Posts Tagged With: feelings

l.o.v.e

Bailamos-Enrique Iglesias
 

Và anh biết yêu.

Và anh đã yêu, để ghì em thật chặt trong hạnh phúc khi có em. Nơi trời đêm anh tưởng chúng mình là duy nhất, bên em để đứng yên ôm trọn em trong vòng tay quên ngày mai ra sao.

Anh yêu em đủ để trao cuộc đời mình vào tay em. Yêu em đủ để dám đánh đổi tương lai yên bình bằng hạnh phúc có em. Yêu em để biết cần lo toan, yêu em để biết phải đương đầu với những rào cản sẽ giăng lên nay mai. Yêu em đủ để thấy em cười là anh biết mình vui vu vơ.

Continue reading

Categories: Korean dramas | Tags: | 13 Comments

!

 

Yêu có phải là tội lỗi không anh?

Khi em yêu anh mà không thể mang đến hứa hẹn lâu bền?

Khi em muốn yêu chỉ để thỏa nguyện mong ước và cảm xúc của mình?

  Continue reading

Categories: Korean dramas | Tags: | 27 Comments

Yêu là tin vào những điều không thể có – Elizabeth Barbett Browning

Câu nói hai nghĩa mà hiểu theo nghĩa nào cũng được. Theo ý nghĩa tích cực là yêu có thể biến không thành có. Mà theo ý nghĩa tiêu cực thì chứng tỏ tình yêu mù quáng đổ sông đổ biển niềm tin. Nói kiểu này huề vốn thiệt, nhưng mà đúng ghê vì nói huề vốn thì đúng sai lại “tùy” trường hợp. Vốn dĩ tình yêu cũng đã chẳng có đúng sai, tình yêu là những cảm xúc mà người ta chẳng thể điều khiển được, nếu nó đúng thật là tình yêu.
Continue reading

Categories: Korean dramas | Tags: | 14 Comments

?

L'amour est bleu-Vicky Leondros

Anh gặp em, chẳng biết tình cờ hay cố ý, chẳng biết là nhầm lẫn hay hiển nhiên, anh cũng chẳng biết là ảo hay thực. Chỉ biết hôm ấy có nắng, có mưa, và có em.

Anh chẳng biết cảm xúc của mình ngay lúc này, chẳng biết suy nghĩ vẩn vơ ra sao, anh cũng chẳng biết em là gì. Chỉ biết thật sự vui khi bên em, khi trong em anh là một người lớn.

Okinawa xanh miết, nắng lồng lộng, gió thườn thượt, biển bát ngát, trời mênh mông. Anh bay theo không gian mướt màu biếc lăn tăn ánh nhìn, như cơn sóng biếc đổ ập vào bờ tan thành niềm vui.
Continue reading

Categories: Korean dramas | Tags: | 27 Comments

Melodrama-Andrea Bocelli

Cô độc là một tính từ không dễ dàng để cảm nhận.

Cô độc chẳng để phải chia sẻ

…mà để giấu kín vào vội vã cuộc sống.

Cô độc chỉ là cô độc

…gặm nhấm trái tim mòn mỏi khi thời gian đánh võng những tiếng ngân.
Continue reading

Categories: Korean dramas | Tags: | 17 Comments

Mùa hạ rớt* và một chút triết lý trong Secret Garden

Indian Summer by Ruby Chorvat

Tặng Ginko cho một chút hạ rớt còn sót lại cuối thu.^^

Mùa hạ rớt (mùa hạ Da đỏ, mùa hè Ấn Độ, Indian Summer) là một chút mong manh gởi những tia nắng vàng hắt sáng rọi khung trời thu heo mây. Khung trời thu muộn hóa màu những cánh rừng phong thưa thớt, khẽ rít những cọng gió tạo một chút buốt lạnh trên da thịt. Cuối thu trời dần tiến đến chân mùa đông để chờ nhận những cơn bão tuyết ùa về che khuất ánh sáng chan hòa thu vàng. Như để an ủi hay để thử thách lòng người trước một mùa đông se sắt dai dẳng, những vị thần ở nơi phương trời rét căm gọi về mùa hạ xiên ngang ngay thời khắc giao mùa để nắng vàng ấm áp hơ cõi lòng con người, nơi mà lòng người cũng như thời tiết đã chứa đựng sẵn sự hỗn mang trong thời khắc sẽ đổi thay.

Secret Garden chọn một thời khắc mang tính triết lý như Mùa hạ rớt để bắt đầu câu chuyện về những con người ngập chìm trong những Mùa chính của cuộc sống họ. Kim Joo-won vẫn là chàng trai chưa biết mùi vị của tự do yêu đương thật sự trước khi gặp phép màu tình yêu. Chàng trai ấy tách biệt hai giai đoạn của một quá trình và đi theo quan điểm ấy nhằm tiến đến hôn nhân chứ không phải kết hôn. Gil La-im vẫn là một cô gái ngập ngụa dẫm chân tại chỗ trong cuộc sống của mình, chấp nhận và đấu tranh yếu ớt cho cuộc sống đó. Cuộc đời họ cứ như những khung cảnh cuối thu yên ả trôi đi để rồi nhạt phai, như nắng cuối thu phai dần màu hoàng kim óng ả và thả chân vào mùa đông –nơi nắng dường như bị lãng quên, cũng như chính cách họ quên đi ánh nắng trong trái tim mình.

Nhưng, mùa hạ rớt trở lại như một phép màu đánh cắp trái tim của Kim Joo-won để thức tỉnh từng nhịp con tim băng đá bằng những hạt mưa tinh khôi thần thánh. Mùa hạ rớt tạt ngang mang về những gì sặc sỡ nhất ngỡ đã đi qua chẳng thể nào trở lại. Mùa hạ rớt mang theo sức ấm để thổi bay đi không khí ẩm ương của thu, thổi đi những bức tường mỏng mà con người cố xây để chống chọi với mùa đông. Mùa hạ rớt cho phép con người ta nắm bắt nhiều hơn những giá trị tưởng đã thành quá khứ, giá trị lộng lẫy để một chàng trai hơn ba mươi tuổi bắt đầu học yêu, cũng như giá trị rực rỡ để một cô gái gần ba mươi tưởng mình đã lỡ thời vàng son của đời con gái tập mơ mộng yêu nắm lấy. Mùa hạ rớt lại nơi cuối mùa thu là một khoảnh khắc bừng tỉnh để thấy cuộc đời thật đẹp, cuộc đời cần có nhiều hơn những mơ mộng để tuổi trẻ khoe sắc xanh của trời trong hay sắc mơn mởn của những khu rừng tít tắp vẽ nên bức tranh mơ mộng cho chính mình.

Secret Garden

Người ta nói mùa hạ rớt ngắn ngủi quá nên quá mong manh. Người ta cũng nói mùa hạ rớt là trò lừa dối của những thổ dân da đỏ nơi Bắc Mỹ. Mùa hạ rớt đánh cắp trí khôn của con người trước mùa đông băng giá dữ tợn khiến con người mụ mị u mê tin vào hơi ấm ngắn ngủi rơi rớt lại mà thôi. Tôi không phủ định hoàn toàn cách lập luận trên, tôi đồng ý một phần nào đó khi có người phân tích như thế dù họ quên đi ý nghĩa của điểm bừng tỉnh và níu kéo sự lâu bền trong một cuộc sống. Những con người tin vào hơi ấm hoàn toàn trong mùa hạ rớt mong manh sẽ phải chịu trách nhiệm đi trong một mùa đông lạnh giá cô đặc khi không chịu ứng phó với số phận. Nhưng cuộc sống đâu chỉ tính bằng năm, bằng tháng, đâu chỉ tính bằng lợi nhuận hay rủi ro. Cuộc sống ở mỗi con người khác nhau trong mỗi hoàn cảnh khác nhau được đo lường bằng những thang đo lường khác nhau. Cuộc sống cũng đôi khi được tính bằng đau khổ và hạnh phúc. Lúc đấy cuộc sống được tính bằng sự đong đầy những giá trị đã đạt được. Có thể quãng đường sắp xếp của số phận có người cần thẳng tiến, nhưng cũng có người cần quay đầu nhìn lại những gì mình đã bỏ qua để nhặt nhạnh lại miếng ghép bỏ quên nhằm ráp lại cho tròn bức tranh cuộc đời. Kim Joo-won và Gil La-im là những con người nằm trong vế thứ hai ấy, họ có thể thẳng tiến đến cái đích là thời gian nhưng chẳng bao giờ có thể hoàn thành một bức tranh đầy đủ cả khổ đau và hạnh phúc. Nhưng nếu họ quay đầu lại và đánh đổi bằng thời gian để khổ đau và hạnh phúc quy tụ trong trái tim, bức tranh sẽ tự động lưu lại cảm xúc đã bị bỏ quên nơi tuổi trẻ.

Gil La-im và Kim Joo-won trước khi gặp nhau, không ai quá đau khổ hay quá hạnh phúc. Hai con người luôn tự bằng lòng với cuộc sống của mình. Bằng lòng cúi đầu xin lỗi hay bằng lòng ngẩng mặt ngạo nghễ đều là trạng thái hài lòng với cuộc sống chính mình. Họ tự đầy đủ trong khiếm khuyết, họ tự đúng đắn trong thiếu sót, họ được thần thánh đối xử công bằng trong trạng thái bình quân chủ nghĩa mà thượng đế vịn vào phân phát số phận cho con người. Và vì thế họ cần nhau để hiểu nhau. Con đường để hiểu nhau chông chênh nên họ cần phép màu giúp đỡ cho họ bị mất chính mình để tìm được bản thân. Tôi cảm thấy rất thú vị khi phép màu mà biên kịch tặng cho cặp đôi này chỉ dừng lại ở 15% thời lượng phim mà thôi, không ít và cũng không nhiều nên thấy thiếu mà chẳng thiếu. Hai con người được ban tặng phép màu như thế là quá nhiều so với người bình thường rồi, nên để hiểu nhau hơn sau đó họ cần phải đi trong chính thể xác của bản thân để hiểu người kia vì cuộc đời người kia vẫn cần những bí ẩn để tìm hiểu và khám phá. Mùa hạ rớt chỉ để người ta hiểu rằng người ta cần nhìn lại-chớp lấy để rồi tiếp tục lặng lẽ đi vào mùa đông bất diệt của tạo hóa.

Hai con người ấy được tạo hóa trao cho một phép màu nên tôi tin chắc nếu biên kịch là một nhà văn xuất sắc sẽ biết quay mặt con dao hai lưỡi phép màu lại để cắt lấy những gì phép màu cần lấy đi của họ. Phép màu cũng cần nguồn sinh khí để duy trì sự tồn tại, thần thánh chẳng cho không biếu không một hiện thực để thay đổi thực tại. Thần thánh chỉ cho đi cơ hội để họ nắm bắt mơ ước nhằm hiện thực hóa cuộc sống mà thôi. Nếu nắm bắt cơ hội đấy, họ sẽ bỏ đi khả năng tiềm ẩn khác mà không hay biết. Tuy nhiên sự công bằng khi trao đi đổi lại giá trị là điều tôi quan tâm. Tôi tin biên kịch sẽ định lượng công bằng giữa cho đi và lấy lại. Phép màu ấy mang trong nó gánh nặng để rơi xuống trần gian thì nó cần giải tỏa gánh nặng ấy vào hơn hai con người nhận nó để được vô trọng lượng trở về thiên đường.

Nếu phép màu không ban tặng sinh mạng sẽ không lấy đi sinh mạng, nếu phép màu được gieo bằng tham vọng của người cha sẽ được trả bằng sự đánh đổi của người cha-một sự hy sinh để con gái được hạnh phúc. Công bằng trong mỗi tình tiết không có tính bắc cầu mà cần có điểm dừng để mọi thứ được giải tỏa và tiếp tục phát triển. Vì thế tôi không chắc một happy ending ở Secret Garden nhưng với cách cấu trúc bộ phim khá tốt cho tới tập 8 thì một tình tiết cố nhân văn hóa câu chuyện bằng sad ending sẽ khiến câu chuyện trở nên vụng về không phải phong cách thường thấy ở biên kịch Kim Eun-sook. Những tiền đề được biên kịch sắp đặt cho phép người xem hy vọng ở happy ending. Riêng cá nhân tôi, tôi hy vọng ở một kết thúc hợp lý và công bằng như đã đề cập, để Secret Garden vẫn tạo được dư âm khi vẹn toàn trong cái bất vẹn toàn như tạo hóa. Một yêu cầu khó đối với một phim Hàn nhưng tôi hy vọng có thể sau 5 tác phẩm đã xem của biên kịch Kim Eun-sook, tác phẩm này sẽ vượt qua được ngưỡng đánh giá mà tôi dành cho phim của chị với sự đột phá.

*Mùa hạ rớt là từ dịch giả Bằng Việt sử dụng lần đầu khi dịch bài thơ  Babie leto của nữ thi sĩ người Nga Olga Bergolts, người ta thường dịch Indian Summer là mùa hạ Da đỏ, hoặc mùa hè Ấn Độ.

Categories: Korean dramas | Tags: | 36 Comments

Feeling La Dolce Vita

La Dolce Vita

La Dolce Vita Vietsub

La Dolce Vita là phim truyền hình Hàn Quốc duy nhất tôi rate điểm tối đa trong thang điểm cuả mình. Tôi thích và đánh giá cao toàn bộ phim bao gồm kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, dựng cảnh, âm nhạc, thời trang trong phim này,

Nói một chút về gu xem nghe ngẫm của tôi trước. Tôi thích xem phim dark, càng dark càng thích nhưng yêu cầu dark cho tới mà không cường điệu. Tôi thích nghe nhạc, đặc biệt là nhạc không lời, ghét nhạc ồn ào nhảy loạn cào cào mà nghe không được từ nào. Tôi thích ngẫm nghĩ vu vơ những điều người ta không ép tôi suy nghĩ, đá văng những gì mà khi xem phim biên kịch và đạo diễn nói việc đó phải thế này thế nọ (aka: dạy đời thế nào là chính nghĩa, tốt đẹp, sâu sắc, nghệ thuật). Tôi thích thời trang, ấn tượng đẹp thì tốt mà không thì cứ bình thường như cuộc đời là được, chứ không thích mấy bộ đồ ấn tượng quái dị. La Dolce Vita có hầu như tất cả những điểm tôi thích, nội dung dark tôi thích, âm nhạc không lời tôi thích, thời trang theo trường phái thanh lịch tôi thích.

Về nội dung phim, tôi thích tính cách nhân vật, cách họ bất cần đời nhưng yêu cuộc đời, cách họ phó mặc số phận nhưng níu lại định mệnh, cách họ chấp nhận trong nổi loạn với cuộc đời, cách họ cười để thể hiện niềm đau, và cách họ khóc để tận hưởng hạnh phúc, cũng như cách họ lặng lẽ chẳng để làm gì.

Tôi thích cách biên kịch khắc họa những tính cách thông qua diễn xuất ổn định và có hồn của các diễn viên. Những tính cách đa nhân cách và những tình yêu đa chiều với nghĩa, tình, dục vọng. Tôi thích cả giá trị tình yêu khoảnh khắc cũng như sự chung thuỷ vô định trong những lần phản bội. Tôi thích những tình yêu có mà như không, muốn có nhưng chẳng dám níu trong phim, cảm giác yêu bất bình yên trong phim khiến tình yêu mụ mị và ảo ảnh hơn, gián đoạn nhưng da diết, lấp lửng nhưng khắc khoải, lấp liếm nhưng đê mê. Nhìn chung tôi thích không gian chông chênh mà phim tạo ra như đi trên thuyền mà sóng đánh nhấp nhô lên xuống, cùng đó thời gian trong phim dường như cũng lênh đênh trôi theo niềm chơi vơi chới với ráp nối với nhau như những mảnh ghép ký ức mù mờ hạnh phúc.

Tôi thích những cảnh quay đơn giản nhưng chứa nhiều ý nghĩa của phim. Tôi thích khung trời tuyết Hokkaidou trong phim, lạnh lẽo và lạc lõng như chính những nhân vật đi qua nó. Những đôi chân lún trong tuyết bám chặt lấy mảnh đất tình yêu. Tình yêu như tuyết mong manh và có tuổi theo mùa, tan ra và đông lại kết tinh trong trái tim. Những nụ hôn nồng cháy đê mê, sợ sệt lẫn lưỡng lự rơi theo từng nốt nhạc trầm bỗng với nhịp tuyết rơi trên mái đầu hai người yêu nhau.

Vốn dĩ mối tình chị em đã mang sẵn vẻ quyến rũ trong nét bí ẩn với những rào cản mực thước của xã hội. Vốn dĩ mối tình trộm nhớ thầm thương lén lút cũng đã mang sẵn những yếu tố khơi gợi nhiều cảm xúc, thì trong La Dolce Vita thông qua diễn xuất nhập tâm và khá hoàn thiện của hai diễn viên chính đã tạo nên những thước phim mang trong nó những chất xúc tác khiến cảm xúc của khán giả gần hơn và thăng hoa hơn nữa, đồng điệu nhưng vẫn thắc mắc hỏi về tương lai của một mối tình đẹp nhưng liệu có bất …khả …thành.

Lối sống chạm vào những nỗi cô đơn được lắng tụ thành trầm tích qua thời gian, lối sống cuả những thân cây tầm gởi khi không hẹn mà gặp và học cách tự sinh. Lối sống đó tựa chừng sự lạc lõng trong những quan niệm nhân sinh với sự ám ảnh mơ hồ lạc lối nhưng vẫn khao khát yêu thương chống chọi với nỗi cô đơn. Những nhân vật trong phim cô đơn trong mỗi cái nhìn hay mỗi câu nói. Họ lạc lõng ngay trong chính bản thân họ nên lạc lõng với suy nghĩ của người khác. Họ hiểu nhau nhưng bơ vơ trong tình yêu do chính họ níu kéo. Họ mang lại bình yên cho người khác bằng cách trao đi hạnh phúc cuả chính mình.

Mối quan hệ phức tạp trong phim một phần dựa trên nền tảng đam mê nhưng cũng một phần dựa trên sự đồng cảm khi hai sự lạc lõng chạm vào ánh mắt của nhau. Những bản nhạc nhẹ nhàng nhưng đầy những cung trái nhịp giằng xé như nội tâm mông lung, trấn an như những niềm hy vọng, trầm lắng như nỗi đau xiết trong lòng. Mặc kệ nhưng lại chẳng thể, vương vấn nhưng không có khả năng bảo vệ điều được vấn vương.

Tình yêu như một bông hoa khi đang nở cũng chính là lúc sắp tàn. Tình yêu như một khoảnh khắc mãi chẳng thể nắm bắt được đành gởi lại ảo ảnh ve vuốt màn mắt in trong thuỷ tinh thể. Người ta nói bất cứ một nguồn sáng nào đều có điểm mù của nó mà tình yêu cũng là một thứ ánh sáng màu nhiệm. Điểm mù của tình yêu trong La Dolce Vita hôn lên những dục vọng để mơn trớn cho bóng tối phủ kín dục vọng đấy, để tình yêu mãi mãi sẽ sáng những góc con tim le lói hy vọng yêu.

Trong La Dolce Vita, khi người ta đi qua tình yêu người ta có thể không tìm được tình yêu mà họ tìm được cuộc đời của chính mình trong nhau. Họ tìm được sự nhẹ nhàng trong cuộc đời, tìm được nỗi nhớ tạc trong trái tim. Tình yêu phản trong thời trang trong phim, đơn giản-phức tạp, thời thượng và hàng hiệu nhưng cũng thay đổi như chính thứ thời trang ấy. Một con cún cảnh thời trang giương đôi mắt trong veo buồn buồn nhìn cuộc đời, … và những con người cảnh…?

Tôi thích cách diễn xuất của các diễn viên trong phim. Các diễn viên trong phim diễn tốt, biểu cảm trọn vẹn tính cách cũng như tâm lý nhân vật. Tôi càm nhận được nỗi cô đơn, lạc lõng của họ qua ánh mắt, qua nụ cười. Tôi cảm nhận được sự khao khát yêu thương và được yêu thương trong đôi mắt của họ, những đôi mắt trầm buồn nhìn cuộc đời và thay đổi theo cuộc đời trong không gian trầm lặng của phim.

La Dolce Vita, với tôi không chỉ là một bộ phim mà là cảm xúc và những suy ngẫm. Và tôi chắc rằng phim có khuyết điểm với thời lượng 24 tập nhưng với tôi cảm xúc mà bộ phim này mang lại đã trọn vẹn, trọn vẹn cho những nỗi đau và hạnh phúc cuả môi nhân vật cũng như của tôi.

Categories: Korean dramas | Tags: , | 16 Comments

Tình cờ Personal Taste.

Có bao giờ bạn nghĩ tình cờ là định mệnh?

Đôi khi tôi thoáng nghĩ về định mệnh với những tình cờ và chợt cười.

Lúc đó tôi tự hỏi điều gì tạo nên định mệnh?

Và đến bây giờ vẫn đi tìm câu trả lời….

Những tập đầu tiên của Personal Taste đã mang lại cho tôi những cảm xúc nhẹ nhàng như thế….

cảm giác rưng rưng về những tình cờ run rủi cho hai con người gặp nhau…

cảm giác lâng lâng một chút khi tình yêu khẽ khàng rơi lặng lẽ vào không gian phim.

Một chàng trai lạc vào thế giới riêng của một cô gái. Vâng, Personal Taste kể một chàng trai như thế!

Jin-ho tình cờ lạc vào cuộc đời của Kae-in,

…lạc vào cuộc đời của một cô gái chưa thật sự trưởng thành cho đúng với số tuổi của mình.

Lạc vào thế giới đó để cảm nhận cuộc đời dưới một góc nhìn khác – đơn giản hơn nhưng cũng phức tạp hơn.


Cảm xúc đến rồi đi…

Ánh mắt chạm nhau tình cờ….

Giọng nói đụng nhau côm cốp…

Để những nỗi nhớ rung nhẹ như tiếng chuông gió va vào nhau tanh tách…

Hiểu lầm va vào nhau tạo thành những tình huống ngây ngô mà viết nên kỷ niệm.

Thế giới quan va vào nhau trong những cơn mưa nhẹ lắm và chậm lắm… thấm vào nhau qua từng làn giấy mỏng.

Rung động một chút thôi, một chút thôi và thành vô vàn chút khiến trái tim tập viết một chút một từng chữ cái trong một cái tên.

Yêu một người con gái có dễ không?

Hòa nhập vào thế giới đó khó không Jin-ho nhỉ?

Lời nói dối bắt đầu từ đâu? Con người ta nói dối như thế nào?


Tình cờ tạo nên những dấu ấn rõ nét trong sự cảm thông.

Cảm nhận một chút vụng về quá đỗi…

Cảm nhận một chút trẻ con hời hợt chưa kịp lớn trong suy nghĩ…

Và cảm nhận nỗi đau cũng như sự hoài vọng ngốc nghếch trong trái tim một cô gái.

Tình yêu vô tình động đậy và cất những bước đi chập chững trong con tim một chàng trai từ đó.

Cảm giác muốn bảo bọc cho một ai đó, muốn kéo cô gái ra xa những đau khổ do cô tự tạo trong sự mù quáng của bản thân.

Cảm giác ta lớn hơn khi yêu một ai đó…

Và cảm giác lâng lâng lo sợ khi yêu. Cảm giác bức rức không hiểu bản thân hằn lên trong ánh mắt.

Yêu hay không yêu? Biết trái tim yêu hay chỉ là lòng cảm thông?

Một chút xốn xang….

Liệu có điểm dừng nào cho ranh giới mỏng manh này không?

Personal Taste.


Nội dung PT như thế đấy. Nhẹ nhàng và lắng đọng một chút với những cảm xúc mông lung, với những giấc mơ bình thường trong cuộc đời tự dưng bất bình thường khi xuất hiện một người mới. Câu chuyện chỉ đơn giản viết về tình yêu và sự cảm thông lẫn rung động trong tình yêu. Tình yêu nhẹ mà thênh thang lắm.

Cô gái lớn lên thiếu tình thương nên tuy tinh ranh nhưng hời hợt, chàng trai giỏi giang đang khẳng định vị trí xã hội. Sự hiểu lầm kết hợp họ lại trong quá trình sống gần nhau. Những cảm xúc được viết lên từ những ngượng ngùng trong những tình huống nhạy cảm, sự quan tâm và cảm thông với những khó khăn của nhau. Khi bên nhau họ được bù đắp và cảm thấy lớn hơn một chút.

Họ gần hơn với những tranh cãi. Gần hơn nữa với những lúc ăn bỏng ngô chung, gần hơn nữa khi vô tình đụng chạm và chung giường (chỉ chung giường thôi 🙂 ). Họ gần nhau như hai người bạn, như hai tri kỉ khi vô tình hiểu những nỗi đau của nhau. Đi chung con đường khi bên nhau không cần giữ hình ảnh của bản thân nữa. Lại tình cờ hai con người ấy hiểu nhau hơn, đốt cháy giai đoạn ban đầu, đốt cháy những giấc mơ về hình ảnh của chàng hoàng tử và nàng công chúa trong trí tưởng tượng. Để khỏi hy vọng và thất vọng khi người mình yêu không như mình muốn.

Cô gái hời hợt quá cứ như trẻ con vậy nên chàng trai bỏ qua những lỗi lầm và hời hợt đó bằng lòng thương yêu chân thành. Yêu chân thành nên sợ làm đau cô gái ấy, sợ làm tổn thương đến niềm tin chân thành trong trái tim cô và lặng lẽ chấp nhận sự hiểu lầm. Và như thế mặc nhiên chấp nhận hiểu lầm khuya hướng giới tính của bản thân.  Chàng trai mặc kệ một chút hiểu lầm, rồi mặc kệ một chút nữa hiểu lầm ấy và bỏ lơ những sự rung động lẫn xốn xan theo bản tính đàn ông để hòa nhập vào thế giới nhỏ bé của cô gái có tấm lòng lương thiện. Giận vì cô gái không hiểu bản thân cần gì và phải làm gì theo ý của những người bình thường, giận vì cứ làm cuộc sống rắc rối với những việc không. Giận đấy rồi lại cảm thấy thương và rồi yêu cảm giác có ai đó để mắng, có ai đó để lên lớp, để có ai đó bảo bọc. Tình thương oe oe tiếng khóc rồi bi bô tiếng yêu nào ai cản được đâu!

Jin-ho và Kae-in.


Nói về cô gái. Cô chẳng nhận ra mình đã yêu. Cô không biết tình cảm của mình cũng như của chàng trai đâu. Vô tư lắm nên cứ nghĩ chàng trai như một người bạn thôi. Một người có thể bên mình để nhũng nhẽo, để ăn vạ một chút, để lợi dụng một chút xíu thôi mong vượt qua những khó khăn. Cô gái nhiều chuyện lắm, nhiều đến khi đáng ghét và vô duyên. Nhưng cũng đúng thôi vì cô chẳng giữ được ý gì cả, cứ thuận miệng là nói những ấn tượng của mình. Vì thế chẳng ai yêu cô thật lòng cả.

Trong cô gái, tình yêu đâu phải là rung động. Tình yêu cũng chẳng phải cảm giác run lên vì hạnh phúc và chia sẻ những nỗi đau. Tình yêu là niềm tin, là niềm tin để khóc và cười với những sắp đặt trong đầu để tìm sự bình yên mà tuổi thơ mong chờ. 29 tuổi rồi nên cô vấn biết mình đang đứng đâu chứ. Cô vấn biết mình cần gì chứ nhưng chẳng biết cách điều khiển để đi tới mục đích mong muốn mà dậm chân tại chỗ và chấp nhận số phận như thế. Yêu với cô là tin tưởng, tình yêu đối với cô như một đức tin vậy nên cô ngỡ ngàng khi biết nó thay đổi. Cô mặc nhiên tin tình yêu sẽ bên mình và chờ đợi điều cuối cùng là hôn nhân nhưng nó đã không đến và bàng hoàng. Cô biết giận và biết hờn nhưng cô cũng biết rõ tình cảm của mình nên không níu kéo. Chỉ có điều cô chưa kiềm chế được thói quen và suy nghĩ của mình nên vẫn còn vương vấn.

Cuộc đời đã ban tăng cô một niềm tin khác, một niềm tin vào người bạn, vào một chỗ dựa, là bờ vai cõng cô trên lưng mà không vụ lợi hay toan tính gì. Ờ thì cứ như vậy và cứ như thế cuộc đời trôi qua mà cô không điều khiển được và chấp nhận. Cô biết mình yêu điều gì và mất điều gì nên buồn đấy thôi rồi lại vui, vui rồi lại buồn trong chốc lát. Sự chân thành ẩn bên trong sự láo cá. Tình thương đáp trả lại tình thương. Và vô tình cô chẳng nhận ra bản thân đã yêu, đã thật sự  yêu và tin tưởng vào một chàng trai như thế.

Jin-ho và Kae-in.


Hai người sẽ quyết định như thế nào khi sự thật được tiết lộ. Khi tình yêu đơn phương của chàng trai quá sức chịu đựng và thôi thúc để được giải bày. Và khi cô gái đối diện với chọn lựa giữa trái tim và niềm tin?

Một số nhận xét về những tập đầu của phim.

Nội dung phim được chuyển thể từ tiểu thuyết PP và đang bám khá sát nguyên tác. Vì thế với giới hạn tuổi R19 thì phim đang đi theo hướng khá thực tế về tình yêu. Tôi không khuyến khích bạn nào nhỏ hơn 19 tuổi xem vì có một vài ngôn từ và cảnh quay nhạy cảm. Còn với khán giả trên 19 tuổi có lẽ sẽ thích hợp với nội dung phim hơn vì tính thực tế trong tình yêu này.

Khi xem phim này tôi chỉ chú ý đến nội dung đã đề cập trên nên không đặt nặng các vấn đề khác cho lắm. Tuy nhiên chỉ chú ý sơ thôi cũng đã phát hiện ra một cơ số điểm vô lý trong cách thể hiện các nút thắt của phim. Một vài tình tiết chưa thể thuyết phục những con mắt khó tính.  Tình tiết phòng tắm có khóa mà các nhân vật quên dùng để tạo nên những cảnh cười là một ví dụ điển hình nhất. Các nhân vật lãng trí hoặc quá thoáng trong cách sống chăng? Nội thất kiểu cổ nhưng vấn có khóa mà sao không dùng nhỉ? Nhưng tôi không bắt lỗi đó vì ý phim muốn thể hiện khía cạnh giới tính trong phim. Nhưng có một cảnh phim làm hơi quá. Mà cũng không quá lắm nếu xét về mục đích tác giả muốn hướng đến một cách vô tình hay cố ý nhưng cách thể hiện đi lệch hướng mất rồi. Đó chính là cảnh Jin-ho bóp chân cho Kae-in và tiếng rên của Kae-in. Nếu đạo diễn muốn tác động đó lên Jin-ho thì không cần phải có cảnh quay tiếng và người bị tách ra làm gì cả. Chính điều đó đã khiến cách thể hiện của phim mất điểm và khá rẻ tiền trong tình huống đấy!

Tạo hình nhân vật tốt.

Tạo hình các nhân vật khá tốt. Có lẽ do số tuổi chênh lệch giữa hai diễn viên nên Kae-in nhìn đứng hơn Jin-ho một chút tuy hai nhân vật bằng tuổi nhau. Ngoại trừ vấn đề đó thì tạo hình của các nhân vật ổn. Kae-in có tạo hình phù hợp với tính lôi thôi và cẩu thả, đôi khi ngờ nghệch. Tôi có ấn tượng tốt với tạo hình gần gũi của Kae-in với cách trang điểm nhẹ. Tạo hình Jin-ho cũng khá ổn nhưng do lối ăn mặc đó nên một số cảnh đi và chạy không được tự nhiên cho lắm.

Cùng đó diễn xuất của Son Ye-jin xứng đáng được tán thưởng với lối diễn nhẹ nhàng pha lẫn một chút ấn tượng không dễ thương trong tính cách nhân vật.  Nếu bạn nào đã xem Alone in love và Into the White Night thì có thể đưa ra so sánh về diễn xuất đa dạng của nữ diễn viên tài năng này. Trong vai này cô đã đơn giản hóa diễn xuất thành công và không nhiều diễn viên thực hiện được điều đó. Lee Min-ho diễn khá tròn vai. Tương tác giữa hai diễn viên thật sự vấn chưa tạo được ấn tượng với tôi cho lắm. Tuy nhiên có lẽ nhờ nhạc phim nhẹ nhàng và quay phim chấp nhận được nên những cảnh quay của hai nhân vật có phần sinh động hơn.

Cảm thông và rung động.


Nội dung phim có phần dài dòng ở tuyến phụ với các tình huống không thật sự cần thiết ở một bộ phim có chủ đề tình yêu như vậy. Trong bốn tập đầu của phim thì mỗi nửa tập đầu đều khá loãng vì lý do này khi đưa vào quá nhiều những tình tiết mâu thuẩn khác nhau. 20 tập (không phải 16 tập sao?) vẫn là một điểm yếu của phim Hàn trong phim này. Ngoài ra nội dung câu chuyện chủ yếu trong nhà ngoài phố nên không thích hợp với ai thích tìm hiểu những vấn đề mới ngoài xem tương tác giữa hai nhân vật chính.

Ngoài ra do đề cập đến chủ đề nhạy cảm nên ngôn từ của phim đôi chỗ chưa được tác giả tiết chế để trở nên cần thiết. Một số câu nói nhạy cảm về vấn đề giới tính khá thừa và đụng chạm đến quan điểm của khán giả về vấn đề giới tính thứ ba. Nếu bạn là khán giả có góc nhìn ủng hộ vấn đề giới tính thứ ba thì có thể đem lại một chút phiền lòng. Với tôi thì không sao cả vì tôi quan niệm phim chỉ nói lên một cách nhìn nhận thông thường của người Á Đông về vấn đề này mà thôi. Và vì thế nội dung chuyển tải của nó không tạo sự bực bội trong tôi. Vả chăng phim đề cập đến một anh chàng giả gay chứ không phải đề cập đến vấn đề giới tính thứ 3 một cách nghiêm túc nên vấn đề này được cho ra khỏi vùng lưu tâm và không chú trọng đến những phát biểu trong phim.

Categories: Korean dramas | Tags: , | 6 Comments

Create a free website or blog at WordPress.com.