Posts Tagged With: ★★★★★

Đào hoa truyền kỳ – Kỷ niệm lãng du

Sở Lưu Hương thì nổi tiếng rồi, gần như là nhân vật được yêu thích nhất trong loạt truyện của Cổ Long. Và không nằm ngoài trong làn sóng yêu thích ấy, tôi cũng khoái nhân vật Sở Lưu Hương. Tôi thích cái gã được Cổ Long tô vẽ để tạo nên hư ảnh chấn danh thiên hạ, thích tính phong lưu đẹp đẽ mà gã nặng mang. Tưởng tượng thì không nên có giới hạn, thế là Cổ Long tưởng tượng để vẽ nên một Sở Lưu Hương rất đẹp, đẹp đến ngoạn mục từ hình ảnh đến tính cách. Cái cách Cổ Long cách tân tính cách của nhân vật võ hiệp truyền thống đã tạo nên khí chất tượng trưng đắc địa cho những nhân vật của ông đi vào lòng khán giả – theo một cách tinh giản nhất, họ bay cái vèo vào thẳng tim độc giả luôn chứ không có dò dẫm từng bước làm chi mất công. Độc giả nào đã không thích thì ngay từ đầu sẽ chẳng thích, nhưng độc giả nào đã mê thì cứ chết chìm với chất lãng tử của mấy gã đó thôi.

Vẻ đẹp của các nhân vật trong truyện Cổ Long luôn tạo cảm giác mông lung cho người xem.
Chúng sừng sững là vậy, nhưng cứ thấy thấp thoáng.
Chúng vững trãi đấy, nhưng trông cứ cheo leo.

Họ đẹp không phải vì họ đẹp.
Họ đẹp bởi vì họ chả đẹp, thế nó mới đau.
Chính xác, họ đẹp vì họ hư, thế nó mới sầu.

Đấy, họ đẹp không phải vì họ thực nhé, mà họ đẹp vì họ phi thực, chẳng có cái thân thế, công phu và tính cách chi chi gần gần để thấy thực cả, ngoại trừ cảm xúc. Vâng, cái liên hệ tốt nhất đối với các nhân vật trong truyện Cổ Long là cảm xúc, chỉ là cảm xúc, chứ không phải là một cái gì căn cơ triết lý giải thích lòng vòng. Mà cảm xúc thì vô chừng, rất chi là cảm tính nên người mê thì đã mê là quên lối về, người không mê thì đứng ở ngoài chửi người mê là bị lú. Ờ thì lú vì yêu cũng đáng mà, ai khi yêu chả lú lẩn, chứ cứ “tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát” thì làm quái gì gọi là yêu được, chỉ là hợp tác yêu đương thôi. “Yêu” rất trừu tượng, càng trừu tượng thì lại càng đẹp, cái đẹp trừu tượng thì rất khó định giá, vì giá nó ở … trên trời. Vì vậy theo tam đoạn luận, tin tôi đi, cái trừu tượng … vô giá. Hãy nắm ngay lấy vẻ đẹp vô giá của tình yêu, nếu có thể :).

Continue reading

Categories: Books, Chinese dramas | Tags: , , , | 6 Comments

Đa tình kiếm khách vô tình kiếm – Hoài niệm một chiều mưa bay

Tôi không bàn về Đa Tình Kiếm Khách Vô Tình Kiếm, tôi chỉ cảm khái vài dòng về tình yêu Lý Tầm Hoan trong truyện mà thôi.

Đọc truyện Cổ Long cần sự trãi nghiệm tương đối, ở cả tính chất giang hồ của những con người sống không cần ngày mai, và cả ở kinh nghiệm tình trường lừng khừng và thấp thỏm. Bạn cần yêu đương phóng khoáng một chút, cần lâu lâu phóng đãng một chút để cảm nhận chất say trong văn phong và nội hàm câu chuyện. Bởi truyện của Cổ Long là những câu chuyện về những người say đi trong cuộc đời. Họ là chính họ, không hoàn mỹ để tự tạo cho mình một kết cục viên mãn, họ say một thứ men rượu đậm mùi đời, nồng cay và ngờn ngợn cổ họng khi sống và yêu. Họ mang nặng tâm tư của những con người chưa được toạị nguyện, nhưng chấp nhận chứ ít cưỡng cầu. Họ chẳng phải là lý tưởng, mà là hiện thực của những tuổi trẻ dang dở.

Tôi là kẻ khá tuyệt đối trong tình yêu, đối với tôi yêu không cần phải đắm đuối và nồng nàn êm ấm. Yêu đối với tôi là một niềm tin còn khả năng phát triển, khi mà niềm tin đó tụt dốc – dù với bất cứ lý do gì thì nó đã tan thành tro tàn, ta chỉ nên giữ những cảm xúc đã kết tinh làm hơi ấm kỷ niệm – trước khi nó bị bôi đen bằng những nhập nhằng và lôi thôi. Thế nên tôi hiểu Lý Tầm Hoan và Lâm Thi Âm đôi phần. Tôi hiểu vì sao anh ta phải khổ vậy trên đường tình, khi chắp nối mối duyên cho Lâm Thi Âm và Long Tiêu Vân để rồi cả ba cuộc đời là những mớ lộn xộn vấn vương. Tôi hiểu vì sao cô ấy lại muốn lặng im để thời gian trôi đi. Bởi vì anh ấy và cô ấy là những kẻ tuyệt đối trong tình yêu, những kẻ để tình yêu-đích thực tìm đến mình thay vì đi tìm kiếm và khư khư giữ gìn những cảm nhận ngỡ là tình yêu.
Continue reading

Categories: Books, Chinese dramas | Tags: , , | 11 Comments

And then there were none

And then there were none, hay còn được gọi là Ten little niggers (Mười người da đen nhỏ), là một trong những tiểu thuyết trinh thám xuất sắc nhất của nữ nhà văn Agatha Christie. Cuốn tiểu thuyết khiến nhiều người đọc ngỡ ngàng về tài năng của một nữ nhà văn khi đẩy mọi việc đến cực đỉnh của mọi vấn đề, cái đỉnh điểm của sự hủy diệt, của công bằng và của niềm tin. And then there were none thể hiện được bản lĩnh bậc thầy của Agatha Christie trong việc phân tích tâm lý con người với công cuộc vờn khán giả trong ma trận tâm lý đầy sáng tạo mà bà vẽ nên, trông thì nghuệch ngoạc – nhưng vô cùng tinh tế.

Câu chuyện kể về một chuỗi án mạng trên hòn đảo cô lập, chính xác hơn là kể về một âm mưu đòi lại một thứ đã từng đánh mất, thứ tưởng trong tầm tay nhưng lại không thể có được, nên người ta khao khát, người ta cuồng nộ quyết tâm đi tìm. Hung thủ là một người có thủ đoạn trên cả hiểm hóc, có tâm địa và cơ trí thuộc hàng cao thủ để giật dây những con rối vô hình đi trong mê trận tâm lý – như những mạng nhện giăng. Hung thủ giăng sẵn một hệ thống tử huyệt để đưa đẩy con mồi tự đào mồ chôn mình, những vũng bùn tử huyệt để con mồi lún sâu và mất hút như chính cách họ đã mất dấu ở những thời điểm trong cuộc đời họ trước kia.

Continue reading

Categories: Agatha Christie | Tags: , , | 7 Comments

JIN – Lãng du cùng thời gian

Ở thời này, nhạc thì phải xập xình, phim ảnh thì phải khoa trương. Chỉ cần khán giả hắt hơi xổ mũi một tí thôi là các nhà sản xuất rượt theo thị hiếu lau nước mũi muốn đứt hơi. Phim phỏng là phải có anh kia đẹp trai, chị kia đẹp gái hôn hôn hít hít cho cân môi xứng lưỡi, để vừa lòng để khán giả mơ mộng, hay phải có anh hùng bắn súng đòi công lý, giết chết cái hạng tham nhũng đè dân đen vào nợ vào nần để người ta khoan khoái hy vọng mà sống tiếp.

Không có ai có quyền trách cứ, chứ đừng nói là lên lớp dạy đời nhu cầu giải trí đó, vì đời ai cũng bình đẳng nên nhu cầu giải trí cũng chẳng cần phân cấp sang hèn, cũng cùng một loại mua vui để thư giãn sau ngày làm việc mệt nhọc mà thôi. Người ta đầu tất mặt tối đối diện với cơm áo gạo tiền, với người yêu hay tay chồng lười nhác đêu đểu xem Euro suốt ngày bắt hầu hạ và khoắn đồ đi cúng nhà cái thì thời gian đâu mà ngồi xem phim cho nặng đầu. Văn hóa mỗi thời đều thể hiện trực diện nhất hiện thực xã hội, như bao đời nay vẫn vậy. Ca dao tục ngữ ngày xưa cũng là dạng văn hóa bình dân để người ta mơ người ta mộng, người ta tán tỉnh thề hẹn nhau, Hồng Lâu Mộng trứ danh cũng diễm tình như bao tác phẩm ngôn tình ngày nay đấy, Romeo & Juliet cũng bi thương như bao tác phẩm bi lụy ngày này đó mà, chỉ là gắn bó với nhu cầu giải trí qua thời gian, lưu lại lên lão làng giờ thành kinh điển rồi bao người suy tôn thôi.

Nhưng nếu ai đó thảnh thơi đầu óc một chút thì cũng nhìn ngang liếc dọc để tìm kiếm chút thi thơ, hay hơn nữa là chút trừu tượng của cái gọi là nghệ thuật, đỉnh của văn hóa. Không hẳn đầu óc lúc nào cũng thảnh thơi mới thưởng thức được nghệ thuật, chỉ cần lâu lâu để đầu óc thoát ra khỏi xô bồ và thảnh thơi ngắm không gian lãng đãng sương bay thấm chút hơi lạnh của nghệ thuật thôi. Đời cũng phải có cái này, cái kia để gió thoảng, mây bay thêm hương, thêm vị cho đời thêm mặn mòi, thêm dư âm nhớ thương và dư hương vấn vương.
Continue reading

Categories: Japanese dorama | Tags: , , , | 4 Comments

Suna no utsuwa 2004 – Con tàu không thể lênh đênh

Bởi nó là con tàu cát, con tàu của tuổi thơ vời vợi nỗi hoang mang,

con tàu cát bay theo gió, theo sóng hoang tàn tịch liêu.

Suna no utsuwa là một bản giao hưởng mang tên số phận, nơi con người đuổi bắt chính mình trong trái ngang. Số phận là trò chơi cút bắt mà cho dù bạn trốn thật kỹ thì sau những nhịp đếm năm mười vẫn sẽ tìm đến với bạn, dù bạn muốn hay không, dù bạn thay đổi nó như thế nào, nó luôn đúng bằng cách mà bạn ngỡ đã tránh được trong trạng thái tuyệt nhiên và ảo ảnh.

Phim viết về tâm lý tội phạm, chứ không đơn thuần là phim điều tra phá án. Bạn không phải mắc công đoán già đoán non thủ phạm khi xem, nhưng bạn sẽ bất ngờ với động cơ gây án của thủ phạm, một con người cố đào thải quá khứ nhưng vẫn bị quá khứ bủa vây trong niềm hoang mang và cô độc. Qúa khứ là một phạm trù tâm lý, chúng đeo đuổi những người bỏ rơi, trong khi bỏ mặc những người cố níu lại. Qúa khứ chờn vờn và ám ảnh, mãi miết như những con sóng miên man bờ cát dài, liệu có ngừng nghỉ bao giờ không?

Những cảnh quay trong phim khắc họa kịch bản bằng những toàn cảnh chênh vênh chập chùng. Khung cảnh như tranh như họa ấy khoét vào sâu hoắn nỗi đau mà cậu bé Hideo gánh trên vai, nỗi đau cô độc trong sự lãnh cảm của số phận. Hideo có một quá khứ lang bạt cùng cha suốt 3 năm, từ 7 tuổi đến 10 tuổi. Cậu bé lang bạt để trốn chạy số phận được sinh ra bởi cha-có số phận lạc loài giữa biển đời. Hideo lăn lộn cuộc đời để chạy trốn, để giấu nhẹm và thay tên đổi họ số phận, nhưng đến một ngày số phận vẫn giăng ngược lại đời cậu, nơi mà Hideo-mãi mãi vẫn chỉ là một cậu bé mà thôi, thì cậu lại ngây thơ dẫm lên vết xe đổ của cung đường mòn cha cậu đã đi qua. Hideo nào biết số phận điệp trùng nên dù có lãng tránh như thế nào chăng nữa cậu cũng không thể thoát khỏi nó, thoát khỏi sự trái ngang.

Continue reading

Categories: Japanese dorama | Tags: , | Leave a comment

Shiroi Kyoto 2003 – Bạch Cự Tháp, chóp bu và những chiếc bóng

Phần giới thiệu:

Phim ảnh có nhiều loại, có hạng chẳng đáng ba xu, nhưng cũng có loại khi xem phải khiến người xem nghiêng mình nể phục. Nể phục không phải vì nó hào nhoáng hay hài hước quá với những tràng cười giải trí, mà nể phục vì phim phản ánh lại được hiện thực với những góc nhìn đầy gai góc về cuộc đời và về giá trị nhân bản mà phim gởi gắm ở những sự sống. Shiroi Kyoto là dạng phim khiến người xem phải nghiêng mình nể phục nó vì góc nhìn trực diện, không khoan nhượng về những thứ được cho là thánh thiện trên cuộc đời này, mà ở đây là vấn đề y đức.

Shiroi Kyoto là một phim chuyên nghành y khoa, nhưng phim bàn sâu sát nhất là về y đức, một vấn đề dễ liên hệ hơn rất nhiều so với những kiến thức chuyên khoa chán ngán mà chẳng ai muốn hiểu, ngoại trừ dân y. Chính vì thế phim miêu tả thế giới y khoa thông qua cuộc sống của những bác sỹ trong một bệnh viện hàng đầu tại Nhật Bản, nơi người ta chính trị hóa y trường một cách nhuần nhuyễn, thâm sâu như những cơn sóng ngầm cuốn xoáy bất cứ ai đi sai đường. Thế giới y khoa ấy cũng là thế giới mà lợi ích cục bộ luôn được ưu tiên hàng đầu thay vì những khẩu hiệu sáo ngữ thường được giăng lên không biết ngượng ngùng. Thế giới ấy là một thế giới trông bình lặng nhưng tàn nhẫn đến khốc liệt nếu bạn chạm vào những tử huyệt của nó, và nó sẽ tỏa đi những vòi bạch tuột để thanh lý những yếu tố ngoại biên. Lợi ích chung ở đâu ư, ở trong mơ ước mà thôi! Đừng hy vọng hão huyền vào lợi ích chung được gion giỏn rao ở những bản tin hay bài thuyết giảng, lợi ích chung chỉ đến cùng nguyên lý Bàn tay vô hình mà thôi, nơi người ta vừa làm lợi cho mình, nhưng cũng vừa làm lợi cho đời. Shiroi Kyoto miêu tả lại nguyên lý Bàn tay vô hình trong thế giới y khoa một cách sắc sảo và thâm trầm từ góc nhìn của những tác gia, nhà làm phim có tầm nhìn và có đủ hiểu biết những vấn đề tâm lý chuyên sâu.

Điểm đặc sắc nhất ở Shiroi Kyoto là sự tinh giản nhưng cực kỳ chặt chẽ. Những áng tâm lý được phim miêu tả chân thực, sâu sát với vị thế những nhân vật được đặt vào. Shiroi Kyoto là một dạng phim tâm lý cân não nhân vật trong phim cũng như người xem ở ngoài, đòi hỏi người xem một cách thưởng thức nghiêm túc trong không gian căng thẳng với mâu thuẩn mang tính chất bất đặng đừng. Những mâu thuẩn trong phim tiệm cận sự hoàn hảo nên chẳng thể bắt bẻ được, phim không có một đoạn thừa thãi nào, không có một đoạn trình diễn nào. Mà tình tiết trong phim chuyển động tịnh tiến và khép kín vòng tuần hoàn với những nút thắt ngày càng cao hơn, chặt hơn để đưa đến cảm giác cân não chẳng thể dứt ra được-cảm giác thuyết phục người xem tuyệt đối trong dòng phim tâm lý mà không cần đến một yếu tố hù dọa người xem như những bí mật động trời, cái chết cận kề để người xem lo sợ như movie Vô gián đạo đã thực hiện rất thành công trong dòng phim tâm lý tội phạm. Shiroi Kyoto vượt lên những thể loại ấy, khi đề cập đến một vấn đề mang tính nhân văn bằng góc nhìn nhân bản, một điều mà rất hiếm phim nào có thể diễn đạt được. Phim để lại những câu hỏi hóc búa và những thực tại đẹp một cách oan nghiệt trái ngang về số phận, về con người và về ước mơ khiến người xem thắc thỏm nghĩ về bản thân, về gia đình và sự nghiệp.

Bản phối đầy đủ bài Tomorrow sử dụng trong phim ở link này, bản phối nguyên gốc của Takashi Kako ở link này.

Như đã nói phim có một phong cách tinh giản, nhưng không chỉ ở nội dung mà còn ở cách dàn dựng với những góc quay sắc lạnh trầm ngâm và những ca khúc không lời với bài thánh ca Amazing Grace như khúc chiêu hồn thăm thẳm đi vào cảm nhận của người xem. Diễn xuất của diễn viên thể hiện đầy đủ góc khuất trong tính cách nhân vật với độ chân thật cực kỳ cao, không hề lên gân, không hề thiếu đi ánh mắt thấu hiểu cho thấy sự già nghề của dàn diễn viên am hiểu đầy đủ tâm lý con người, thứ được tác gia và biên kịch gởi gắm vào từng nhân vật. Chính vì điều đó tạo nên sự cầu thị chân thật hiện diện trong từng thước phim khiến người xem đắm mình trong không gian ấy. Shiroi Kyoto là một phim cực kỳ gần gũi mà cũng cực kỳ xa cách khi nói về những vấn đề đời thường với cách kể chuyện tuần tự mà không hề thiếu đi tính hấp dẫn của dòng điện ảnh tâm lý. Vấn đề đắt địa nhất mà Shiroi Kyoto đạt được là sự đa chiều và tầm nhìn cao phù hợp với một bộ phim có nội dung sâu khiến phim cân bằng gần như tuyệt đối, miêu tả những thái cực đối lập nhau để người xem khó có thể bắt bẻ. Một phim được đầu tư công phu bởi đài Fuji TV nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập đài nên gần như không khiếm khuyết khi người xem hòa vào vào cuộc đời những nhân vật, cũng như lý tưởng của họ và những cuộc chiến cân não giữa những con người học thức thật sự được dựng lên phim.

Xem phim để cảm nhận nét thâm trầm, nét hóc hiểm của những hệ tâm lý đặt trên tòa tháp đỉnh cao, tòa tháp lồng lộng giữa những cơn gió vô hình của lòng người, để thẩm thấu một chút sự cao sâu của lòng người, để thấm nhuần những cái giá phải trả cho những mong ước giản đơn mà cao vút, và để khâm phục sự đanh thép trong cách nhìn nhận và phân tích vấn đề mang đầy tính hiện thực nhưng nhân bản ghi khắc vào sâu thẳm trái tim người xem. Một drama Nhật hay nhất theo cảm nhận của tôi, như những bụi tuyết kim cương long lanh giữa trời đông giá lạnh để rồi trở thành ánh sáng lấp lánh qua đôi mắt người xem.
Continue reading

Categories: Japanese dorama | Tags: , , , , | 2 Comments

Sound of colors – Hàm tiếu hạnh phúc

Thú thật là tôi không biết review phim này như thế nào, tôi không muốn phân tích, tôi cũng chẳng muốn cảm nhận, bởi vì phim toát nên vẻ đẹp và buồn xen trong hạnh phúc, rồi người xem cứ khoan khoái chìm đắm trong không gian thênh thang về tuổi trẻ, tình yêu và về những món quà của số phận. Đẹp và buồn xen trong hạnh phúc cứ lặng rơi vào cảm xúc man mác như thế.

Với một cốt truyện ngập đầy cliché như ung thư máu, hiến giác mác thì Sound of colors khiến người ta có thể nghĩ đến những bộ phim Hàn ướt át ngay lập tức, và quay ngoắc ngay tắp lự. Tôi cũng thế, tôi lơ qua Sound of colors đến giờ mới xem vì lý do đấy. Tôi không thích Trái tim mùa thu, càng không thích Nấc thang lên thiên đường nên cũng xem như hiểu được lý do nếu ai đó lơ qua SOC với những lý do kể trên, bởi chúng ta đã quá mệt mỏi với nỗi buồn khắc cốt ghi tâm rồi. Nhưng tôi sẽ rất vui nếu ai đó muốn tìm đến SOC để lắng lòng về tuổi trẻ, một tuổi trẻ hạnh phúc được rong ruổi trong cuộc sống nhiệm màu thật đẹp-vẻ đẹp hồn nhiên của nỗi buồn.
Continue reading

Categories: Chinese dramas | Tags: , , , | 9 Comments

Tiếu ngạo giang hồ


Continue reading

Categories: Books, Chinese dramas | Tags: , | 25 Comments

Create a free website or blog at WordPress.com.