Dòng sông ly biệt – một thoáng quá khứ lất phất rơi

Dòng sông ly biệt

Có nhiều người thắc mắc tại sao tôi lại thích truyện của văn sĩ Quỳnh Dao, một thể loại truyện bi lụy về tình yêu. Thích thì có cần giải thích lý do không? ^^ Nhưng chính xác thì tôi không thích, mà là “cảm” nội dung về thời cuộc và niềm đa cảm trong cốt truyện nhiều dư vị cổ điển đó. Tôi đồng ý truyện của Quỳnh Dao đa cảm, nhưng đa cảm lại là dấu ấn hiện thực lớn nhất mà cuộc đời mang tặng đến ngòi bút một thời vang bóng của văn đàn Đài Loan. Những bộ truyện đi vào lòng khán giả cũng chính bằng niềm đa cảm mà một thời người ta rung động trong nó. Những truyện đó không phải để đời, nó đi ngang vào thế hệ nào đó và có lẽ dứt ở những thế hệ đó, nhưng mãi là một thoáng quá khứ lất phất nếu người đọc ngã đúng điểm rơi để hiểu về một thời đại nhiều biến động trong bước giao thời của lịch sử. Truyện mang trong nó hơi thở hiện đại-thời bấy giờ với những cách tân và dấu ấn của những tâm tư ngổn ngang của thế hệ đã trãi qua.

Yên Vũ Mông Mông (hay khán giả Việt thường gọi là Dòng sông ly biệt, và sau đây tôi sẽ gọi theo tên đó) là tác phẩm tôi nhớ nhất của Quỳnh Dao, một phần vì truyện có một đoạn kết đáng nhớ nhất, một phần vì nó được dựng thành phim vài lần và đều tạo được hiệu ứng đáng kể đối với khán giả. Tôi xem hai bản dựng 86 và 2001, nhưng chưa được xem bản dựng năm 75 và bản movie năm 65. Bản 86 khá trung thành với nguyên tác, trừ đoạn kết, bản 2001 thay đổi nhiều để tấu hài và biểu diễn nhằm chiều lòng khán giả. Như tôi đã nói, tôi “cảm” cốt truyện được đặt đúng thời điểm tạo dấu ấn tư tưởng nên cũng “cảm” bộ phim phả được làn hơi đó. Khi bản 2001 thay đổi nhiều tư tưởng cũ thì tác phẩm không còn “hồn” để “cảm” nữa, riêng bản 86 làm được nên bài viết này sẽ nói nhiều hơn một chút về truyện và bản dựng 86 với sự tham gia của Tần Hán, Lưu Tuyết Hoa và đặc biệt là nữ diễn viên có vẻ đẹp nhu mì thục nữ Triệu Vĩnh Hinh, ngọc nữ của văn sĩ Quỳnh Dao.

Dòng sông ly biệt

Câu chuyện kể về nhà họ Lục với cảnh gia đình-giao thời nhiều biến động vần vũ tâm tư của nhân vật. Cảnh đa thế tứ thiếp còn sót lại từ thời phong kiến, cảnh con riêng và những khoảng cách lẫn bất đồng giữa hai thế hệ khơi mào cho mâu thuẩn nung nấu trực trào gợi nên những rạn nứt tình cảm giữa các nhân vật. Để đánh đổ và xây đắp lại thế giới quan, để thông cảm và thấu hiểu lẫn nhau mà bước đi tiếp trong cuộc đời. Tôi thường thích câu chuyện rạn nứt rồi hàn gắn hơn nguyên vẹn lành lặn, vì lành lặn thì xem mấy diễn viên quấn nhau như sam hết ôm lại hôn, hết hôn lại quờ chân chọt tay như phim dạo này xem phải khiến tôi thấy mình thật rỗi hơi, mấy vụ đó để dành thực hành riêng tư chứ xem thì chẳng xi-nhê gì, mà chỉ phí thời giờ :d.

Dòng sông ly biệt chuyên chở những con sóng mênh mang về cuộc đời, bao hàm trong đó là tình cha con, mẹ con, anh chị em và tình yêu, tình bạn. Trọng tâm câu chuyện kể về ba thanh niên Lục Y Bình, Lục Như Bình và Hà Thư Hoàn. Với diễn xuất đặc sắc của cặp đôi vàng thời đó Tần Hán-Lưu Tuyết Hoa cùng Triệu Vĩnh Hinh đã tạo nên nên “hồn” nhân vật mang nhân sinh quan sống, tâm tư, trăn trở khiến khán giả liên hệ và ghi nhớ. Lưu Tuyết Hoa vẫn mang ánh mắt cương nghị ngang ngạnh rất thật của cô vào nhân vật Lục Y Bình, Tần Hán thì vẫn hào hoa trong dáng vẻ hiền lành của mình, nhưng ấn tượng nhất đối với tôi là “hồn” nhân vật Như Bình thông qua cách đặc tả của Triệu Vĩnh Hinh, đây là lần thứ 3 tôi nhắc đến tên diễn viên trong một bài viết, một điều rất ít khi xảy ra, vì khi ngồi viết bài này thì dáng vẻ nhu mì mơ hồ của Như Bình hiện lên rất đậm, bàng bạc nhưng lại khó quên trong điệu cười cũng như cách khóc xen trong hạnh phúc cũng như niềm bất lực của cô gái-vừa tròn đôi mươi, khi cô lạc lõng-nhu mì trong một gia đình ai cũng nóng nảy và cương quyết đến ương bướng. Như Bình lạc lõng ngay từ đầu trong chiếc tổ của chính mình khi sức đề kháng của cô đối với cuộc đời yếu ớt, cô như nàng công chúa yên phận công chúa, nhưng thời cuộc biến động nên chẳng thể yên phận dài lâu.

Dòng sông ly biệt

Như Bình như dấu ấn còn sót lại của quá khứ, trầm lặng và thụ động đón chờ định mệnh, không giành giật với cuộc đời và chỉ nhận những gì mình sẽ có thể có. Như Bình thiếu đi bản lĩnh nắm lấy tham vọng, cô đẹp người đẹp nết nhưng là vẻ đẹp thụ động cần có một hoàng tử mới tạo thành câu chuyện hạnh phúc, chứ không thể tự thân tìm kiếm hạnh phúc. Và rất tiếc người cô trao trọn tình yêu là Hà Thư Hoàn lại không phải hoàng tử của cô nên cô như nàng tiên cá đứng lặng thinh chấp nhận chìm vào niềm cô độc mà sống. Hà Thư Hoàn là chàng trai đi tìm nhịp đập con tim mình chứ không phải đi tìm điểm dừng bình yên nên người anh chọn không phải là một hình bóng lặng thầm, mà là một cô gái sống động như Y Bình khiến anh được “điên” lên. Tình yêu mà Hà Thư Hoàn chọn đầy cảm tính, anh chưa từng trãi, anh như một chàng công tử bị cuốn vào hơi thở tình yêu nên đâu biết đeo đẳng theo anh là một người con gái do anh cứ lằng nhằng, để người con gái đó cứ chập chờn hy vọng-làm người đứng bên cạnh anh những lúc anh mỏi mệt tìm chỗ trốn chạy. Như Bình là người đến trước nhưng chậm chân nên lại trở nên kẻ đến sau đứng bên nhịp trái tim Thư Hoàn, để mãi mãi vấn vương.

Như Bình chưa bao giờ tranh giành tình yêu, cô yên phận và chấp nhận số phận một cách dễ dàng vì tự ti về bản thân do mọi người thân không hiểu để cổ vũ mà toàn nhiếc móc và “muốn” sống thay cô. Vòng tham vọng của người thân ám vào số phận Như Bình như tơ rối khiến cô không thể thoát khỏi hệ lụy để trôi vào sự bình lặng của cuộc đời như cô muốn, vì bản năng của cô không sống để tranh giành. Như Bình thiếu đi một luồng ánh sáng dẫn đường đi về tương lai, khi giá trị gia đình là thứ cô bám víu vào để lay lắt tồn tại sau lúc buông xuôi tương lai, tình cảm của mình thì nó cũng bung rễ khiến Như Bình đã cô độc trở nên ngập ngụa trong niềm cô độc đó. Đã sẵn tự ti nay cuộc đời bế tắc nối tiếp ngõ cụt khiến cô tự nhận đời là một chuỗi thất bại, là gánh nặng chuôi cô kẹt vào lưỡi dao kép trong tư tưởng. Như Bình bịt bùng sau khi mẹ bỏ đi theo nhân tình và khoắn hết tiền cha cô để dành, bà đi để lại mặc cảm tội lỗi nhuốm vào tư tưởng cô con gái-đã giải thoát cho bà trước cửa tử, khiến người con gái ấy bơ vơ giữa cuộc đời đã chẳng còn ham muốn sống nay cũng chẳng còn gì níu kéo, cuộc đời tăm tối và thay đổi choáng ngợp vượt quá khả năng kiểm soát nên Như Bình tự tìm lối thoát cho mình bằng cách buông thõng sự sống. Cô đã thôi chấp nhận và thôi chịu đựng nên can đảm tìm một lối thoát, dù là trốn tránh đương đầu số phận. Với tôi ít nhất Như Bình đã tự quyết định đời mình, đã biết mặc kệ những người ở lại để thôi nghĩ về họ nữa, thôi quan tâm đến họ nghĩ gì mà chỉ cần biết riêng mình thôi. Cô ra đi trong đau lòng nhưng đã dám cắt đứt sự sống đã bị buông thõng từ lâu, mà nếu cô không ra đi thì sự sống đó có lẽ đã thui chột lại càng thui chột mà thôi, chỉ là sớm hay muộn. Quyết định trốn tránh ấy không đáng ca ngợi, nhưng ít nhất cần được tôn trọng về một đời người đã biết tự mình nắm lấy số phận, dù là trốn tránh số phận ấy. Bởi Như Bình như mưa lất phất lại cuộc đời thôi, nhẹ nhàng, hắt hiu chẳng thể thay đổi được ai nhưng để lại một góc quá khứ lất phất rơi, u sầu rớt lại rồi nhẹ nhàng tan đi…

Dòng sông ly biệt

Để đối lập với Như Bình là Y Bình, ương bướng, bản lĩnh, ân đền oán trả, dám yêu dám hận, quậy phá lung tung. Y Bình trong truyện và bản dựng 86 mạnh mẽ nhưng không được hình tượng hóa như bản dựng 2001. Tính cách mạnh mẽ ương bướng nên đôi khi ngông cuồng dại dột của Y Bình là tâm câu chuyện cuốn mọi người vào vòng xoáy của mâu thuẩn. Từ mâu thuẩn của cô với cha cùng mẹ kế kéo theo vòng luẩn quẩn về tình yêu giữa cô, Như Bình, Thư Hoàn-chuyện tình cảm nhiều hệ lụy do ý nghĩ cướp đoạt để trả thù cho sự hờ hững hoặc ác ý của gia đình mẹ con dì ghẻ. Dường như để bù đắp cho cá tính người mẹ nhiều chịu đựng, Y Bình nóng nảy và cương quyết đi hết mục đích của bản thân. Cô sống để tranh đoạt, rửa nhục và xỉa xói lại cuộc đời như nó đã xỉa xói cô. Vì thế dòng xoáy luẩn quẩn do tham vọng của cô. Mọi người bị cuốn xoáy vào số phận do chính mình đè nén được Y Bình khơi lên. Cô gái mạnh mẽ ấy xuất phát từ khao khát được công nhận từ người cha, và đã đạt được tham vọng từ người cha nên thỏa nguyện, cô đòi công bằng cho bản thân nên cuối cùng thỏa nguyện được niềm công bằng ấy. Nhưng cô nhúng chân vào tình yêu vị mục đích để cuối cùng chẳng thể thoát được tình yêu nên chịu nhiều hệ lụy bởi chính hành động của mình. Điều gì cũng có giá của nó và việc trả thù của cô dẫn đến những hệ quả mà cô không mong muốn. Khi cô chỉ muốn “phá” những người đã đạp lên cô nhưng không nghĩ đến cảnh “nát” của gia đình, mà những người cô muốn phá lại chính là một phần gia đình của cô.

Gia đình là một chuỗi liên kết nhiều hệ lụy, rạn nứt nhưng vẫn là gia đình để nương nấu mỗi khi cô độc. Gia đình là chỗ để yêu thương, để che chở nhưng cũng để ghen ghét, để tỵ nạnh, để trả đũa nhau rõ nhất. Gia đình không phải là thiên đường, nhưng là một mái ấm khiến ta hạnh phúc khi sở hữu, vun vén để rồi hàn gắn những vết rạn do người thân cũng như chính mình gây nên để hạnh phúc-khi đi tìm hạnh phúc mà mình khao khát nắm lấy. Nơi gia đình có nhiều nuối tiếc, nhiều ngổn ngang khiến ta không hài lòng, bứt rứt, khó chịu nhưng thiếu gia đình thì lại quạnh hiu và côi cút đến đáng sợ. Y Bình đi tìm gia đình trong vô thức như thế để biết và hiểu giá trị của người thân là một hành trình có hậu của kiếp người, đời người vốn dĩ mất đi để tìm lại. Y Bình ngay từ đầu phim trắng tay để rồi cuối cùng tìm được hơi ấm, trong khi đó Như Bình có hầu hết nhưng cuối cùng đành buông lơi tất cả do không biết đi tìm. Tôi không thích Y Bình, vài cảnh rất không thích vẻ nông nổi ương bướng của cô, nhưng tôi quý tính cách bộc trực đó và quý câu chuyện tìm lại gia đình để cô học cách thứ tha và thấu hiểu người khác cũng như bản thân mình. Y Bình là một cô gái bình thường với hỉ nộ ái ố, có cả tham vọng và thù hằn nên cô như xương rồng vẫn sống được dẫu trên đất cằn, biết hút lấy nguồn sinh khí để tồn tại. Câu chuyện giữa Lục Y Bình và Lục Chấn Hoa mang lại một tình cha con cảm động, nhiều tiếc nuối nhưng cũng nhiều hạnh phúc khi họ tìm được mình thông qua đối phương.

Hà Thư Hoàn cũng là một chàng trai bình thường, không được hình tượng hóa mà lằng nhằng-hoàn toàn thiếu dứt khoát. Một chàng trai gần như hoàn hảo nhưng lại có yếu điểm chết người là yêu-không kiểm soát được nên đôi phần nhu nhược. Dòng sông ly biệt là truyện/phim bi nhưng đến mấy cảnh hai anh chị yêu nhau cãi nhau đến nỗi quằn quại rồi quay quắt là tôi vừa cười phì vừa chửi sến, vì thiệt là sến không đỡ được. Ai chẳng biết thất tình giận dỗi rất bứt rứt khó chịu nhưng mà cãi nhau xong đau lòng nhớ nhau đến ăn không được, uống không trôi rồi bẩn thần bần thần lang thang màu mè hết biết. Câu chuyện tình yêu giữa Hà Thư Hoàn và Lục Y Bình một thời làm điên đảo khán giả nên tất nhiên cũng nhiều thú vị mang tính melo cách biệt suy nghĩ trăm sông ngàn núi để tìm về với nhau (nhưng thật ra nó còn ít sến hơn phim Hàn và Trung dạo gần đây khi cả hai thì nhất kiến chung tình, khắc cốt ghi tâm gì đó nhưng hết cha rồi mẹ chia cắt nhặng xị là khóc lóc như mưa, đau khổ như cuồng phong bão táp rồi rũ rượi như chết đến nơi), vì vậy chắc sẽ hấp dẫn những ai thích câu chuyện tình “thâm thâm (sâu thẳm)” này, còn tôi xin kiếu vụ diễm tình nên lơ qua^^.

Điều tôi muốn nói nhiều nhất về chuyện tình này là đoạn kết và hệ lụy liên quan đến Như Bình. Truyện là một cái kết chia ly, Hà Thư Hoàn không thể quên đi Như Bình sau sự ra đi đó nên qua New Yord sống, bỏ lại chuyện tình dang dở tạo nên một đoạn kết vừa vặn và thoáng buồn nhưng buông lơi đi vẻ trĩu nặng ám ảnh từ một vết thương lòng nhiều day dứt. Bản dựng năm 86 để Thư Hoàn và Y Bình suýt xa nhau, nhưng Y Bình được xử lý yếu đuối hơn truyện khi Quỳnh Dao cho thị suýt “điên” khiến Thư Hoàn đành phải tự vực bản thân để chấp nhận thực tế cho câu chuyện có hậu đôi phần sau khi Như Bình đã ra đi. Và vì thế trong phim Thư Hoàn đành có lỗi với Như Bình khi quyết định bắt cá một tay chứ không tay trắng qua New Yord, tôi xem đoạn kết đó là một đoạn kết có hậu khi Thư Hoàn cuối cùng cũng chấp nhận làm người xấu một lần, thay vì lưỡng lự đôi dòng như lúc Như Bình vẫn còn. Nhưng tôi “cảm” đoạn kết trong truyện hơn, dở dang hơn, buồn hơn nhưng đẹp hơn. Hà Thư Hoàn được kết thúc chẳng lý tưởng như chính ban đầu đã chẳng dứt khoát. Đoạn kết ngổn ngang và dở dang như những cơn mưa lất phất rơi ngang cuộc đời khiến người ta day dứt nhớ thương và để người ta chịu trách nhiệm tâm lý đến cuối cuộc đời do ngay từ đầu đã chẳng chịu dứt khoát-mà cứ lằng nhằng để rồi mọi thứ vỡ tan ngập đầy nuối tiếc. Như thế sự ra đi của Như Bình trở nên lất phất mãi còn lất phất tạo nên không khí mưa khói mờ nhân ảnh. Và người ta biết dừng lại trong nét dở dang ấy để bắt đầu lại một cuộc sống mới từ điểm khởi đầu mới, sau một nhịp thời gian trôi.

Dòng sông ly biệt

Như Bình nằm đó, đẹp mơ màng lặng im mênh mang khiến người ta hờn trách cô, khiến người ta biết mình đã từng bỏ quên một hình bóng lặng thầm chẳng vọng cầu một điều gì không thuộc về cô. Như Bình không được lý tưởng nên phảng phất lại chút buồn còn vương lại của quá vãng khi tư tưởng chưa kịp bắt nhịp đổi thay, khiến mưa tan thành những làn khói lất phất rơi, như quá khứ rơi lại trong một cốt truyện nhiều biến động dở dang nơi khoảnh khắc giao thời…

Dòng sông ly biệt là một tác phẩm viết về những con người không hoàn hảo và một câu chuyện không hoàn hảo, truyện/phim viết ra không để khán giả thích, mà lúc viết truyện Quỳnh Dao đã trãi lòng mình với những bế tắc của nhân vật cũng như nhân sinh quan sống của bà trong lúc đó, rất nhiều bế tắc, rất nhiều yếu đuối nên câu chuyện rất đa cảm và không trọn vẹn nhưng cũng vì vậy thấm vào lòng khán giả có được cảm nhận về thời kỳ đó, khi chủ nghĩa tự do chưa rộng rãi như bây giờ mà mới bắt đầu nhen nhóm để lớn dậy. Dòng sông ly biệt không phải là một tác phẩm xem để mơ tưởng mà là một tác phẩm để cảm nhận, còn thích hay ghét là quyền của khán giả vì giá trị của truyện đã qua thời đại nó được suy tôn và người ta dần đào thãi hệ tư tưởng có thể chỉ còn sót lại trong lịch sử xã hội qua những tác phẩm văn học, mà đặc biệt là khi phụ nữ đã vươn lên, bắt đầu làm chủ cuộc sống của chính mình. Nếu ai muốn tìm một bộ phim xem để thích, để đánh giá nhân vật đã tự chủ cuộc đời mình như thế nào thì có lẽ Tân dòng sông ly biệt 2001 sẽ phù hợp hơn, khi Quỳnh Dao lý tưởng hóa khiến nhân vật mạnh mẽ-độc lập-hài hước hơn theo nhân sinh quan sau 15 năm của bà với cách tân thời đại. Tôi thích nhân vật Đỗ Phi và Như Bình với diễn xuất của cặp đôi-diễn viên yêu thích Tô Hữu Bằng-Lâm Tâm Như trong bản mới, nhưng hoàn toàn không “cảm” câu chuyện đơn thuần mang tính giải trí và biểu diễn như Tân dòng sông ly biệt, vì khi đó ngòi bút của Quỳnh Dao đã “lụt” tính đa cảm đắt giá mà cuộc đời-nhiều biến động từng trao tặng cho một văn sĩ như bà, khi bà đã yên bề viết chỉ để đáp ứng thị hiếu khán giả.

Dòng sông ly biệt là những hạt mưa lất phất mờ nhân ảnh rơi rơi để tan thành quá khứ, quá khứ rồi sẽ tan đi, chỉ còn nỗi nhớ về quá khứ thì mãi mãi còn-với những con người đã đi qua quá khứ đó. Nhạc khúc cuối phim do Cao Lăng Phong trình bày nhiều lưu luyến và chậm rơi như chính khung trời hơi mưa lất phất mênh mang…

Categories: Books, Chinese dramas | Tags: , | 35 Comments

Post navigation

35 thoughts on “Dòng sông ly biệt – một thoáng quá khứ lất phất rơi

  1. Đọc bài này hay hơn xem phim :))
    Hồi xem TDSLB còn khá nhỏ, HH cũng không nhớ tại sao hồi đó lại rất mê phim, nhưng bây giờ xem lại vài đoạn của bản 2001 thấy nó hoàn toàn không tạo được cái không khí hoang mang của thời đại mà (theo như NH viết) truyện miêu tả. Thiếu đi cái đó thì phim chỉ như câu chuyện tình sến súa haha. Theo truyện thì có vẻ như Thư Hoàn hơi bị do dự nhỉ, trong bản 2001 hầu như là chỉ chung tình với Y Bình thôi.

    HH không thích Y Bình mà cũng không thích Như Bình trong bản 2001, dù có thể hiểu vì sao họ hành xử như trong phim. Cũng không thích Đỗ Phi vì nhân vật này được tạo ra (không có trong truyện phải không nhỉ) chỉ để tạo hiệu ứng hài hước và “đỡ” hộ sự thất tình của Như Bình mà anh Thư Hoàn để lại. Hóa ra chẳng thích nhân vật nào cả :)) À mà có thích những đoạn Y Bình và Lục Chấn Hoa làm lành với nhau.

    Rốt cuộc hôm qua đi xem lại vài đoạn bản 2001, vừa xem vừa buồn cười vì yêu đương giằng co giằng xé quá. Mà anh Thư Hoàn đẹp trai nên cứ xem tiếp :))

  2. NH

    Hơi bất ngờ vì bài này có còm, vĩ nghĩ nó ế HH ơi, do NH nói nhiều đến truyện và bản 86 dù bản Tân có nhiều người biết hơn. ^^

    Truyện được Quỳnh Dao sáng tác năm 64, lúc đó Quỳnh Dao khoảng 26 tuổi và vừa mới ly hôn. Thời kỳ đó Đài Loan còn biến động chính trị với chính quyền Tưởng nên thời cuộc ngổn ngang giao thời. Không hẳn là hoang mang mà là lúc giao thời thì cái cũ đi, cái mới về và người ta đâm ra lạc lõng, có chút bơ vơ. Thời kỳ này làn sóng phụ nữ bắt đầu chuyển mình nữa.

    Năm 86 Quỳnh Dao tái hôn được 7 năm, Đài Loan cũng êm xuôi nên bả xào lại đoạn kết cho vui cả làng, đến năm 2001 thì không còn gì để nói nữa. Bản 2001 xem vì thích diễn viên là chính. ^^

    Bản 86 được dựng đúng khung cảnh Đài Loan mà Quỳnh Dao từng sống chứ không phải (trường quay) Thượng Hải tưởng tượng nên nó gần gũi chứ không kịch nghệ như bản 2001. Bản 2001 vô hồn vì xây dựng hình tượng nhân vật hát đờn, tán tỉnh nhau, ra chiến trường ghê lắm nhưng toàn phịa nên phim nửa vời mới không ra mới, cũ không ra cũ và đặt biệt là đặt hệ tư tưởng hiện đại không có chút gì liên hệ với thời cuộc để cố sâu sắc bộ phim nên thật sự phải nói là vô hồn. ^^ Thêm mấy cảnh kịch nghệ thị Y Bình đính hôn té xỉu rồi trèo lên cây cầu nhảy xuống để cả làng dòm, kép Đỗ Phi anh hùng cứu rồi níu tay cô Mộng Vân trên nóc cao ốc, etc …ra chiến trường đặng sâu sắc nhưng chẳng có chút nào là thật cả nên lại càng không xúc động gì.

    Nhưng mà Cổ Cự Cơ đẹp trai và hao hao Tần Hán, xem cũng được. Không thích nhân vật nhưng mà thích diễn viên. Bạn ấy có hát 1 bài nhạc phim nữa.^^ Nhân vật trong bản 2001 nửa nạc nửa mỡ, đôi khi tạo cảm giác giả tạo nên HH không thích là phải rồi đó. ^^ Xét trên tổng thể thì mấy nhân vật nhí nhố vớ vỉnh trong một nội dung sến súa hehe.

    • Kim Thoa

      Xem lời bình về bộ phim thấy rất hay. Bộ phim là kỷ niệm 1 thời đam mê của mình. Mình đã xem thông 1 đêm qua sáng hôm sau phim này, khóc sưng cả mắt và sau đó thì nhớ mãi…

    • Lê Kim Bảo

      nè cho hỏi chê như vậy nhưng có nhạc phim của năm 1986 hem share đi. Cần lắm cảm ơn

    • Lien Huong

      Cực kỳ thích bài phân thích của bạn, nói hộ long mình.

  3. NH, HH ^^

    Ginko thì bất ngờ vì bài này ít còm vậy, cứ tưởng bài này đưa ra là sẽ nhiều người nhảy vào comment lắm cơ. Dù gì cũng là những bộ phim đình đám một thời, cứ tưởng mọi người thích ôn lại kỷ niệm xưa lắm?

    Ginko thi..hì hi… bạn NH làm khó mình, dạo này toàn rì-viu phim cũ thế này thì mình chịu chết. Mình ko biết gì về phim này đâu, chỉ biết là mấy diễn viên trong phim này thì quen lắm, nghe tên phim thì đã thấy cả một biển lệ, chắc xem phim thì khóc lụt nhà luôn quá ^^

    • NH

      Giờ QD thường bị đánh giá là lỗi thời mà, lứa yêu thích phim này mấy khi lên mạng đâu, 25 năm rồi, truyện thì còn xưa hơn. ^^

      Mình thì ko khóc nên làm gì lụt được 🙂 , chỉ là đoạn cuối truyện buồn mình cũng buồn vì cảm nhận con người ta yếu đuối nên mất nhau, sự yếu đuối bất đặng đừng.

  4. JH

    Bản Tân dòng sông hay dòng sông mình đều chưa xem, Quỳnh Dao cũng chẳng thích nhưng thích giọng văn của NH nên vào ới cái là đọc rồi. Mà cái dạo đầu 90 có mấy tivi đâu, dạo đó chỗ JinHun toàn thuê băng về coi phim chưởng, anh A xuất ra chưởng màu xanh, anh B xuất ra chưởng màu đỏ, chạm nhau cái bùm rồi ồ phim hay, về nhà đi ngủ rồi sáng đi học lol.

  5. Nguyen Thuong

    Mấy hôm nay xem lại phim Dòng Sông Ly Biệt nên search mạng để tìm link còn đủ tập thì tình cờ lạc vào trang này. Phải nói những cảm nhận của bạn về phim rất sâu sắc và cách viết của bạn cũng vô cùng lôi cuốn. Thật lòng rất muốn làm quen với bạn 🙂

    • NH

      Chào Nguyen Thuong, bây giờ mình và bạn quen nhau rồi đó. Cảm ơn sự quan tâm của bạn với bài viết. ^^

  6. Kristine

    Tối qua mình cũng vừa đọc truyện xong ( thật ra là muốn đọc truyện này lâu rồi mà vẫn chưa thực hiện đựơc). Mình chưa từng xem qua bản phim năm 86 nhưng cũng có nghe sơ sơ, đến khi xem bản năm 2001 thì lúc đầu thấy cũng hay, lại thích dàn diễn viên đẹp, nhất là đôi mắt mơ màng của Cổ Cự Cơ, thì mê phim này luôn. Đến khi đọc truyện thì mới biết bản phim 2001 đã đi quá xa so với nguyên tác, làm cho mình có chút cảm giác hụt hẫng….Trong truyện thì Y Bình quá lý trí, quá cứng rắn khi để Thư Hoàn ra đi, nhưng có khi đó lại là một điều hay, thời gian sẽ làm lành tất cả, Và biết đâu trời lại chẳng cho họ đựơc hạnh phúc…………

  7. Bạn cho mình xin cái nguyên tác với

  8. Vy Hoàng

    Mình không thể nào tìm được bài nhạc nền yan yu meng meng do nam ca sĩ hát, bài hát nữ nghe không dc hay bằng nam ca sĩ đó, Ai có bài hát đó làm ơn up cho mình với, mê mê mê giọng hát của anh ấy quá………..Thanks!!!!!!!!!!!!

  9. NH

    Vy Hoàng hỏi bản phim 1986 hay 2001?

  10. Vy Hoàng

    mình hỏi bản 1986,

    • Gia han

      Các phim ban cu lúc nào cũng hay & tâm trang hơn ban mới rất nhiều, những người đam mê các phim 1986 bây giờ còn ai ranh roi để lên mạng tìm kiếm, lo toan cho cuộc sống nhung đoi khi vẫn nho đen những bộphim làm mình mat an mat ngũ mot thoi , ko như tui trẻ bay giờ vùi dau vào vitinh xem toàn nhữngphim củathoi hiện đai, những bo phim làm toi nho mai như Tây Thi, Xom Vang ,Dong Sông ly Biet ,Bao Thanh Thiên ,Phuong Hoang Lua , tôi đã mat an mat ngu vs cai tivi hai mau cai thoi ay ca xom tôi moi khi sắp đen giờ chieu phim ,thi moi người tu tạp lại de ban tan , ôi cái thoi êm đẹp binh di đo giờ tìm đau ,,,

  11. Vy Hoàng

    ah cho mình hỏi mình chỉ xem lại dc 20 tập thôi, còn các tập sau thì không có hoặc xem k dc. Hổm rày đi các hiệu Video cũng không có, người ta bỏ hết rồi. Đang tới lúc hay tức ơi là tức (mặc dù hồi đó đã xem hơn chục lần rồi)

  12. NH

    Bài do Cao Lăng Phong hát cuối phim thì nó nằm ở video … cuối bài viết của NH đó. Mp3 thì dùng idm bắt link, khỏi mất công đăng ký ^^.

    NH tìm thử trang xem online cho Vy Hoàng thì thấy trang này.

  13. Vy Hoàng

    thanks bạn nhé!đúng bài hát mình tìm rồi, tải mp3 về máy để nghe. NH là nam hay nữ vậy? Tìm hiểu về phim tình cảm như thế này chắc là nữ hả?

  14. Thuy Ha

    Khi tôi còn nhỏ tôi cũng ko hiểu sao minh lại rất thích xem phim của Quỳnh dao, càng lơn lên tôi tìm đọc hết các tác phẩm của bà. Trong tất cả cac tác phẩm đó tôi đạc biệt thích DSLB. Còn về bình luận của các bạn ơ trên mình cũng có ý nghĩ thế này. Dù là phiên bản cũ hay mới thì nó đều có cái hay và hạn chế riêng của từng bản. Nhưng riêng tôi , tôi đặc biệt thích phiên bản của dàn diễn viên: Tần Hán, Lưu Tuyết Hoa và Triệu Vĩnh Hinh hơn. Mặc dù phiên bản đó mọi thứ đều rất kém xa so với 2001, nhưng với diển xuất của các diễn viên làm tôi thấy sống động và bị cuốn theo những buồn vui của nhân vật hơn.
    Trong phiên bản cũ tôi cảm thấy thương xót cho nhân vật Như bình, vơi tôi cô ấy như giọt sương buổi sáng sơm, tinh khiết, mong manh như chính vẻ đẹp của cô TVH vậy, ko biết có phải vì vậy mà số phận cuộc đời Như bình cũng ngắn ngủi theo hay ko?

  15. Fan of Quynh Dao

    Tôi vừa xem lại phim này. Lần đầu tôi xem là lúc khoảng 14 tuổi. Bỏ qua một số đoạn la lối gào thét, trợn mắt, quăng quật nhau hơi quá liều của một số nhân vật, và các đoạn râu ria không cần thiết của nhân vật Khả Vân, Tiểu Kỹ, thực sự xem lại thấy phim vẫn rất cuốn hút, hấp dẫn và mang tính thời đại rất cao. Thoại của các nhân vật rất sâu sắc, chỉnh chu khiến tôi bất ngờ. Lúc còn nhỏ xem không cảm hết được sự tinh tế và thông tuệ của Quỳnh Dao. Bối cảnh Đài Loan thật đẹp. Tần Hán quá đẹp trai và phong độ. Triệu Vĩnh Hương diễn Như Bình quá xuất sắc. Lưu Tuyết Hoa diễn rất có nghề, nhưng hơi tiếc là diện mạo không được xuất sắc lắm nên để Thư Hoàn điên đảo thì hơi quá một chút. Love it forever.

  16. chung le

    đọc bài này của bạn tự dưng muốn viết gì đớ dù bài này đã cũ rồi, nhưng giờ mình mới đọc được. phim này là thần tượng của mình một thời. mình thích bản 1986 rất nhiều. bản 2001 có coi một chút vì thích anh cổ cự cơ nhưng không xem hết vì quá xa nguyên tác. mình thích cặp đôi Tần hán – lưu tuyết hoa.hồi đó mình cũng rất thích nhân vật như bình, lúc cô ấy tự sát mình đã cảm thấy tiếc nuối và đau buồn. tiếc cho một cô gái dịu dàng và dễ thương như vậy mà lại không có một cái kết hạnh phúc. tuy mình xem phim đã từ lâu, phải nói là từ hồi còn nhỏ kia nhưng khi đọc lại bài của bạn mình như thấy lại cảm xúc của ngày xưa. những ngày buồn vui theo từng tập phim ấy.

    • NH

      Tần Hán Lưu Tuyết Hoa còn đóng Xóm vắng, Hải âu phi xứ nữa. Mấy cái phim thời đó coi thiệt là mùi mẫn, coi háo hức, chờ trông tập mới, xong đi coi lại nữa. Thật con nít hết biết. Làm con nít thiệt là sướng hì hì.

  17. chung le

    dung roi do ban. minh thi chua xem phim Hai au phi xu nhung da doc truyen. minh con nho hoi do hai anh chi tuy ko dep xinh lung linh nhung dong rat chan that va an y nua. do la cap doi ma minh thich nhat hoi do.

  18. Mermaid

    Xem phim này mình có cảm giác vừa ghét vừa thương Lục Y Bình, có lúc khóc cùng cô, có lúc muốn buột miệng muốn mắng cô sao mất dạy quá , cô ấy nghĩ mình có nghĩa vụ phải giải quyết mọi việc của mọi người, ai không hành động theo ý cô ấy đều là sai, cô không đủ tinh tế nhạy cảm để nhận ra sự thay đổi, lúc nào cô ấy cũng muốn bóc trần sự thật bất chấp tổn thương của người khác

  19. Mermaid

    Bản 1986 thật sự miêu tả nội tâm chân thật và sâu sắc, bản 2001 mang tính chất thương mại nhiều quá và nhất là tạo hình của Lục Y Bình ( Triệu Vy) không phù hợp với nhân vật , tôi không cố ý chê Triệu Vy nhưng Triệu Vy hoàn toàn không phù hợp với hình tượng Lục Y Bình, cô có đôi mắt to nhưng ko sắc và tinh anh như cô Lưu Tuyết Hoa , hình dáng không cân đối và mảnh mai .

  20. Đó là cách nghĩ của bạn! bạn thấy cảnh tình cảm nó sến ! còn tôi , tôi thấy nó không hề sến tý nào!nếu bạn đã trải nghiệm thì những người yêu nhau thực sự khi cãi nhau thì sẽ rất đau đớn và dằn vặt, nếu việc bỏ đi là không thể thì quay lại ôm nhau khóc là chuyện thường khi nhận ra mình đã làm tổn thưởng chính mình, người yêu và cái tình cảm đó. bạn thích Như Bình! vâng mỗi người chọn mỗi mẫu người theo đuổi?! nhưng có chăng có người nào không mưu cầu hạnh phúc riêng? Như Bình cũng thế thôi.Cô cũng muốn có hạnh phúc, cũng muốn được yêu thương, nhưng con người cô quá yếu đuối, nhu mì và thụ động, cô muốn ai dâng tình yêu cho mình khi mà bản thân không tự tìm lấy đấu tranh. Vậy cô ấy có xứng đáng được hạnh phúc không? Và nói Y Bình cướp người yêu có đúng ! Thư Hoàn đâu có yêu Như Bình , mà đó chỉ là rung đọng thoáng đầu, cái này chưa phát triển thành tình yêu. Y Bình cũng không phải người tốt, nhưng tôi thấy cô ấy có lý tưởng, sống phải phấn đấu. nhiều lúc cô ấy làm hơn quá, nhưng có nhiều chuyện cũng phải làm quá để lần sau mới biết khi nào là dừng đúng lúc. Và cái kết như phim là tôi thấy là hợp lý, người chết cũng đã chết, có đau buồn thì không thể làm họ sống lại, bỏ chạy không phải cách giải quyết tốt, đối diện và vượt lên thôi! ak! chắc tại vì bạn thấy trốn chạy là 1 cách giải quyết chăng!

  21. Ngọc Thái

    Phim này hay qúa , bài viết chi tiết và mình đọc thấy thích lắm, mình thích cô diễn viên Triệu Vĩnh Hinh love love

  22. Hương

    Bài viết hay dã man!

  23. Hương

    Bạn nói đúng, mình tuy phải sống vội vã nhiều lo toan nhưng vẫn nặng lòng những phim cũ thế này. Nếu có thể hãy kết bạn với mình qua email nhé!!

  24. lương minh thiện

    Tôi thích đọc truyện hơn,vì tôi thích cảm nhận giòng cảm xúc mà chính tác giả hòa vào từng con chữ hơn là xem phim,tôi đọc truyện thấy rất hay và cũng rất buồn,đọc mãi mà cũng không thể chán nổi tác phẩm này

  25. Lien Huong

    Phim này ti vi chiếu những năm 93, 94. Tôi lúc đó 9, 10 tuổi. Rất thích coi ti vi mà nhà ko có ti vi và mẹ ko cho đi coi ké. Nhưng với bản tính lì lợm, tôi vẫn lẻn đi coi được một vài tập lúc Mẹ ko để ý. Có lần mẹ bắt tôi về, mẹ giận lắm mà đang ở nhà hang xóm nên nhéo tai tôi lôi về, miệng thì cười với bác chủ nhà, tay cầm tai tôi thì bấm đau điếng.
    Tuy vậy tôi vẫn coi chực được vài tập Hồng Lâu Mộng, vài tập Tây Thi, he he.
    Thời gian trôi qua, tôi vẫn học, vẫn coi ké vì mẹ nhất quyết ko mua TV, thậm chí khi nhà có TV mẹ vẫn ko thích cảnh tôi nằm dài coi TV (chắc mẹ tôi có tư thù gì với Ti vi), bạn biết không, ngay cả khi tôi sinh viên về quê ăn tết nằm coi TV mẹ vẫn bắt tôi lôi bài ra ôn (!!!), tại năm đó tôi thi rớt 2 môn, qua tết phải thi lại he he.
    Rồi thì tôi lớn, tôi có sự tự do hơn. Nay tôi làm Mẹ, ko ai la tôi việc coi ti vi nữa, nhưng tui có con, ha haha. Mà bạn biết, bạn có con thì dù ko ai la bạn nằm dài coi TV thì bạn cũng ko thể ườn cả ngày coi TV! Tôi chỉ có thể làm điều đó sau khi đi làm về, sau khi cho bọn trẻ tắm, ăn, uống sữa, quánh rang và đi ngủ xong xuôi. Tầm 10 giờ đó! Khi đó mệt quá tôi sẽ ngủ luôn trong nuối tiếc (vì phải nằm kế 2 con giả bộ ngủ cho nó ngủ mà, chừng nó ngủ thì mình cũng ko thể dậy nổi, ngủ luôn nhưng trong long vẫn ức vì ko thể coi phim). Còn những hôm coi phim xong tới 1 , 2 giờ sang , ngủ 4, 5 tiếng dậy, ta nói, nó mệt vô cùng tận.
    từ 10g-1g sáng của những đêm quyết dậy coi trả thù tuổi thơ bị chia cắt với cái ti vi, tôi lục lại, coi hết nào bức rèm u mộng, nào dòng sông ly biệt, tình buồn,, nào hải âu phi xứ….(bản cũ nhé, bản của thời tôi 10 tuổi í). Tôi coi mà trong long hả hê, cảm hết, Nối lại cái cảm xúc của hai chục năm trước. Đã vô cùng.
    Đôi khi tôi cảm ơn Mẹ vì không có Mẹ thì tôi ko được như hnay, nhưng có khi tôi cũng ao ước, giá như lúc đó mẹ tôi đừng khắc khe quá, cho tôi coi chút xíu lúc nhà có TV thì có lẽ, ở tuổi băm 3 nhát này, tôi ko có cảm giác thiếu thốn, và phải “coi trả thù” như vầy…

  26. Van

    Bản phim 1986 mình xem ko biets bao nhieu lần, mà lần nào cũng khóc sưng cả mắt. Lưu Tuyết Hoa và Tần Hán là cặp đôi diễn viên mà mình mê nhất. Ko hiểu sao cứ mỗi lần xem tâm trạng mình lại như quay về thời đôi mươi. Mình mê hết những phim có hai người này đóng, trời ơi, ko thể nào diễn tả hết cảm xúc. Mình đồng ý với suy nghĩ của Hoang Truc.

  27. han tran

    Tác giả bình bài này hơi thiên về nhân vật Như Bình. Xem hết bộ 86, tôi thấy Y Bình không có lỗi, như nhân vật Từ Siêu đã nói khi đứng trước bàn thờ của Như Bình là YB không có lỗi.

  28. Thi Kim Anh Ly

    Phim DSLB và TDSLB như 2 bản có những đặc sắc riêng, đọc bình luận của mọi người mới được mở rộng tầm mắt. Cảm ơn các bạn độc giả!

    Tôi thấy xem phim xong thì buồn lắm, mà nguyên tác thì phản ánh thực tế chân thực hơn nhưng cũng vì thế mà đau lòng hơn. Thực tế cảnh đời có nhiều bi thương như vậy hoặc còn hơn những gì tưởng tượng. Tôi thấy rằng thực tế nếu 2 nhân vật chính yêu nhau mà hay tổn thương nhau, giận, chia tay, làm hòa, xong giận,… nhiều như thế thì khó mà đi với nhau đến cuối cùng bởi có tình yêu nào mà làm nhau đau đớn không, còn chưa kể đến tình cảm mập mờ với người thứ 3 không thể dứt,… Nhưng nếu thực tế ấy đến với người xem thì thật sự rất đau lòng,… Tôi vẫn luôn tôn trọng sự thực, tôn trong nguyên tác, tôn trọng nỗi đau ấy… bởi điều đó làm tôi thức tỉnh, làm tôi học được những bài học sâu sắc trong tình yêu, gia đình và cuộc sống… Chỉ là nếu tác phẩm mà đau quá đau, đau day dứt, đau cho tới kết cuối cùng, tôi sợ nó ám ảnh tâm trí.. nếu thế sẽ không thể biết thế nào là vui vẻ và bao giờ mới được hạnh phúc đây? Dẫu cho phải ko biết bao lần nước mắt đã rơi, đã cạn kiệt thì chúng ta vẫn phải theo đuổi thứ gọi là hạnh phúc.

    Có lẽ vì thế mà các bản phim càng gần hiện đại thì càng bớt bi thương hơn chỉ để hướng con người ta lạc quan, tích cực. Cuộc sống này vẫn phải tiếp diễn nên cần lạc quan mới sống tiếp được.
    Đỗ phi tuy không có trong nguyên tác nhưng là những tia nắng thắp dần ánh sáng lên khi mà nhiều cảnh phim tưởng chừng như bế tắc, và đó là nhân vật khiến tôi cảm thấy như được an ủi phần nào và giúp nhen nhóm hy vọng vậy. Nếu các phiên bản phim giống hoàn toàn nguyên tác thì có lẽ nỗi đau ấy sẽ ám ảnh khôn cùng.

    Có lẽ, tác giả QD muốn an ủi và hướng người xem bớt bi thương dù cho cuộc đời có vùi dập chúng ta đến cỡ nào…. Cảm ơn tác giả, cảm ơn thông tin của người viết và các bạn bình luận phim!

Leave a comment

Create a free website or blog at WordPress.com.