Posts Tagged With: 7

Love 911 – Người cà chớn tình lại cà chớn hơn

Thú thật là sau khi xem nhiều movies Hàn dạo này, tôi chẳng thấy phim nó có chút gì mới mẻ. Không phải kiểu khóc tèm lem melodrama thì cũng kiểu phim phong cách cá nhân lên đồng hay cười xoèn xoẹt rom-com , theo cách nhìn của tôi là hài dơ, nói thẳng mất lòng thì chịu, thì cũng có một cái phim Hàn ổn ổn khiến tôi thích thú, và thấy được rằng tụi làm phim xứ Hàn không phải toàn hạng tèm lem xoèn xoẹt lên đồng như trên.

Nói 911 hay thì cũng chưa hẳn, nó không thuyết phục tôi đánh giá là hay. Nhưng Love 911 hoàn toàn là một phim xem được bởi vì nó là một phim biết lượng sức mình, và biết hòa nhịp với hiện đại thay vì ngập trong đống phong cách melodrama, romcom, phá cách bổn ác đã quá cũ kỹ ở xứ Hàn. Phim mang chút vẻ phớt đời, bụi bụi khi viết về những con người sống ờ thì cứ là sống, suy nghĩ nhiều làm gì cho mất công.

Nam nhân vật chính, lính cứu hỏa, tao sống bất cần kệ tao, tao thích làm anh hùng kệ tao, đời tao cho chó gặm cũng kệ tao. Tao cứ sống vì tao thích sống như thế, vì chưa quên được vợ đã chết thì tao nhớ. Tao cũng chẳng cần tâm sự với đứa nào tất, sống thì cứ sống, chưa chết là được, mà có chết thì coi như là hết.

Nữ chính, bác sĩ, bà đây thông minh từ bé, bà tinh lắm nên đừng có mà ăn hiếp bà, bà làm việc gì mà thấy đúng, và bà ứng xử kiểu gì mà bà không bị tổn hại. Bà cứ sống trên sự thông minh đó, nói láo cho vui, chả chết ai. Đoán việc kèm chẩn bệnh tinh như thần, cùng lắm chết não một bà bệnh nhân. Và bà nhào vào giải quyết sai lầm đơn giản đó theo cách bà nghĩ là tốt nhất, dù có xài chiêu thủ đoạn tí thì cũng mặc, chả nhiễu tí nào hòa bình thế giới, miễn bà không thiệt, hoặc thiệt ít hơn thì cứ biết vậy mà làm vậy.
Continue reading

Categories: Korean movies | Tags: , , , | 52 Comments

Tây du ký 2013 – Nơi ký ức nép vào bờ mắt bình yên

Gần 20 năm sau Đại thoại Tây du, Châu Tinh Trì đã trở lại với Tây du ký bằng một bản tình ca ngoại truyện. Và anh đã trở lại, cũng chính bằng làn hơi ký ức, thứ mà 18 năm trước đã đưa Đại thoại Tây du xuyên vào lòng khán giả in hằn những nhớ nhung.

So sánh với Đại thoại Tây du là điều dễ hiểu, bởi vì có thể xem Tây du ngoại truyện là sự cách tân của Châu Tinh Trì trên nghiệp điện ảnh của anh, khi mà anh thoái lui màn ảnh để đứng sau máy quay lặng lẽ, nhường những khuôn ảnh lại cho thế hệ sau đi vào lòng khán giả. Tuổi già luôn là những vết chân chim để khiến cho người ta biết rằng đôi khi không cần xuất hiện cũng là đủ để gợi lại vấn vương.
Continue reading

Categories: Chinese movies | Tags: , , | 16 Comments

Nhất đại tông sư – Khi tình yêu không thể cứu rỗi số phận

Số phận không hẳn chỉ dành để nói về đời người!

Như tôi đã khẳng định Vương Gia Vệ làm phim xã hội đen aka giang hồ dở, Nhất đại tông sư mảng giang hồ không thoát khỏi nhận định quả tạ đó, quả là dở thật, chẳng có cái gì gọi là đáng để bình luận cả. Bởi với cách kể chuyện như tiểu sử, nhưng lại không “thay đổi” cuộc đời Diệp Vấn của Vương Gia Vệ thì rất khó để dựng nên một bản phim hay-về Diệp Vấn. Có cái gì đâu mà viết, bởi vì cuộc đời Diệp Vấn tính ra cũng trọn vẹn rồi, nên chẳng có tính điện ảnh để những thước phim thăng hoa. Vương Gia Vệ, đạo diễn già nghề nhưng lại vơ vào một cốt truyện khó có thể tạo nên chất điện ảnh nên vì thế anh lại phải mất công đi tìm tính điện ảnh mà anh mê mẩn bởi cuộc đời của một nhân vật mà anh có thể thỏa sức tưởng tượng, thế nên Chương Tử Di có số hên, được hẳn Lương Triều Vỹ làm nền cho vai diễn của cô, nhân vật Cung Nhị của cô là nhân vật có sức nặng nhất của phim.

Thôi thì ta tính cuộc đời Diệp Vấn trong Nhất đại tông sư đẹp bởi vì ký ức về tình cảm dở dang với Cung Nhị – một cao thủ mang nặng nợ giang hồ, người con gái tài hoa đi ngang qua và nép lại bên lề con tim Diệp Vấn khi vị tông sư lang bạt giang hồ. Đôi lúc cuộc đời đẹp được hình dung bằng ký ức, tôi nghĩ có lẽ ý tưởng của dạo diễn họ Vương là như thế, bởi vì ký ức tạo nên màn sương khiến cảm xúc ẩn nấp vào lòng nó, rồi khi nào đó sẽ trở thành hoài niệm vương màu dĩ vãng, đặc biệt khi đó là ký ức về cuộc đời của một người con gái đã dành cả tuổi hoa niên thương nhớ về một chiếc bóng đàn ông. Tình yêu của họ vương chút nuối tiếc bởi vì số phận đã chẳng thể bên nhau, một tình yêu muộn màng nên để lỡ nhịp hai trái tim sóng đôi.
Continue reading

Categories: Wong Kar-Wai | Tags: , | 9 Comments

Lục chỉ cầm ma 1994

Tôi không có khoái đồ cổ, đó là nói thật tâm, vì tất nhiên là tôi khoái giá trị hiện kim của đồ cổ ^^. Lý do thì bởi vì tôi thích tính hữu dụng của sự vật hơn tính trưng bày. Thế mà không hiểu là làm sao chỉ có phim cổ mới mang đến cho tôi cái thú ngồi ngây người xem phim được thôi. Phim mới à, nếu không phải là xem ở rạp vừa ngó vừa gặm bỏng ngô thì xem ở nhà có mà tôi vừa xem trong khi miệng thì bận ăn, mắt bận đọc, tai bận nghe hay tay chân mắc làm một cái gì đó kèm theo chứ đừng hòng mà tôi ngồi yên xem chăm chú. Bởi vì phim mới không thu hút đuợc tôi chìm trong nó, chìm trong cái tình thuần chân, đơn sơ, rốt roẻn và đầy trọng tâm của hệ thống tình tiết. Mấy ông bà trong phim mới hết ỏn qua ẻn lại chạm môi đá lưỡi thì cũng thỏn tha thỏn thẻn sờ qua soạng lại, đôi lúc xem khiến ngứa con mắt, ngứa lỗ tai chết được. Phim cũ thì rất khác, nó thu hút tôi như nam châm hút sắt vậy, dù rằng chất lượng hình ảnh của phim cũ nhòe nhoẹt, âm thanh thì lùng bùng. Thế mà tôi cứ ngồi chóc ngóc nhìn màn hình chẳng rời mắt được, dường như muốn thu cái ánh mắt diễn viên lại, muốn thu những câu thoại cụt lủn của họ lại trên khóe môi để rồi tơ tưởng đến những phim như lúc người ta tơ tưởng đến người yêu vậy. Khổ thân, xem phim cũ xong mắt đã mờ lại càng mờ hơn thế mà phải tàn nhẫn không tha cho nó, cứ thích hành con mắt và cái lỗ tai để được chìm vào ba cái chuyện tầm phào của phim ảnh, chìm vào những cảm xúc đơn phương của bản thân với điện ảnh.

Nói vu vơ để kể rằng hôm nay hơi rảnh rỗi một chút nên xem lại Lục chỉ cầm ma, bản phim có Lâm Thanh Hà đóng với Nguyên Bưu. Xem lại mới thấy phim dù đã được dựng từ rất lâu vẫn khơi được cảm xúc và ấn tượng của bản thân. Nào đâu cần những yếu tố hào nhoáng phủ đầu nhãn quan đâu, mấy kỹ xảo của phim vẫn cứ xanh xanh đỏ đỏ lập lòe nhìn thấy gớm, nhưng mà cảm xúc trong phim vẫn cứ mớm được tí men say vào một kẻ yêu kiếm hiệp như tôi. Xem lại cảm nhận phim thiếu thiếu một cái gì đó để mình say quắc cần câu bởi nó, nhưng vẫn cứ lơ tơ mơ chẳng định hình được, đúng là cảm giác lơ mơ lúc muốn say vậy, mãi một lúc sau mới tỉnh trí để nhận định được nó thiếu cái gì. Nếu tính Lục chỉ cầm ma là rượu thì với chừng đó tác động của nó đối với tôi cũng có thể nhận xét nó là rượu ngon, dù không phải là loại hảo hạng để đắm lòng vào vị tửu hậu của nó. Nhưng có hề gì, bởi với rượu thì yếu tố cần có của nó là phải khiến nguời uống say, đã say thì đã đủ để gọi nó có chất rồi, cái chất định danh để nó đuợc nhắc đến giữa muôn trùng loại rượu trên thế giới này.
Continue reading

Categories: Chinese movies | Tags: , , , | 2 Comments

Monga – Phố đèn đỏ cũ, tình giang hồ xưa

Monga (Mãnh Giá xưa, Vạn Hoa ngày nay) là khu phố cổ nhất xứ Đài Bắc, là nơi hội tụ nhiều nhất bản sắc của một Đài Bắc cổ, cũng như là nơi tồn dư nhiều hủ tính thời quá vãng còn lưu đến ngày nay. Trên khu đất ấy là nơi khai sinh lập địa nên địa bàn làm ăn sầm uất. Vì thế nó là nơi mà những thế lực đảng phái cát cứ để án ngữ nên những lãnh địa riêng. Và phim được dựng lên từ những dữ liệu lịch sử ấy, để tạo nên những thước phim in lên một thời tuổi trẻ của những Người trong giang hồ.

Giang hồ là cái gọi mà bây giờ thường được nói tếu táo như yếu tố hài khoa trương nghiêng về kiếm hiệp nhiều hơn là ý nghĩa mà hai từ này miêu tả. Giang hồ ngày xưa khác, nó là một yếu tố thực đến tàn nhẫn, và đến rợn người. Người trong giang hồ-với ngày xưa vì thế cũng chẳng phải là một câu nói chơi cho vui của bọn nhóc hỉ mũi chưa sạch ngày nay. Ngày xưa, khi mà xã hội vẫn còn sự phân biệt ngặt nghèo cái xuất thân thì một khi thân phận đã nhuốm màu giang hồ sẽ chẳng dễ gì quẩy gánh lặng lặng quên đi nó. Và ngày xưa cho đến ngày nay, nếu là giang hồ thực sự thì chúng ta đều biết một khi đã sa chân vô sẽ khó mà rút chân về. Vì thế, giang hồ thường gắn liền với định mệnh, với những dèm pha của thế thái tình đời, và với những bi kịch của những mảnh đời đã trót tự do phiêu lưu vào mảnh đất bị gông cùm bởi luật-giang-hồ.

Phim Monga 2010 được dựng trên cơ sở định mệnh ấy, cái định mệnh giang hồ gắn chặt với cuộc đời những chàng thanh niên đã chọn bước đi trên con đường không bình yên trong những năm 80 của thế kỷ trước. Bởi con đường ấy được nhuộm bởi máu giang hồ nhuốm màu tranh giành và hận thù tung hoành trong những âm mưu lẫn thủ đoạn thâm hiểm nhất.
Continue reading

Categories: Chinese movies | Tags: , , | 19 Comments

Needing you – Khi bắt đầu yêu

Phim này anh Lưu Đức Hòa với chị Trịnh Tú Văn đóng chính, nhìn tên hai anh chị thôi là đã thấy phim hài hợp gu thị trường rồi đó, đảm bảo không khó xem. Nhưng được cái phim này do anh Đỗ Kỳ Phong đạo diễn nên gu hài thị trường không bị sến như movie tình cảm của tụi Hàn xẻng với Trung cộng đâu, kết cấu phim sáng tạo hơn hẳn nên xem thú vị, cũng không quá “tào lao” như một số phim hài “cúng” năm mới của Hồng Kông mà có được “thế” cân bằng giữa sáng tạo, ngẫu hứng và cảm xúc tươi vui cũng như suy tư về tình yêu.

Trước đây tôi từng nói trong bài review Đơn thân nam nữ về phong cách dựng của anh Đỗ Kỳ Phong là lạnh lùng pha chút sự lãng mạn “trần trụi” của cuộc đời (thật ra chữ trần trụi mới thêm vào ^^) nên sẽ rất khó xem cho những khán giả ưa mùi mẫn, mà mùi mẫn điển hình là ba cái phim Hàn xẻng và Tung Của sến trần ai bi đát xem ngán kinh hồn ông địa bây giờ đấy, bạn đọc thông cảm, phải đá đểu thế giới sến súa tôi mới chịu được chứ cứ nghĩ đến công thức cứ hễ phim tình cảm là tụi đấy phang ba cái vụ chung tình với ôm ấp nhau vào là quả thật không ngậm miệng được. Trở lại với Needing you, phong cách lành lạnh và gãy gọn của anh Đỗ Kỳ Phong trong phim này tạo nên những chuỗi tình tiết thú vị này đến thú vị khác, nhưng rất chi là tài là vẫn kết hợp được cảm xúc để tâm một chút, rung động từng chút và đặc biệt là vẫn tưng tửng với nhau. Nói một cách dân dã thì phong cách nhân vật của anh Đỗ trong phim này rất cà chớn, mà cà chớn một cách sảng khoái và biết giới hạn nên tôi thích, bởi tôi quan niệm trên đời này ai cũng cà chớn, chỉ là mức độ khác nhau và người ta thể hiện khác nhau 🙂 .
Continue reading

Categories: Chinese movies | Tags: , , , | 1 Comment

Broken Flowers : Thinh lặng … tàn phai

Tuổi trẻ dường như chưa bao giờ hết nội dung để các nhà làm phim trên thế giới này khai thác. Họ khai thác trực tiếp thỏa thê mà cũng không thỏa nữa thì họ chuyển qua qua miêu tả bằng cách gián tiếp – thông qua nỗi nhớ về thời hoa mộng đấy, cái ký ức mà mỗi con người chúng ta đều mang theo để vỗ về những trống trãi tự cõi lòng khi có tuổi.

Nỗi nhớ rất ngộ nha, nó bình thường chả là cái đinh gì, bỏ phéng qua một bên để đi kiếm tiền chả thấy mất mát gram mỡ thừa nào , thế mà lâu lâu nỗi nhớ sợ chủ nhân quên nên nó rung lên vài cơn chấn động nho nhỏ nhắc nhớ chủ nhân rằng à, nó vẫn còn tồn tại á nha, lo mà vỗ về đi chứ không nó điên lên nó gây vài trận động đất cho biết thế nào là nhớ nhung. Đấy, khi mà chúng ta quay quắt mong mỏi về một cái gì đó đến độ quên ăn, quên việc chính là lúc nỗi nhớ phun trào dung nham sau những giấc ngủ dài chìm sâu vào lãng quên.

Đời người, đa phần thời gian suy nghĩ là người ta dùng để nhớ, nhớ về lúc nãy, nhớ ngày hôm qua, nhớ tháng trước, rồi nhớ năm xưa, nhớ cái thời xa xăm đã trôi vào thời gian để trở thành quá vãng.

“Đời người” cũng đa phần là để nhớ về “đời người”, nhớ về người con trai hôm nọ, nhớ về người con gái hôm bữa, nhớ về nụ hôn rung động đặt trên môi ai đó, nhớ ánh mắt tha thướt ai đó nhìn ngắm mình như mình là trung tâm của vũ trụ vậy. Người ta nói nỗi nhớ là hạnh phúc đó mấy bạn, mà tôi thấy thật chính xác, được nhớ đã là hạnh phúc, vì cuộc đời chúng ta chẳng hề vô nghĩa dù đôi khi chúng ta hành động rất vô nghĩa, như yêu đương chẳng hạn. Tình yêu bản thân của nó không phải là ý nghĩa, nó chỉ là con đường để tạo nên cảm xúc cho cuộc sống mà thôi.

Với ý nghĩ ấy, tôi không phải là kẻ tôn sùng tình yêu, nhưng tôi là một kẻ yêu tình yêu, yêu sự ương bướng của vật thể hư không ấy, yêu vẻ mong manh khi nó đứng trước những cơn bão của thời gian. Yêu sự lộng lẫy cũng như lúc úa tàn của chuỗi cảm xúc được người đời định nghĩa bằng hai chữ tình + yêu. Yêu cánh hoa lúc rực rỡ nhất. Nhưng cũng yêu lúc cánh hoa tàn tạ vương lại những khoảnh khắc rực rỡ, bởi ta biết đời đâu có vẻ đẹp nào vĩnh cửu, chẳng phải càng đẹp càng chóng tàn hay sao? Chỉ có nỗi nhớ ẩn mình vào hư không mới có thể chống đỡ trước gió bụi thời gian, để rồi vĩnh viễn vương vấn lại chút phong sương của cảm xúc – thứ vẫn hiển nhiên dần trôi đều đặn vào cái gọi là hiện tại của ta.

Continue reading

Categories: English movies | Tags: , , , , | 2 Comments

Hangover 1- Vết tích chơi ngông

Phim này thì không ngọt ngào xốn xang mấy đâu, nhưng vui đáo để nên vẫn bỏ vào Sweet Sundays, chắc bởi vì nó tạo được dư vị ngọt ngào của niềm vui.

Chuyện phim kể về cuộc chơi ngông của mấy chàng trai để từ biệt cuộc sống độc thân. Nội dung câu chuyện cũng không có gì thú vị nhiều, nội câu trên đã đủ để khán giả hình dung sự trác táng của mấy cậu chàng khi giã biệt đời trai rồi, nhưng thú vị ở cách kể chuyện tếu táo, cách kể hậu quả “họa vô đơn chí” để bốn chàng thanh niên ấy tìm hiểu mình đã ăn chơi như thế nào mà dẫn đến cơ sự lạ lùng, chẳng thể hiểu nổi họ đã đi đâu về đâu. Hậu quả buổi ăn chơi ấy tan nát như thế này: sau đêm ăn chơi thì phòng khách sạn VIP chứa một đứa nhỏ khóc oe oe và một con cọp cái gầm gừ, chú rễ tương lai mất tích biệt tăm, chỉ còn lại một anh chàng nha sĩ bị gãy răng, chàng đần đi long nhong và một anh chàng hào hoa với chiếc xe cảnh sát bon bon mà thôi. Chính từ đó họ bắt đầu hành trình tìm lại chú rể mất tích và lần ra từng đầu mối trong cái đêm “oan nghiệt” ấy, rồi dẫn đến vô số tình huống gây cười duyên dáng theo luật “nhân-quả”. Họ phải trả giá cho hành động ăn chơi trong đêm quên trời quên đất như thế, chịu “hậu quả” vì “hậu quả” mà họ đã gây nên.
Continue reading

Categories: English movies | Tags: , | 3 Comments

Create a free website or blog at WordPress.com.