Caught in the web – Khi Trần Khải Ca yêu nông nổi

Sưu tác (Caught in the web) được giới thiệu là một câu chuyện buồn về truyền thông, câu chuyện về một người bình thường vì mắc phải lỗi ứng xử mà bị dư luận kỳ thị một cách quá quắt và tàn nhẫn, để rồi rơi lại những thương tâm. Đó là tôi thuật lại vài ý mà giới truyền thông giới thiệu về Sưu Tác.

Review phim của Trần Khải Ca không dễ, bởi vì Trần Khải Ca dựng phim không phải theo cảm xúc để tôi men theo mạch chảy của nó nói nhăng nói cuội như thường làm. Phim của Trần Khải Ca rất lý trí, lý trí đến nỗi khô khan để dừng lại tại một nước chót tạo chấn động. Nên thành thử review phim của Trần Khải Ca như lúc diễn giải một ván cờ tướng vậy, có cái thú riêng ở những nước thí tốt, đảo mã, nhảy pháo hay bay xe, cũng rất hứng thú, nó là thứ hứng thú khám phá rồi thế cờ bí nào sẽ xảy ra…

Ngắn gọn, tôi chỉ xin diễn tả lại ván cờ Sưu tác mà Trần Khải Ca chơi với cảm xúc – theo cách hiểu của tôi, việc đánh giá phim xin dành lại cho khán giả, tôi không đánh giá, chỉ viết đôi dòng về những ý nghĩ bâng quơ khi xem phim mà thôi. Do diễn giải lại nên phần sau sẽ có spoiler.

Có thể thấy nghệ thuật khi làm phim của Trần Khải Ca là lồng ghép câu chuyện, những câu chuyện về đời người cứ lần lượt hiện lên sắc sảo qua góc nhìn của anh. Với Sưu Tác, có thể chia cả phim làm 2 mạch câu chuyện được Trần Khải Ca lồng ghép vào nhau. Một là mạch truyện của Diệp Lam Thu đối diện với căn bệnh ung thư máu trắng, hai là câu chuyện văn hóa ứng xử trong đời sống hiện nay, đặc biệt là qua truyền thông đang vươn sức lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ. Hai câu chuyện dẫn dắt khán giả đi vào những tình tiết hóc hiểm mà Trần Khải Ca khoét vào, chúng khiến cho phim lạ, khác biệt với những bộ phim diễn tả rời một trong hai mạch nội dung trên.

Đạo diễn Trần Khải Ca ngay từ đầu đã diễn giải rất rõ ràng Diệp Lam Thu bị ung thư máu, và vì bị shock nên Diệp Lam Thu đã bất cần mà ứng xử láo xược với những quy tắc ứng xử của xã hội, cụ thể là không nhường chỗ cho người già khi đi trên xe buýt, khi gặp phải sức ép bắt buộc phải nhường chỗ thì cô ấy buông lời thách đố “muốn ngồi thì ngồi lên chỗ này” (chỉ đùi của cô). Hành động của Diệp Lam Thu bị một cô phóng viên thực tập dùng điện thoại ghi lại, sau đó cô này phỏng vấn Diệp Lam Thu tại sao lại không nhường, thì Diệp Lam Thu nói vì cô không thích nhường.

Thế là Diệp Lam Thu được lên truyền hình, và dư luận được dịp sốt về một con bé “mất dạy”. Mà dư luận thì có cái tật phủ đầu rồi hẵng nói chuyện sau. Chẳng trách được, bởi vì con người ta thường tin vào những việc trước mắt, và tin vào ý tứ mà người đứng bản tin định hướng. Ở đây người làm bản tin đã định hướng muốn tạo dư luận với một cách ứng xử vô văn hóa của Diệp Lam Thu thì dư luận sẽ đi theo hướng đó, họ nhìn cái hệ quả mà không quan tâm đến nguyên nhân, đó là cái quyền ba trớt của họ, cũng là cái khuyết điểm ba trợn của họ khi tin hoàn toàn vào báo chí hiện nay. Nhưng đó là dư luận, còn với người làm báo (nói chung) thì nếu đuợc dạy đàng hoàng người ta sẽ được dạy cái tâm với nghề, cái tâm để đi tìm hiểm căn cơ cặn kẽ, đa chiều một sự việc để biết phê phán cái gì, và biết thông cảm cho cái gì. Nhưng rất tiếc, với sự phát triển nhanh chóng của truyền thông hiện nay, khi nhà nhà làm báo, người người làm báo thì chẳng mấy “nhà báo” có được cái tâm với nghề, với trách nhiệm ngòi bút nặng mang cả, đặc biệt là báo mạng và những tờ báo hot, khi người làm báo không được dạy dỗ đàng hoàng mà câu tin giật gân, tựa giật mạch để thu lời từ lượt xem, một dạng truyền thông có bản chất “cướp”. Thế nên tạo nên bi kịch của Diệp Lam Thu bị dư luận bủa vây, như cái dạng muốn bắt Diệp Lam Thu bỏ vào rọ thả trôi sông giống hình phạt mà phụ nữ ngoại tình ngày xưa phải gánh vậy. Xã hội Trung Quốc là một xã hội có tính cực đoan, xưa giờ vẫn coi trọng tư tưởng “giết nhầm hơn bỏ sót” nên nếu dư luận xã hội phẫn nộ thì hậu quả mà Diêp Lam Thu phải lãnh đó chính là cô khó có thể sống yên lành khi gương mặt, cũng như công việc và đời tư của cô bị trưng lên mạng một cách vô trật tự, không có tí nghiệp vụ báo chí nào. Mọi người nhân danh đạo đức và công lý tám về cuộc đời của cô gái bằng sự hiểu nhầm. Đời giờ vốn là thế!

Con đường mà dư luận phẫn nộ Diệp Lam Thu được Trần Khải Ca khuếch đại bằng việc đời tư của Diệp Lam Thu bị vợ chủ tịch công ty nơi Diệp Lam Thu từng làm nặc danh tố cáo qua truyền thông rằng cô dang díu với chồng bà ta. Chuyện đó là chuyện “ảo”, nhưng chuyện cô từ từ dây dưa với bạn trai của cô phóng viên Trần Nhược Khê mới là thật, mà cô này là người đứng bản tin. Thế là từng bước Trần Khải Ca thảy ra con chốt này đến xe nọ để dồn Diệp Lam Thu đến thế cờ chiếu bí (đối với Trần Khải Ca) để đi đến quyết định tìm đến sự giải thoát.

a

Tất nhiên bên cạnh đó Trần Khải Ca không quên tặng cho Diệp Lam Thu cũng như khán giả những thước phim lãng mạn – bất đắc dĩ của một cô gái sắp chết ở bên cạnh một người đàn ông đẹp trai và ấm áp (tất nhiên là thêm dấu ấn tửng một cây theo phong cách hiện đại) mở cánh cửa lòng của cô, người đàn ông duy nhất muốn che chở và bên cạnh cô trong một kiếp người bị đẩy đến thế cùng cực (lại đối với Trần Khải Ca) của cuộc đời. Những cảnh quay miêu tả tình cảm – mà tôi chẳng muốn gọi là tình yêu của phim đẹp, chúng gợi tả lại nỗi cô đơn của những con người cô đơn chưa hiểu bản thân mình khi họ bên cạnh nhau, chúng khiến cho câu chuyện dịu vợi thắp sáng chốn hoang tàn, khiến cho câu chuyện se sắt một chút gì đó vừa mới chớm nhưng đã phải chấm dứt trong chia biệt. Chúng đẹp bởi chúng gián đoạn trong mong manh, bởi chúng lỡ làng trong hoang mang, và bởi vì chúng khiến những con người ấy hạnh phúc thứ hạnh phúc được nâng niu lần đầu cũng như được chìu chuộng lần cuối. Chữ tình vốn dĩ luôn đẹp trong dang dở, phảng phất nét buồn vương trong ngỡ ngàng giữa hư thực. Và người ta yêu chìu cái đẹp bởi vì người ta biết vẻ đẹp chóng vơi, cho dù nó chẳng bao giờ đầy…

Cái đẹp đúng là cần được chìu chuộng, nhưng tại sao tôi lại đặt cái tựa Khi Trần Khải Ca nông nổi? Một cái tựa dễ gây tranh cãi khi bàn đến một tác phẩm của một đạo diễn nổi danh. Tất nhiên tôi có lý do riêng của mình, nông nổi ở đây không chỉ có ý nghĩa tiêu cực, mà gồm cả tiêu cực và tích cực. Trần Khải Ca năm nay cũng sáu mươi tuổi rồi, nói một người già như thế nông nổi thì có vẻ trái khuấy. Nhưng Trần Khải Ca yêu chìu vẻ đẹp mà tôi nói ở đoạn trên một cách cách tân quá, thế nên mới trở nên nông nổi. Khi yêu thì mấy ai không nông nổi đâu, mấy ai lý trí đâu nên Trần Khải Ca truyển tải một tác phẩm văn học được giải Lỗ Tấn lên phim ảnh với tâm thế lý trí yêu chìu …lý trí quá cao, nên chúng trở thành những cảm xúc nông nổi khi anh yêu chìu cái đẹp lúc chúng chưa đến nơi, yêu chìu sự mong manh lúc chúng chưa đến chốn. Bởi bố cục bĩ cực của anh tuy thật nhiều sắc sảo, thật nhiều sự thâm nho thì lại không nhấn được nồng cốt câu chuyện, không nhấn được đường dây tác động và chuyển biến trong nội tâm của nhân vật. Khán giả sẽ không thể thấy cảm xúc hoảng loạn hay một cái gì đó đại loại như thế từ Diệp Lam Thu ngoài những cảnh nằm nghiêng ngã của nhân vật, khán giả cũng sẽ chẳng thể xác định được lý do Diệp Lam Thu chọn sự giải thoát, tất nhiên là tôi nói ở nội tâm nhân vật chứ không phải nói về nội dung của bức di thư được để lại. Qúa trình trưởng thành trong tâm lý nhân vật nông nổi, không phát triển và dường như bị tịt ngòi bởi sự lủng củng giữa những sự sắc sảo và thâm nho trong hành động của nhân vật. Thế nên tất cả sự thâm nho ấy chưa tạo thành một quá trình có ý nghĩa. Trần Khải Ca đánh tráo giữa hai vấn đề ý nghĩa của sự sống và sự nanh ác của miệng đời. Nội dung của chúng chưa thật sự hòa hợp được với nhau để tạo nên một câu chuyện thống nhất, nên dù chúng trông liên tục về hình thức với sự sắp đạt khéo léo của anh thì nòng cốt câu chuyện lại đứt đoạn và rời rạc khi anh bận tâm đến quá nhiều suy tính của mọi nhân vật, thay vì miêu tả trung khu nội tâm. Và quả thật, tính cách nhân vật khiến khán giả nhớ nhiều nhất sẽ không phải Diệp Lam Thu mà là tay giám đốc ngụy quân tử của Diệp Lam Thu, một tên cướp mà Trần Khải Ca dày công bố cục trong một câu chuyện đậm chất thâm nho của Tàu.

Tuy nhiên cũng chính nhờ sự nông nổi trong lúc yêu chìu cái đẹp ấy mà Trần Khải Ca đã mang lại cho khán giả một bộ phim bi lạ lẫm và khác biệt, một góc nhìn sắc về thế giới truyền thông bát nháo hiện nay. Và nếu tách biệt hai câu chuyện mà tôi nêu trên thì việc Trần Khải Ca đào sâu vào một đề tài xã hội khi- xã hội đang dần được hình thành trên truyền thông, trong cái giai đoạn thế giới truyền thông “ăn lông ở lỗ” chưa định hình đuợc tính văn minh hay văn hóa thì đó là một nỗ lực của đạo diễn để tát một bạt tai vào thế giới truyền thông bát nháo và dư luận a dua hiện giờ. Chỉ tiếc rằng cái kết thúc mà Trần Khải Ca để ra trong phim không đủ đanh thép để tạo dấu ấn sâu hơn trong khán giả và dư luận, chúng lửng lơ nên không đủ sức để đánh thức cách nhìn của con người truyền thông vẫn còn đang ở thời kỳ định hình tư cách, nơi đến giờ thiếu những quy chuẩn đạo đức để định hướng dẫn con người truyền thông tuân theo, hay thiếu những quy chuẩn luật pháp với chế tài để buộc con người truyền thông phải thực hiện. Khi mà mọi thứ chưa định hình thì chúng ta cần lắm sự nông nổi của những con người như Trần Khải Ca lên tiếng để nhắc nhở về một cách nghĩ, hay rộng hơn là văn hóa truyền thông. Chính sự nông nổi tạo nên những suy nghĩ cần thiết để chúng ta nhận thức một cuộc sống mới mà ta đang hòa nhập vào, để tự mình lớn dần và trưởng thành với sự biến hóa của truyền thông nói riêng, cũng như tạo hóa nói chung.

Phim có sự tham gia của Cao Viên Viên (diễn xuất bình thường) và Triệu Hựu Đình (diễn có duyên, tuy cái vai diễn có duyên ấy vai trò là gì thì tôi cũng không chắc ngoài đem lại nụ cuời cho khán giả ^^), một phim lạ đáng xem, không phải vì quá hay, mà bởi vì nó tạo được suy nghĩ về những vấn đề hiện đại khi trở mặt trái của một vấn đề còn đang trong quá trình bắt đầu lớn lên.

Categories: Chinese movies | Tags: , | 5 Comments

Post navigation

5 thoughts on “Caught in the web – Khi Trần Khải Ca yêu nông nổi

  1. ladyvitvit

    xin chào chị (anh/bạn?), cám ơn vì bài viết công phu và xin chia sẻ vài suy nghĩ. Trần Khải Ca và Bá Vương Biệt Cơ từng làm tôi một dạo mê mệt cái ấn tượng dồn nén ẩn ức để rồi vỡ òa và kết liễu trong hụt hẫng. Bi kịch mang mang mà thấm xót đến chừng như vô cùng. Bá Vương của Trần có cả hai tình nhân yêu hết lòng, nhưng cuối cùng lại bán những chân tình đó vì an toàn cá nhân. Nhưng ai bảo Quân Vương phụ tình Ái Thiếp, mà không hỏi ai đã tôn hắn làm Vương, ai lại cớ sao vì hắn mà dâng chân tình? Cái ẩn ức là tình cảm bị định mệnh chơi ác, nên tôi đã phân vân khi Vương lộ diện là Kẻ-Hèn lúc hắn đối diện sống chết, tôi không ghét được kẻ làm theo bản năng lúc cùng đường, dù tôi vẫn thương, rất thương, hai Ngu Cơ thực-sự kia. Cái hay của phim và của đạo diễn là ở đó, ở chỗ nhân vật quá “người” trong tình cảm, yếu đuối hiến dâng vì ngộ nhận là xứng đáng, vì định mệnh đã dát vàng (cái mã kép-chính phong nhã hào hoa) lên mình Ngụy-Bá-Vương kia. Cái không khí cổ hủ tù túng tinh thần của phim, cái tính cách đậm mơ-hão và bảo-thủ ngu muội của nhân vật, hoàn hảo cho một bi kịch, nhìn từ góc độ của tôi, là khách quan định mệnh. Nên Trần Khải Ca và Bá Vương Biệt Cơ cứ ở trong lòng tôi sững sờ với ấn tượng là triền miên bế tắc, khởi đã là bế, kết cũng là tắc. Cái đau ủ kín và sâu, nên thật lâu không phai.

    Nói dài dòng phim cũ để bắt qua phim mới này. Caught In The Web (tôi thích cái tựa này hơn Sưu Tác, nghe nó sát với chuyện phim hơn). Trần Khải Ca đã trở lại, còn lợi hại thế nào xin hạ hồi liễu kết.

    Bi kịch của phim Caught In The Web nhạt, đặt nó bên tượng đài Farewell The Concubine thì nó lại càng…ôi thôi, chìm lỉm! Phía trên tôi có nói đến ẩn ức và hụt hẫng, định mệnh và tự-thân, tôi xin theo trình tự đó mà bày tỏ.

    Ẩn ức. Chỉ riêng trong phạm vi của chính Caught In The Web, sự dồn nén đã không mạnh vì thiếu một lý do vững. Nhân vật chính Lam Thu với một hành vi xấu bị công khai rộng, mà lý do đàng sau là vì hôm đó cô nhận giấy báo bệnh (cũng là báo tử). Cô chọn bỏ trốn, cô bị dư luận lên án, khi vài nhân vật “ghê gớm” vào cuộc và làm nó tệ hại quá sức tưởng tượng, cô mới đương đầu. Nhưng ngày sự thật sáng tỏ thì cô tự tử.

    Tại sao không có ẩn ức? Thứ nhất, hành vi “giận cá chém thớt” của nhân vật là sai. Ai có bệnh sắp chết thì cũng có quyền vô phép với người già như vậy tại nơi công cộng sao? Và ai chứng kiến việc xấu lại không thể kịch liệt phản đối? Thứ hai, chính nạn nhân chối bỏ quyền được biết sự thật của dư luận. Thứ ba, cô ta cuối cùng cũng tự tử, như cô ban đầu đã muốn vậy. Chẳng có gì thay đổi dù cô đã có một người yêu cô và những người hy vọng cô sống để họ tạ lỗi. Đây là lạm dụng bi kịch. Mà với tôi lạm dụng thường phản tác dụng.

    Nên tôi chỉ cảm nỗi ẩn ức của Ngu-Cơ Trình Điệp Y vì níu kéo mộng tưởng với Ngụy-Quân-Vương Đoạn Tiểu Lâu mà chọn tự vẫn ở kết phim. Nỗi hụt hẫng trước tâm hồn người nghệ sĩ đa cảm bị trò đời khốn nạn vùi dập mà vẫn khắc khoải thiết tha muốn hiến dâng cho tình yêu với một người, hay là tình yêu với một tuồng-đời-lý-tưởng trong đó Ái Thiếp sẽ chết cho Quân Vương. Hụt hẫng khi đàn còn, người đó, mà một thể xác đã bị bức tử cho linh hồn mãi tồn sinh nồng nàn trong lý tưởng của chủ nhân nó. Thật là đau đớn. Nhưng đẹp quá. Đẹp đến nao lòng.

    Còn cái chết của Lam Thu không đẹp. Không đau. Cô ta đã chạy trốn. Như ngay từ đầu cô đã chạy trốn. Cô không chết để tái sinh cái gì, ngoài đốt lên sự căm hờn của dư luận cho những kẻ đầu têu việc bêu xấu cô. Những người mà khi biết sự thật đã phải trả giá. Và chính họ cũng hối hận. Tôi tự hỏi có phải thiển cận ngu ngốc không khi tôi chấp nhận ngưỡng mộ và xót xa cho một hành vi tiêu cực như vậy?

    Đây cũng là chỗ định mệnh không còn ý nghĩa khách quan khi bàn về bi kịch cho cá nhân. Khách quan là khi bất khả kháng, hoặc còn trong phạm vi hợp lý. Bệnh của Lam Thu là khách quan, nhưng chọn lựa tiêu cực của cô tạo ra một định mệnh chủ quan. Một định mệnh theo luật vay-trả mà người vay là cô. Những kẻ bị cuốn vào định mệnh đó và tiếp cái vòng tiêu cực, suy đến cùng, là do Lam Thu đã nợ họ lời giải thích quyết liệt, rõ ràng, và đúng lúc. So với bế tắc có tính định mệnh của Bá Vương, xã hội phong kiến, rồi hủ bại, rồi cách mạng nửa vời, nó cho ra đời, hài nhi thì lành lặn, cởi mở, phấn chấn, mà trưởng thành thì khiếm khuyết thể xác tinh thần, ủ dột mơ-hão, rồi sau cùng là chỉ có cái dũng chết cho một giấc mộng. Điệp Y chết, vì anh muốn cải đổi định mệnh khách quan kia, thành chủ quan cho anh. Nhưng thật ra định mệnh đó vẫn khách quan, vì chọn lựa cuối cùng của anh vẫn là hành vi bất khả kháng của kẻ sĩ đẫm mộng tưởng, vẫn ở trong phạm vi hợp lý của một định mệnh đã ảnh hưởng anh từ thủa bị mẹ bẻ răng cho vào đoàn tuồng.

    Tóm lại thì tôi có buồn cho sự tái xuất của Trần Khải Ca và Caught In The Web không? Nếu dụng ý của đạo diễn tài ba là ý niệm rạch ròi giữa nhân-quả, cảm tình-lý trí, môi trường-cá thể, thì ông đã thuyết phục tôi với câu chuyện của cô gái khởi không phải là bế, kết (đã) có thể không tắc, một ý niệm xuất sắc về phản ứng cá nhân trước áp lực. Tôi cảm thấy sự nhân văn khi ông không tô vẽ mà để trần trụi cái yếu đuối bi lụy để rồi gục ngã, sự hối hận muộn màng, và tâm lý bầy đàn khủng khiếp. Nhân văn vì nó gióng một tiếng chuông về sự quá khích.

    Còn nếu Trần gia muốn người ta cảm động khắc sâu, và xót đau như đã từng cho số phận hai nàng Chân-Ngu-Cơ với một Ngụy-Hạng-Vũ trước cơn quằn quại của phong kiến vì đòn thù mượn danh là cải cách của những kẻ dậu đổ bìm leo, thì theo tôi, không thành công rồi!

    Nhưng dù sao thì tôi cũng không buồn. Vì cái tứ của Bá Vương Biệt Cơ sâu cách khác. Mà Caught In The Web thì cũng khá thâm, chí ít là tôi và bạn Ohanami đây cũng bình phẩm ra quá chừng đấy thôi. Nên tôi là tôi mừng với sự trở lại này của Trần Khải Ca.

    Một lần nữa cám ơn tác giả Ohanami và bài bình Caught In The Web đã cho tôi cơ hội bày tỏ những suy nghĩ khác nhau về hai bộ phim của cùng một đạo diễn.

    • ladyvitvit

      ồ chị không mở rate sao, tôi muốn cho bài viết của chị 5 sao mà không được 😉

    • Mình xin phép reply lại bạn @ladyvitvit chút. Một người vừa xem phim xong.
      Thực sự mình thấy góc nhìn của bạn về việc một người không nên vi phạm đạo đức dù bất kỳ lý do nào là đúng. Nhưng thực sự khi vào hoàn cảnh đấy có cảm giác gì ư. Tự ti tại sao tại sao và tất cả là tại sao? rồi tại sao tôi phải nhường chỗ? Và thực sự cô ấy không muốn chết . Cô ấy xin tiền từ giám đốc mình. Cô ấy từ chối thông báo cho mọi người. Vì lúc này tôi không cần sự thương hại hỏi thăm hay bất kỳ một cái gì? điều tôi cần thật sự chỉ là 1 mình và 1 mình mà thôi. Có những thứ mà khi trải qua rồi con người ta mới thực sự hiểu

  2. NH

    Chào LadyVitvit.

    NH thấy tên Sưu tác/ Sưu sách cũng được mà, chứ thật ra Trần Khải Ca viết về truyền thông chứ đâu phải mạng đâu, nên Caught in the web cũng có chút khác biệt ^^. Sưu tác dịch sang tiếng Việt chắc sẽ là Truy tìm ^^.

    Sưu tác không thể so kè với Bá vương biệt cơ được, bởi vì viết về đời người là sở trường của phim Tàu lục địa, còn viết về khoảnh khắc, giai đoạn thì là sở đoản, Sưu tác lại là một phim viết về những khoảnh khắc chấp chới để rồi buông trôi, thế nên cái thâm nho của Tàu khiến cho khoảng khắc … lê thê, chùng xuống chứ không thể bay lên. Và một khi khoảng khắc không phải là … khoảnh khắc, thì có lẽ không thể khen Sưu tác là một tác phẩm hay. Chỉ là vớt vát được gì thì ta vớt vát thôi.

    • ladyvitvit

      Cám ơn reply của NH, NH nhắc tới khoảnh khắc, tự nhiên m nhớ tới Tâm Trạng Khi Yêu của Vương Gia Vệ đó…

Leave a comment

Blog at WordPress.com.