Lục chỉ cầm ma 1994

Tôi không có khoái đồ cổ, đó là nói thật tâm, vì tất nhiên là tôi khoái giá trị hiện kim của đồ cổ ^^. Lý do thì bởi vì tôi thích tính hữu dụng của sự vật hơn tính trưng bày. Thế mà không hiểu là làm sao chỉ có phim cổ mới mang đến cho tôi cái thú ngồi ngây người xem phim được thôi. Phim mới à, nếu không phải là xem ở rạp vừa ngó vừa gặm bỏng ngô thì xem ở nhà có mà tôi vừa xem trong khi miệng thì bận ăn, mắt bận đọc, tai bận nghe hay tay chân mắc làm một cái gì đó kèm theo chứ đừng hòng mà tôi ngồi yên xem chăm chú. Bởi vì phim mới không thu hút đuợc tôi chìm trong nó, chìm trong cái tình thuần chân, đơn sơ, rốt roẻn và đầy trọng tâm của hệ thống tình tiết. Mấy ông bà trong phim mới hết ỏn qua ẻn lại chạm môi đá lưỡi thì cũng thỏn tha thỏn thẻn sờ qua soạng lại, đôi lúc xem khiến ngứa con mắt, ngứa lỗ tai chết được. Phim cũ thì rất khác, nó thu hút tôi như nam châm hút sắt vậy, dù rằng chất lượng hình ảnh của phim cũ nhòe nhoẹt, âm thanh thì lùng bùng. Thế mà tôi cứ ngồi chóc ngóc nhìn màn hình chẳng rời mắt được, dường như muốn thu cái ánh mắt diễn viên lại, muốn thu những câu thoại cụt lủn của họ lại trên khóe môi để rồi tơ tưởng đến những phim như lúc người ta tơ tưởng đến người yêu vậy. Khổ thân, xem phim cũ xong mắt đã mờ lại càng mờ hơn thế mà phải tàn nhẫn không tha cho nó, cứ thích hành con mắt và cái lỗ tai để được chìm vào ba cái chuyện tầm phào của phim ảnh, chìm vào những cảm xúc đơn phương của bản thân với điện ảnh.

Nói vu vơ để kể rằng hôm nay hơi rảnh rỗi một chút nên xem lại Lục chỉ cầm ma, bản phim có Lâm Thanh Hà đóng với Nguyên Bưu. Xem lại mới thấy phim dù đã được dựng từ rất lâu vẫn khơi được cảm xúc và ấn tượng của bản thân. Nào đâu cần những yếu tố hào nhoáng phủ đầu nhãn quan đâu, mấy kỹ xảo của phim vẫn cứ xanh xanh đỏ đỏ lập lòe nhìn thấy gớm, nhưng mà cảm xúc trong phim vẫn cứ mớm được tí men say vào một kẻ yêu kiếm hiệp như tôi. Xem lại cảm nhận phim thiếu thiếu một cái gì đó để mình say quắc cần câu bởi nó, nhưng vẫn cứ lơ tơ mơ chẳng định hình được, đúng là cảm giác lơ mơ lúc muốn say vậy, mãi một lúc sau mới tỉnh trí để nhận định được nó thiếu cái gì. Nếu tính Lục chỉ cầm ma là rượu thì với chừng đó tác động của nó đối với tôi cũng có thể nhận xét nó là rượu ngon, dù không phải là loại hảo hạng để đắm lòng vào vị tửu hậu của nó. Nhưng có hề gì, bởi với rượu thì yếu tố cần có của nó là phải khiến nguời uống say, đã say thì đã đủ để gọi nó có chất rồi, cái chất định danh để nó đuợc nhắc đến giữa muôn trùng loại rượu trên thế giới này.

Lục chỉ cầm ma là tác phẩm kiếm hiệp kỳ tình của Nghê Khuông, nhà văn nổi tiếng với Vệ Tư Lý hệ liệt trong dòng văn giả tưởng. Tôi chưa đọc truyện, chỉ xem hai phim dựng từ truyện này thôi, bản phim điện ảnh 1994 có Lâm Thanh Hà và Nguyên Bưu này và bản truyền hình 2004 có Ninh Tịnh và Trần Hạo Dân đóng chính. Và tất nhiên là tôi thích bản 1994 này hơn, bởi vì bản truyền hình với những tình tiết lồng ghép yêu đương vớ vẩn vào khiến câu chuyện bi kịch và trả thù trở nên lê thê lết thết. Tôi cực ghét ba cái truyện trả thù không lo trả thù, lo bận yêu đuơng vẩn và vẩn vơ rồi kéooooooo phim ra cho đủ sở hụi. Bản truyền hình đào đâu ra nhân vật của Ngô Kỳ Long rồi cho Ninh Tịnh và Ngô Kỳ Long sáo cầm song tấu gì đó mà tôi nhớ là thời đó khi xem tôi thấy nó rất là sến, mỗi cảnh yêu hay không yêu, hận hay không hận của hai anh chị này là tôi nhớ như in cái cảnh mình đi lấy vợt đập muỗi kêu tách tách để giải khuây cho đỡ buồn ngủ. Đó là cảm giác tôi nhớ nhất về bản truyền hình, xem mà tiếc gì đâu cho Ninh Tịnh, bởi tôi thích nét mạnh mẽ trong lối diễn của nữ diễn viên này, cũng bởi vì tôi thích cái vai Tuyết Mai lạnh lùng bá đạo trên con đường truy đòi mối thù máu do lòng tham của người đời mang đến cho gia đình cô.

Nhưng Lục chỉ cầm ma 1994 thì không như thế, bởi vì phim đi rất có trọng tâm, mở đầu nhanh, gọn, diễn tiến mạch lạc, chớp nhoáng chỉ trong khoảng 90 phút nhưng miêu tả rõ ràng câu chuyện và cảm xúc của nhân vật, thêm vào đó vẫn không quên pha những yếu tố hài hước cà chớn mang đậm bản sắc Hồng Kông vào để gia giảm không khí nặng nề của mối huyết hải thâm thù tang tóc ở đầu phim. Với Lục chỉ cầm ma 1994, trả thù là trả thù cho tận cùng, thân tình là thân tình cho trọn nghĩa, không cố sâu sắc hóa hay tâm lý hóa gì nhiều về nhân vật, họ biết nhanh hiểu gọn, đánh thẳng đập mạnh không khoan nhượng. Ai hơi đâu rảnh mà xem mấy anh chị vờn qua vờn lại yêu đương linh tinh rồi khóc lóc búa lùa xua giữa nghĩa với chả tình khi cha em giết cha anh nhưng anh thì vẫn cứ yêu em quên trời đất. Vì vậy dầu phim rất ngắn, nhưng Lục chỉ cầm ma vẫn đủ đầy trong khán giả, có lẽ một phần do Lâm Thanh Hà đã quá xuất sắc để chỉ xuất hiện rổt roẻn nhưng lại tạo nên thần thái choáng ngợp với hình ảnh một Thiên ma cầm nữ bị hận thù bủa vây nên lạnh lùng và tàn nhẫn đến cực độ, nhưng lại vẫn yếu đuối và mong manh khi nghĩ đến tình thân bằng những ánh mắt với khí chất mê hồn. Cái yếu điểm về nội tâm của nhân vật Tuyết Mai do thời lượng quá ngắn nên không tả được thì lại được diễn xuất rực lửa của Lâm Thanh Hà át vía nên đúng ra là thiếu nhưng hoàn toàn có thể châm chước để thưởng thức trọn vẹn một câu chuyện viết về tình thân giữa bạo liệt cảm xúc, giữa những quy luật nhân quả và giữa luật công bằng do chính con người sắp xếp để tạo nên số phận. Phim không miêu tả quá sâu vào mối quan hệ nào, bức tranh toàn cảnh của phim phơn phớt nhưng lại đầy đặn giữa những khuông nhạc réo rắt pha bên thanh thoát để miêu tả lại tiếng đàn Thiên Ma Cầm đối lập những cảm xúc khiến khán giả mộng mị giữa không gian giang hồ. Một phim súc tích nhưng có khả năng tạo nên những điểm rơi cảm xúc mênh mang…

Categories: Chinese movies | Tags: , , , | 2 Comments

Post navigation

2 thoughts on “Lục chỉ cầm ma 1994

  1. ” đi rất có trọng tâm, mở đầu nhanh, gọn, diễn tiến mạch lạc, chớp nhoáng” mình thích câu này. ^^
    Mặc dù mới xem lần đầu tiên Lục chỉ cầm ma nhưng cơ bản vẫn nắm được cốt truyện.
    Xem các phim khác thường mình chỉ nhớ mở đầu và kết thúc thôi ^^~
    Phim này thì ngược lại, nội dung phim dễ đi vào lòng người, không hoa hòe phô trương.
    Đồ cổ nhiều khi đúng là dùng tốt hơn đồ thật. Cũng như phim Tây Du Kí 1986 của Dương Khiết, kĩ xảo so với phim bây giờ thì khỏi bàn ^^ vì quá tệ, nhưng mà xem thì vẫn chỉ có mỗi bản 1986 là tuyệt nhất. Tây Du Kí 1986 ngày xưa khi quay thiếu thốn đủ bề, kinh phí không đủ, quá trình quay cũng gặp bao nhiêu là khó khăn, thế mà vẫn thành tác phẩm để đời. Còn những bản Tây Du Kí sau này, dù diễn viên đẹp đến đâu, kĩ xảo hay đén đâu thì vẫn không thể so với bản 1986 đã đi sâu vào lòng khán giả.
    Phim ngày xưa hay ở cái tâm của người diễn xuất. Như Lâm Thanh Hà ở phim này, diễn xuất quá tuyệt, mang trong người huyết hải thâm thù nên giết người tàn khốc nhưng cũng tràn ngập tình thương với em trai của chính mình, vẫn yêu thương nó dù nó có không chịu nhận mình là chị.

    Phim cũng không mang nặng tính thương mại như những bộ phim ngày nay, không làm khán giả phải phí thời giản coi mấy cạnh yêu đương nhảm nhí.
    Ờm ^^ không có yêu đương nhăng nhít, một điều khá hiếm hoi ở các bộ phim ngày nay. Phim kết thúc mở, không để lại niềm đau sâu sắc cho ai. Không ép buộc chàng trai phải sống chết yêu để tự của kẻ thù, chỉ quay lại nhìn, sau này thì chuyện gì xảy ra thì ai biết =)) (mình chưa đọc truyện). Cô chị thì cũng chả có mối tình khắc cốt ghi tâm nào đến độ phải xuất gia đi tu vì người yêu chết như bản 2004. Một kết thúc mở không bi thương để khán giả tự do suy diễn cho riêng mình đoạn kết hay nhất. th

    Nói thêm một chút, có phải chăng chính âm nhạc thuần chất đã làm nên thành công cho những bộ phim ngày xưa như Tây Du Kí và Lục Chỉ Cầm Ma hay không? Nhạc phim phải nói là rất tuyệt!

    Thân!

  2. Nguyen Giang

    Phim này mình coi phải 10 lần rồi ấy. Coi hoài vẫn thấy hay. Cô Lâm Thanh Hà đóng chỉ cần nhìn thần thái thôi là thấy đã rồi.

Leave a comment

Blog at WordPress.com.