng lủng củng: cho nhân vật ông già cuối cùng bị phát đạn ngay lúc đầu khiến nhân vật khởi nguồn này không có trọng lượng trong câu chuyện gì cả đưa nguyên chuyến hành trình trong mơ lạc loài chứ chẳng khai phá được gì nên không bật lên tương quan lực lượng giữa hai phía, đặc biệt đây lại là tham vọng đầy tiềm năng để khai thác. Lúc đó tiềm thức của hắn mới ghê gớm, cuộc chiến đấu trong tiềm thức mới có thế lực đối lập mà phát triển chứ, chứ tiềm thức của bao nhiêu con người ấy cứ chìm ngập đấu đá vớ vẩn là sao??? Lại quay về kịch bản nữa rồi.

Đồng ý giấc mơ thì lưng chừng lơ lửng vì nó là mơ, nhưng dấu ấn của mơ lên cuộc đời con người là thực với những dư ảnh, dư âm, thậm chí ám ảnh con người ta. Ký ức luôn có tác động lên mọi giấc mơ và cuộc sống thực mới khiến người ta tưởng tượng được. Mọi công trình nghiên cứu giải mộng đều chính yếu để tìm ra căn nguyên hay tâm quay của giấc mộng đó với lý do rõ ràng, còn giấc mơ trong phim lãng xẹt vì không có tâm mà chỉ có kính vỡ, đất bung, nước bắn tứ phía mà thôi. Tại sao con người ta mơ như vậy, tại sao con người ta phải mơ như vậy??? Hỏi đạo diễn mà đạo diễn không trả lời.

Tiếp cấu trúc của giấc mơ phi cấu trúc trong phim, nói phi cấu trúc chứ cấu trúc giấc mơ đó rõ rành rành. Ba tầng, nhưng ”tầng ngoại phi tầng” liều mạng xuống tầng thứ tư nhưng nói thật tầng thứ tư có gì đâu mà nguy hiểm vì Cobb vẫn mơ hằng đêm mà. Đi hoài đi riết trong mơ thì có gì mà sợ. Mà lạ các giấc mơ cứ thay phiên nhau lộn nhào qua nhào lại mà thôi chẳng biết ai mơ tất. Chẳng thấm gì về phim cả mà thấy phim loãng quá loãng.

Bao nhiêu chi tiết thừa trong phim luôn: mấy cú thúc thừa, quân cờ totem của nữ chính có ý nghĩa gì? mấy hòm chứa bí mật ẩn ý là gì? Hình ảnh hoành tráng nhưng đối với tôi vô nghĩa. Cuộc hành trình dài trong mơ mà chẳng có gì là mơ cả, không biết đạo diễn có thường mơ không mà vẽ lên những nút thắt liên tục như thế, mơ phải có gián đoạn, mơ phải có ngừng trệ và đột biến chứ! Chán.

Tóm lại lòng đã bớt bực rồi, phim này chỉ xứng đáng là phim giải trí thôi. Từ nay cạch Imdb,  Imdb rate phim này 9.2 lận mà mình xem mình thấy nó đáng 5 thôi. Hiệu ứng kỹ xảo đẹp và ấn tượng là điểm nhấn hiếm hoi của phim. Phim này giống tưởng tượng trên những kiến thức sơ đẳng về giấc mơ chứ không giống mơ là kết luận cuối cùng. Đi tra tên Authur đã. Nói ráng là thần giao cách cảm trong giấc mơ để mọi nhân vật hiểu nhau khiến phim dở đi nhiều, phải để tính độc lập, phân tán phát triển rồi sau đó tập trung lại mới hay được.

Categories: English movies | Tags: ,

Create a free website or blog at WordPress.com.